Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về ngôi trường có hai Bộ trưởng Quốc phòng

13:49, 29/08/2021

Gần 80 năm trước, ở Huế có một trường võ bị - gọi là Trường Quân sự thanh niên tiền tuyến (TNTT) được thành lập vào đầu tháng 7-1945.

Ngôi trường tuy mang danh là của chính phủ Trần Trọng Kim nhưng điều hành và đào tạo các học viên của trường lại là những trí thức yêu nước nổi tiếng thời bấy giờ như giáo sư Tạ Quang Bửu, luật sư Phan Anh - những người sau này đều giữ những cương vị quan trọng trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu ngay sau ngày độc lập 2-9-1945.

“Xanh vỏ đỏ lòng”

Đặc biệt hơn, luật sư Phan Anh sau đó trở thành Bộ trưởng Quốc phòng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tháng 3-1946); sau đó, giáo sư Tạ Quang Bửu cũng trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ tháng 8-1947 đến tháng 8-1948.

Không chỉ có thế, nhiều học viên của ngôi trường “xanh vỏ đỏ lòng” ấy sau này là những sĩ quan, tướng lĩnh tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) như: Trung tướng Cao Văn Khánh, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN; Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm (Nguyễn Kèn), Tư lệnh bộ đội tăng - thiết giáp; Thiếu tướng Cao Pha, Phó Tư lệnh bộ đội đặc công; các thiếu tướng Mai Xuân Tần, Võ Quang Hồ, Đoàn Huyên, Phan Hàm, Đào Hữu Liêu... cùng nhiều sĩ quan cao cấp khác của quân đội.

Luật sư Phan Anh (trái) và Giáo sư Tạ Quang Bửu. Ảnh tư liệu

Những trí thức - học viên của Trường Quân sự TNTT ấy nhiều người xuất thân từ “danh gia vọng tộc”, giác ngộ và theo cách mạng bằng chính sự hiểu biết của người trí thức trước vận nước như: ông Tôn Thất Hoàng là con của Thượng thư Tôn Thất Quảng; ông Đặng Văn Việt, thân phụ làm Tổng đốc Nghệ An từng ba lần giữ chức Thượng thư; ông Võ Sum là con quan Án sát Võ Chuẩn; Lê Thiệu Huy, người sau này sang chiến đấu cùng mặt trận Lào, làm Tham mưu trưởng liên quân Lào Việt, đã lấy thân mình che đạn cho Hoàng Thân Xuphanuvông khi mặt trận Thà Khẹt bị vỡ và hy sinh trên dòng Mêkông. Lê Thiệu Huy là con trai của cụ Lê Thước, giải nguyên Hán học, một danh gia của đất Hà Tĩnh. Hoàng Xuân Bình là em ruột của giáo sư Hoàng Xuân Hãn; Nguyễn Thế Lương (tức Cao Pha) là con của một nhà thầu khoán lớn …

Trong vầng sáng hồi ức…

Ông Vĩnh Mẫn (con trai thứ ba của cụ Bửu Trác - cháu nội vua Hiệp Hòa) là người đã có công tập hợp những hồi ức của các học viên Trường Quân sự TNTT để xuất bản cuốn sách “Giải phóng quân Huế 1945” - một tập tư liệu lịch sử “người thật việc thật” vô cùng quý giá. Qua câu chuyện cùng ông Vĩnh Mẫn, chúng tôi phần nào hình dung được bối cảnh của ngôi trường TNTT thuở ấy..

Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Tháng 6-1945 chính phủ thân Nhật (do cụ Trần Trọng Kim đứng đầu) có quyết định thành lập Trường Quân sự TNTT nhằm đào tạo sĩ quan phục vụ cho chính phủ. Thế nhưng người tổ chức xây dựng trường lại là Tạ Quang Bửu và Phan Anh - những trí thức yêu nước đang giữ các cương vị quan trọng trong chính phủ của Trần Trọng Kim. Thật ra việc lập trường chỉ là một cách hợp lý để trang bị kiến thức quân sự cho những thanh niên trí thức yêu nước nhằm chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Khung huấn luyện của trường bấy giờ có 4 người do ông Phan Tử Lăng làm Giám đốc trường. Ông Lăng cũng là Chỉ huy trưởng lực lượng Bảo an Trung kỳ, cùng các ông Võ Lương, Lê Khánh Khang và Lê Đình Bân.  Sau này tham gia cách mạng, ông Phan Tử Lăng là đại tá, Cục trưởng Cục quân chính QĐNDVN, nổi tiếng liêm khiết được Bác Hồ khen ngợi.

Ông Vĩnh Mẫn (người ngồi giữa, hàng thứ hai trong những ngày đầu tham gia cách mạng). Ảnh tư liệu của gia đình ông Vĩnh Mẫn.

Hơn 15 năm trước, khi đi tìm kiếm 4 thành viên “khung” của Trường Quân sự TNTT ngày ấy, tôi may mắn gặp được ông Lê Đình Bân. Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng khi được hỏi về Trường Quân sự TNTT, ký ức của thời trai trẻ giác ngộ cách mạng, được hoà mình vào dòng người của mùa thu tháng 8-1945 ông bỗng hoạt bát hẳn.

Ông Bân kể: Ngoài các buổi nói chuyện của luật sư Phan Anh về nhiệm vụ chung chung của các học viên, giáo sư Tạ Quang Bửu đã tạo điều kiện đưa các tài liệu tuyên truyền về Việt Minh cho sinh viên đọc. Một nhóm học viên làm tổ chức Việt Minh nòng cốt trong trường  gồm 5 người: Nguyễn Kèn (tức Nguyễn Thế Lâm), Lê Khánh Khang,Võ Quang Hồ, Đặng Văn Việt, Phan Hàm được lập ra và lấy tên là Việt Minh Thuận Hoá. Sau này cả hai tổ chức Việt Minh của Huế và nhóm Việt Minh Thuận Hoá đã hợp nhất để thành Việt Minh Nguyễn Tri Phương. Những sinh viên trí thức của trường trong những ngày tổng khởi nghĩa ở Huế đã góp phần không nhỏ vào việc giành chính quyền. Họ đã hạ cờ quẻ ly để treo lên lá cờ đỏ sao vàng trên kỳ đài Huế trước cả ngày 23-8 Huế tổng khởi nghĩa; dùng mưu bắt sống cả nhóm biệt kích Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ trong âm mưu quay lại tái chiếm nước ta.

Từ ngôi trường này, những trí thức yêu nước đã trở thành nòng cốt của lực lượng Giải phóng quân của Huế lên đường Nam tiến, chiến đấu ở Sài Gòn, Nha Trang. Từ Huế họ ra đi, có người đi mãi, đúng 30 năm sau mới quay về đất Huế.

Lê Đức Dục


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.