Multimedia Đọc Báo in

Hà Nội ngàn năm lắng hồn sông núi

13:49, 29/08/2021

Từ hơn 1010 năm trước, Hoàng đế Lý Công Uẩn đã dẫn đoàn thuyền dời đô từ hành cung Hoa Lư về thành Đại La cập bến đoạn nào và rồng vàng đã bay lên từ đâu? Để có một Hà Nội ngàn năm lắng hồn sông núi, bao triều đại, bao thế hệ đồng bào đã đắp bồi bằng sức lực và trí tuệ, bằng sông máu, núi xương? 

Trên đường phố Hà Nội thời hiện đại mà tôi như nghe vang vọng giọng vua Lý Thái Tổ tuyên “Chiếu dời đô”: “Thành Đại La… ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời…”. Trên đường phố Hà Nội, tôi như đang thấy hiện lên giữa vùng linh khí, đại danh tướng Lý Thường Kiệt hùng tráng xướng lên những câu thơ “Thần” - Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Đại Việt: “Sông núi nước Nam vua Nam ở. Rành rành định phận tại sách trời…”. Cái lý lẽ thuận theo thiên địa ấy cùng với tinh thần bất khuất của con dân trăm họ đã đuổi giặc Tống ra khỏi lãnh thổ quốc gia. Nguyễn Trãi đã viết tiếp bản tuyên ngôn thứ hai mang tên “Bình Ngô đại cáo” với lời lẽ nhân văn mà hùng hồn sấm sét: “Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Núi sông bờ cõi đã chia. Phong tục Bắc Nam cũng khác…”. Và lần thứ ba, trên Quảng trường Ba Đình một ngày mùa thu năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đại diện cho tinh thần và ý chí Việt Nam, tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Những bản tuyên ngôn ấy chính là “cốt thép” dựng nên đài vinh quang cho Thăng Long - Hà Nội - Việt Nam, trong quá khứ xa xưa, trong hiện tại và muôn đời mai sau…

Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một danh thắng của Hà Nội văn hiến. Ảnh tư liệu

Lịch sử tái hiện, hồn dân tộc như sống động trong từng khoảnh khắc dẫu trang sử liệt oanh đã dấu vào trầm tích. Bà Huyện Thanh Quan vào thời của mình đã hoài cổ về thành Thăng Long: “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…”; còn Chế Lan Viên diễn tả tâm trạng của người Việt mất nước thời giặc Pháp đô hộ: “Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê. Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ…”. Tất cả đó đều là những dấu ấn xúc cảm mỗi thời về Hà Nội trong cõi ngàn năm. Còn người Hà Nội, người Việt Nam đương đại ôn lại truyền thống oai hùng của cha ông không chỉ bằng sự hoài cổ mà cả lòng tri ân thành kính.

Mỗi lần về Thủ đô, tôi lại có dịp đứng dưới mái ngói rêu phong Khuê Văn Các và lắng nghe trong mạch đất, thớ đá ngàn năm rực sáng thiêng liêng tiếng của người xưa: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy” (Văn bia của chí sĩ Thân Nhân Trung, thảo năm 1483). Tư tưởng ấy không bao giờ và không thời nào cũ. Đó là tầm nhìn lớn, là biểu tượng rực rỡ về phương kế nuôi dưỡng nhân tài của cha ông ta. Trên những văn bia khắc trên thanh thạch được xây dựng trong gần 300 năm (1484 - 1780), ngoài mục đích khuyến tài, khuyến học, lẽ sâu xa là răn kẻ sĩ muôn đời về đạo lý và trách nhiệm đối với đất nước, nhân dân, vương triều. Đó cũng là lời tiền nhân nhắn gửi gắm tới muôn sau. Dưới chân gác Khuê Văn, trong vùng thiêng liêng thẳm sâu nguyên khí, ta như lắng nghe rõ hơn và suy ngẫm sâu hơn lời dạy của tiền nhân về đạo học và đạo làm người.

Từ cổng tòa Văn Miếu, tôi lại rảo bước chân trên những dãy phố Hà Nội, được ôn lại tên phố, tên đường như là cách tưởng niệm những thế hệ cha ông đã xây đắp hào khí Thủ đô, nguyên khí Việt Nam, được làm trò nhỏ ê a học lời chánh đạo của các bậc hiền tài thuở trước. Trên đường phố, tôi cũng đã gặp rất nhiều những người dân bình thường từ mọi miền Tổ quốc chọn đất lành Hà Nội tu thân, lập nghiệp. Cũng như cổ kim muôn thuở, không mấy ai trong họ được đề tên bia đá, bảng vàng nhưng với trí lực của mình, chính mỗi người dân ấy đã góp từng viên đá nhỏ dựng nên một thế đứng vững vàng của Kinh thành thuở trước, Thủ đô hôm nay.

Tùy bút của Uông Thái Biểu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.