Multimedia Đọc Báo in

Khúc bi tráng giữa đại ngàn Kẻ Gỗ

16:41, 03/05/2025

Nhiều người biết đến công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (tỉnh Hà Tĩnh) nhưng có lẽ chưa nhiều người biết rằng nơi đây đã từng là tuyến giao thông huyết mạch cùng sân bay dã chiến trong kháng chiến chống Mỹ.

Những địa điểm này giờ đã chìm sâu dưới lòng hồ Kẻ Gỗ nhưng hương linh những người đã khuất là tượng đài lịch sử bi tráng…

Năm 1966, để chi viện cho chiến trường miền Nam, Bộ Giao thông vận tải quyết định mở tuyến đường chiến lược 22. Tuyến đường dài 65 km, điểm đầu là ngã ba Thình Thình thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, đường vòng qua vùng hồ Kẻ Gỗ của huyện Cẩm Xuyên, chạy dọc huyện Kỳ Anh và kết thúc tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Hơn 6.000 thanh niên xung phong (TNXP) được huy động gấp rút xây dựng và cuối năm 1970 - đầu năm 1971, tuyến đường 22 hoàn thành.

Chiến trường xưa chi chít hố bom hiện lên giữa lòng hồ Kẻ Gỗ mùa khô hạn.

Cùng với tuyến đường là sân bay dã chiến Libi, hồi đó gọi là công trình quốc phòng 723, do lực lượng quốc phòng xây dựng, lấy địa danh rào Libi thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Đây là sân bay gần hậu phương miền Bắc nhất để chi viện cho chiến trường miền Nam. Cuối năm 1972, đầu năm 1973, sân bay cơ bản hoàn thành với hai làn bay, chủ yếu phục vụ máy bay phản lực, đã cất, hạ cánh thử nghiệm an toàn, sẵn sàng cho chiến dịch lớn. Tuyến đường và sân bay có nhiệm vụ đặc biệt là chống chiến dịch “Lam Sơn 719” của Mỹ ngụy - một đại chiến dịch leo thang táo tợn với âm mưu lập “vành đai lửa” từ đèo Ngang sang tận Sê Pôn (Lào), cắt đứt toàn bộ tuyến chi viện của ta vào chiến trường miền Nam.

Bởi vai trò trọng yếu này, sân bay Libi bị Mỹ huy động hàng loạt máy bay B52 tập trung đánh phá ác liệt hòng “xóa sổ”. Suốt cuộc chiến tranh, giặc Mỹ đã trút xuống khu vực này hàng trăm nghìn tấn bom đạn các loại. Tính ra trung bình mỗi mét vuông đất ở đây phải chịu đựng từ 1 - 3 quả bom, đạn các loại...

Đỉnh điểm là vào sáng 2/9/1968 và đêm 7/1/1973, không quân Mỹ đã dội hàng trăm tấn bom đạn xuống nơi đây. Đau thương chồng chất. Trong đó, ngày 2/9/1968, Trung đoàn Thép thủ đô làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay Libi đã hy sinh 34 chiến sĩ và 18 chiến sĩ khác bị thương nặng. Ngày 7/1/1973, giặc rải thảm bom xuống khu vực này khiến hơn 400 chiến sĩ và đồng bào ta chịu thương vong, có nhiều người mất cả xác không thể tìm kiếm được, có xác chưa kịp chôn hoặc vừa chôn lại bị bom cày xuống, xới lên. Sân bay Libi với diện tích trên 10 km2 bị giặc phá hủy hoàn toàn…

Chiến trường xưa Kẻ Gỗ mãi mãi ghi nhận sự hy sinh vô cùng lớn lao của những người con đất Việt thương yêu. Họ là cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thép thủ đô, Trung đoàn tên lửa (Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân), Tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân (Quân khu 4), Tiểu đoàn 8 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh); Tổng đội TNXP 353 và 355 (chủ yếu đến từ các tỉnh Hà Tĩnh, Nam Hà, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa); công nhân quốc phòng, công nhân đến từ các đơn vị ở Hà Tĩnh và dân quân tự vệ… Họ là tượng đài anh hùng bất khuất trong chiến tranh và là tượng đài thiêng liêng trong tâm thức hậu thế hôm nay.

Đền thờ Anh hùng liệt sĩ Kẻ Gỗ được hoàn thành.

Năm 1997, công việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ khu vực lòng hồ Kẻ Gỗ bắt đầu. Nghĩa tình tri ân là nguồn động lực thiêng liêng đã giúp đội quy tập cất bốc được hàng trăm hài cốt liệt sĩ để đưa về các nghĩa trang. Nghĩa cử và tâm huyết của cả cộng đồng âm thầm kết nối vòng tay yêu thương để lần tìm những người đã nằm xuống.

Những nhân chứng một thời cống hiến tuổi thanh xuân nay đã là những bậc cao niên trên 70 tuổi. Sức lực còn ít nhưng trái tim luôn hướng về đồng đội. Thương binh Dương Danh Trành, công nhân xây dựng sân bay Libi, ngày 7/1/1973 đã chứng kiến 21 người trong đơn vị hy sinh. Thương binh Nguyễn Thị Đàn ám ảnh với sự ra đi của 13 nữ công nhân quốc phòng, 3 người còn lại đều bị thương khi tất cả họ đang ẩn nấp tránh máy bay trong lán. Hay cụ Phan Khắc Lịch, nguyên Đội trưởng Đội khai thác của lâm trường, đã trực tiếp chôn cất 37 thi thể và bốc lên xe ô tô 360 thi thể chở đi án táng tại các nghĩa trang dã chiến rải rác dọc tuyến đường…

Ngày 8/9/2011, công trình Miếu thờ Libi được khởi công để hương khói dâng các anh hùng, liệt sĩ nằm lại lòng hồ Kẻ Gỗ. Ngôi miếu nhỏ được cấp bằng Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Nhưng nỗi đau vẫn nhói trong tâm can những người đang sống, bởi bao liệt sĩ chưa được quy tập. “Vẫn còn những thông tin có hàng trăm liệt sĩ hy sinh đang nằm lại dưới lòng hồ Kẻ Gỗ nên tôi muốn tiếp tục hành trình tìm kiếm của mình”, đó là tâm tư của một người ròng rã hơn 10 năm đi tìm danh tính liệt sĩ tại vùng Kẻ Gỗ. Anh là cựu chiến binh Nguyễn Phi Công, nguyên Phó Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, con trai một cán bộ Ban trực chiến xã, nhân chứng sự kiện khốc liệt. Anh Công đã lần tìm nhiều nhân chứng từ Bắc vào Nam với sự chung tay góp sức của nhiều tấm lòng thơm thảo. Anh đã tạm lập được danh sách 62 liệt sĩ hy sinh vùng hồ Kẻ Gỗ, trong đó có 32 liệt sĩ hy sinh tại sân bay Libi vào ngày 7/1/1973.

Hồ Kẻ Gỗ trở thành tuyến du lịch tâm linh đặc biệt của du khách.

Và công trình Đền thờ Anh hùng liệt sĩ tại hồ Kẻ Gỗ trên địa bàn xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã khánh thành ngày 27/8/2023. Đền thờ trở thành “địa chỉ đỏ”, là điểm du lịch tâm linh đặc biệt để lắng lòng của mỗi đoàn du thuyền thưởng ngoạn thượng nguồn Kẻ Gỗ. Làn hương bay nhẹ lên trời cao, lẫn vào ngút ngàn xanh, hồ gợn sóng, tiếng chim muông vẳng lên trong ngàn mắt lá… Khẽ khàng, để làm dịu nỗi đau thương, để thầm nhắc về giá trị lớn lao của một thế hệ đã tận hiến cho đất nước nở hoa…

Phan Minh Đạo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Ana nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế huyện Krông Ana đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân, nhất là đối với tuyến y tế cơ sở.