Bác Hồ và những dự báo đi trước thời đại
Trong những ngày tưng bừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, chúng ta lại nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh và những dự báo tiên tri của Người về con đường phát triển của đất nước!
Cùng với độ lùi của thời gian, đọc lại từng dòng chữ từ “Lịch sử nước ta” đến “Di chúc”, chúng ta càng thấy rõ tính dự báo và thời sự của một trí tuệ vĩ đại.
Năm 1941, khi về Pác Bó (Cao Bằng), Bác đã viết bài thơ “Lịch sử nước ta” gồm 210 câu thơ lục bát dễ thuộc, dễ hiểu, phù hợp với tình hình người dân Việt Nam lúc đó với trên 90% dân số mù chữ. Tập thơ được viết bằng giấy dó mỏng, khổ giấy 9 cm x 15 cm. Bác Hồ đã tường thuật cả tiến trình hơn 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước cho đến đầu thế kỷ 20. Tất cả chỉ 14 trang (có 2 trang mục lục) mà nhắc tới đủ hết các triều đại, nhân vật lịch sử Việt Nam. Khi xuất bản cuốn sách này, Hồ Chí Minh vừa là tác giả vừa là biên tập viên, vừa là người trình bày, vừa là họa sĩ minh họa, đồng thời lại là thợ in và sửa morasse. Vào thời gian xuất bản, cuốn sách được in bằng thạch bản. Bên trong sách, còn có hình minh họa (6 bức tranh): ông Đề Thám cưỡi ngựa, Lý Thường Kiệt cầm kiếm, Hai Bà Trưng cưỡi voi xung trận... do chính tay Bác Hồ vẽ.
![]() |
Bìa cuốn "Lịch sử nước ta". Ảnh tư liệu |
Nhưng điều kỳ lạ là trong phần kết bài thơ này Bác đã ghi “Bốn lăm độc lập thành công” - nghĩa là năm 1945 cách mạng sẽ giành được thắng lợi. Bài thơ Bác viết năm 1941 khi cách mạng nước ta vẫn đang còn trong trứng nước, “quân đội” đầu tiên phải đến 22/12/1944 mới được thành lập (tức Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân). Hiểu như thế để thấy sự dự cảm vĩ đại của Hồ Chủ tịch và cũng để nhắc lại về những tiên tri trong Di chúc của Bác sau này.
Ngày 19/8/1989, kỷ niệm 20 năm ngày mất của Bác, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Thông báo số 151-TB-TW “Về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Qua thông báo này chúng ta mới được biết thêm những phần Di chúc được Bác viết từ năm 1965 đến năm 1969. Phần Bác viết thêm vào năm 1968 thật sự là những dự báo tiên tri mà cho đến bây giờ, sau 56 năm kể từ ngày Bác “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác” càng thấy rõ tầm vóc xuyên suốt thời gian và thời cuộc của Người.
Trong những ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ đang khó khăn nhất, bối cảnh quốc tế, quan hệ giữa các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ có nhiều vấn đề không đồng thuận, Bác vẫn rất tự tin: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài thêm mấy năm nữa”. Thực tế chứng minh là chỉ chưa đầy 6 năm sau ngày Bác mất, chúng ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.
Cũng chính trong những ngày đó, Bác dự báo: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là phải mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man. Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”.
Thực tế đã chứng minh là thời điểm sau năm 1975 chúng ta đã chưa kịp chuẩn bị chu đáo cho công cuộc “hàn gắn vết thương”, một công việc đã được Bác dặn dò là “cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn” và phải hơn 10 năm sau, đến năm 1986 chúng ta mới bắt đầu công cuộc đổi mới, khắc phục những thiếu sót của thời kỳ trước đó. Lời nhắc nhở ấy của Bác không chỉ đúng vào thời điểm khi chiến tranh vừa kết thúc mà cả thời điểm hiện nay, trên chặng đường xây dựng một đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một nước Việt Nam công bằng - dân chủ - giàu mạnh - văn minh thì lời dặn dò ấy trong Di chúc của Bác từ 50 năm trước vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự!
Ngay sau phần dặn dò về những vấn đề của đất nước khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, Bác đã chỉ rõ: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy thì dù công việc to lớn đến mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”. Và lần lượt Bác dặn dò từng việc, với từng đối tượng, quan trọng nhất vẫn là vấn đề con người, chăm lo người có công, công việc đào tạo, xây dựng, tái thiết đất nước… Những điều này, từ những ngày đất nước chưa bước ra khỏi cuộc chiến tranh đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.
![]() |
Một trang bút tích di chúc được Bác viết và sửa chữa. Ảnh tư liệu |
Trong giai đoạn “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, soi vào những điều Người dặn dò toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong bản Di chúc càng thấy rõ tất cả những vấn đề, những thách thức ấy đã được Bác tiên tri đầy sáng suốt.
Phần cuối của những trang Di chúc viết bổ sung vào tháng 5/1968, Bác đã viết: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Sức tiên cảm ấy khiến chúng ta có thể nhận thấy tư duy đổi mới của Bác đã đi trước thực tế hàng chục năm, không phải đợi tới Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 mới mở ra kỷ nguyên đổi mới trong công cuộc xây dựng và phát triển.
Và cùng với độ lùi của thời gian, những dòng di chúc của Bác càng minh chứng cho chúng ta thấy sức khái quát của một tầm nhìn, tầm tư duy vượt lên thời cuộc và tiên cảm được những vấn đề thời đại. Như lời của đồng chí Vũ Kỳ – thư ký riêng của Bác đã nhấn mạnh trong một bài viết về Di chúc của Bác vào năm 1999: “Di chúc của Bác Hồ mãi mãi soi sáng con đường chúng ta đi”!
An Du
Ý kiến bạn đọc