Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả đào tạo tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức

08:29, 17/01/2025

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh tổ chức mở các lớp học tiếng DTTS (tiếng Êđê) cho cán bộ cấp huyện, cấp xã trên địa bàn các huyện Cư M’gar, Krông Bông, Krông Pắc và thị xã Buôn Hồ.

Qua đó, giúp các cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại vùng đồng bào DTTS khắc phục tình trạng bất đồng ngôn ngữ; tạo thuận lợi trong giao tiếp, thực thi nhiệm vụ tại địa phương.

Lớp học đặc biệt

Sau 3 tháng theo học tiếng Êđê, anh Trần Ngọc Giang, Phó Chủ tịch HĐND xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) đã có thể nắm được những từ ngữ cơ bản, giao tiếp những câu đơn giản bằng tiếng Êđê.

Anh Giang chia sẻ: “Dù lịch học tập trung liên tục vào các buổi tối trong tuần và cả ngày thứ bảy, chủ nhật trong khi khối lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức chúng tôi rất nhiều nhưng ai cũng phấn khởi tham gia và học tập nghiêm túc. Đối với chúng tôi, đây là lớp học đặc biệt, bởi khi đã biết tiếng Êđê chúng tôi sẽ dễ nắm bắt được nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của người dân hơn, tạo thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động và triển khai các chủ trương, chính sách”.

Học viên lớp đào tạo tiếng Êđê huyện Cư M'gar giao lưu, thăm và tặng quà hộ nghèo tại địa phương trong quá trình học tập.

Từ nhiều năm trước, bà Phạm Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) đã tự học và biết nói tiếng Êđê. Tuy nhiên, quá trình tự học từ người quen và giao tiếp qua phương thức nói chuyện với bà con nên bà chỉ có thể nghe nói chứ không biết viết chữ hay biết đọc tiếng Êđê. Do đó, khi có thông tin về lớp đào tạo tiếng Êđê bà liền đăng ký với mong muốn không chỉ biết nói mà phải biết đọc, biết viết để gần dân, tạo thuận lợi cho công việc hằng ngày của mình.

 

“Để có thể phát huy hiệu quả việc học cũng như sử dụng tiếng Êđê tốt hơn, các học viên cần tiếp tục nghiên cứu, rèn luyện, dành nhiều thời gian để ôn tập kiến thức đã học, bao gồm từ vựng, ngữ pháp và các bài tập giao tiếp; đặc biệt, chủ động thực hành nói tiếng Êđê trong các tình huống giao tiếp thực tế với bà con”- Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh.

Tại thị xã Buôn Hồ, sau khóa học chỉ vỏn vẹn 3 tháng, chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm, cán bộ đoàn phường Thống Nhất đã có thể tự tin phát biểu cảm nghĩ bằng tiếng Êđê trong ngày bế giảng khóa học.

Theo chị Trâm, lâu nay cán bộ ở địa phương vẫn giao tiếp với bà con Êđê bằng tiếng Việt, do đó nhiều khi bà con, nhất là những người già, không hiểu hết nội dung, ý nghĩa, phần nào ảnh hưởng đến công việc.

Bây giờ, với những kiến thức thu được từ lớp học sẽ giúp cán bộ, công chức giao tiếp với người dân tốt hơn. Đồng thời, cũng hiểu biết hơn về phong tục, tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc Êđê, tạo thuận lợi hơn trong công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt công việc được giao.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức vùng dân tộc thiểu số

Bà Nay H’Nan, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Việc bảo tồn và phát huy ngôn ngữ các DTTS luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Điều này không chỉ để thực hiện việc bảo vệ bản sắc văn hóa các dân tộc mà còn là điều kiện cần thiết để thực hiện tốt công tác giao lưu, giao tiếp, tuyên truyền, triển khai thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS. Việc nắm vững ngôn ngữ của người Êđê sẽ giúp các cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại vùng đồng bào DTTS thuận lợi hơn trong quản lý, nắm bắt tình hình, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc”.

Học viên lớp đào tạo tiếng Êđê thị xã Buôn Hồ tham quan, giao lưu tìm hiểu văn hóa đồng bào Êđê tại TP. Buôn Ma Thuột.

Quá trình học, học viên không chỉ tiếp thu ngôn ngữ mà còn có cơ hội trải nghiệm thực tế tại nhiều nơi như Bảo tàng Đắk Lắk và một số buôn của đồng bào Êđê trên địa bàn tỉnh. Qua đó có cơ hội hiểu sâu hơn về lối sống, nghi thức truyền thống và giá trị văn hóa của người Êđê để vận dụng kiến thức đã học vào thực tế.

Những năm qua, việc đào tạo tiếng Êđê dù được triển khai rộng rãi và thường xuyên nhưng hiệu quả mang lại thực sự chưa cao bởi khá nhiều người tham gia học chủ yếu để lấy chứng chỉ thay thế cho chứng chỉ ngoại ngữ. Tuy nhiên, với lớp học này, các học viên đã có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Êđê, hiểu và áp dụng được một số kiến thức về  văn hóa, phong tục của đồng bào vào công việc thực tiễn. Do đó theo Ban Dân tộc tỉnh, sau khóa học này, địa phương cần triển khai thêm các khóa bồi dưỡng thường xuyên về tiếng Êđê để học viên có nhiều cơ hội rèn luyện ngôn ngữ; cần có chính sách hỗ trợ lâu dài để nâng cao hiệu quả của chương trình bồi dưỡng và ứng dụng thực tế tại địa phương mà học viên đang công tác.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc