Multimedia Đọc Báo in

Sức mạnh những con tàu không số

15:28, 25/10/2021

15 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển (1961 - 1975), đường Hồ Chí Minh trên biển trở thành chiếc cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, chi viện trực tiếp cho những chiến trường xa nhất, khó khăn nhất là Nam bộ, Nam Trung bộ và vùng ven biển Khu 5.

Ngày 16-10-1962, chiếc tàu mang phiên hiệu “Phương Đông 1”, chở 30 tấn vũ khí cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Đây là chuyến đi đầu tiên của đoàn tàu không số khai thông tuyến vận tải chiến lược trên biển. Và bến Vàm Lũng (Cà Mau) đã đi vào lịch sử là bến đầu tiên, đón con tàu đầu tiên của tuyến đường vận tải huyền thoại.

Tháng 10-1964, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho lực lượng vũ trang miền Nam mở đợt hoạt động Đông - Xuân 1964 - 1965 nhằm tiêu diệt một bộ phận quân chủ lực của địch, mở rộng vùng giải phóng.

Để chuẩn bị cho chiến dịch, Bộ Tư lệnh Miền điện ra Bộ Tổng Tham mưu xin tàu chở vũ khí vào Bà Rịa. Sau những ngày đêm vượt biển, ngày 22-12-1964, tàu C56 đã vào bến Lộc An, kịp thời phục vụ bộ đội tác chiến, góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch Bình Giã.

Đây là chiến dịch có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Có thể thấy, suốt từ cuối năm 1962 đến đầu năm 1965, Đoàn tàu không số như những con thoi lặng lẽ, âm thầm rời, cập bến, đương đầu với biết bao khó khăn, vất vả, hiểm nguy của sóng gió biển khơi và sự rình rập của kẻ thù để tổ chức vận chuyển vũ khí, đạn dược vào Khu 5 và chiến trường Nam Bộ.

Đài tưởng niệm ở di tích tàu không số tại vịnh Vũng Rô, Phú Yên.

Công tác vận chuyển trên biển đang phát triển thuận lợi thì ngày 1-2-1965, Tàu 143 bị địch phát hiện ở Vũng Rô (Phú Yên). Sau “sự kiện Vũng Rô”, tuyến vận tải trên biển của ta bị địch phát hiện, chúng tiến hành phong tỏa gắt gao, phá hoại kho tàng, bến bãi tiếp nhận hàng ở các khu vực Cà Mau, Trà Vinh và Bến Tre.

Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Quân chủng Hải quân tìm phương thức vận chuyển mới, đảm bảo bí mật, an toàn hơn. Theo đó, Quân chủng Hải quân đã cho tàu đi vòng ra hải phận quốc tế, chấp nhận xa hơn nhưng tránh được sự kiểm soát gắt gao của địch, tiếp tục vận chuyển vũ khí tới các chiến trường.

Khi Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973), cùng với sự phát triển nhanh chóng của tuyến đường Trường Sơn thì Đoàn 125 được lệnh tạm dừng nhiệm vụ vận chuyển, chi viện trực tiếp cho các chiến trường miền Nam bằng đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đến đầu năm 1975, tuyến đường vận tải quân sự chiến lược trên biển Đông được tái khởi động với nhịp độ mau lẹ, khẩn trương để thực hiện sứ mệnh lịch sử là kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Với sức mạnh của “một ngày bằng hai mươi năm”, chỉ tính riêng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, "Đoàn 125 đã huy động 143 lần chiếc tàu ra khơi, hành trình  65.721 hải lý, chở được 8.721 tấn vũ khí, 50 xe tăng và pháo, đưa 18.741 lượt cán bộ, chiến sĩ đi chiến đấu, đánh chìm 1 tàu PCR, đánh bị thương 3 tàu khác, gọi hàng một tàu, bắt 42 tên địch"(1), góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Tàu vận tải Đoàn 123 vận chuyển hàng gián tiếp chi viện chiến trường miền Nam trong chiến dịch vận chuyển VT5, tháng 11-1968. Ảnh tư liệu

Để làm nên con đường huyền thoại trên biển Đông, công tác đào tạo cán bộ, thủy thủ đoàn được tiến hành khẩn trương và sáng tạo, độc đáo như tập lấy hướng, lái tàu bằng phương pháp hàng hải thiên văn, địa lý… Nhờ đó, những chiến sĩ tàu “không số” có thể ngụy trang thành tàu cá địa phương, có thể vượt biển trong những ngày giông bão mà không cần có hải đồ, la bàn.

Trong quá trình vận chuyển, các chiến sĩ còn biết chọn đúng thời cơ; kết hợp hoạt động bí mật và công khai; tàu có thể xuất phát từ nhiều bến, cập bến ở nhiều điểm; đi trên nhiều cung, tuyến khác nhau, có giai đoạn đi vòng ra biển xa, hải phận quốc tế; địch phong tỏa đường trong ta đi đường ngoài, địch ngăn chặn đường dài ta đi phân đoạn, địch bám đuôi, ta đi ra vùng biển quốc tế, khi địch phát hiện, áp sát tấn công hoặc cướp tàu, ta đánh trả quyết liệt, có lúc phải phá hủy tàu để giữ bí mật.

Đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường “không dấu” được hình thành từ những con tàu không số là kết quả của sự sáng tạo độc đáo, cho thấy đường lối, chủ trương của Đảng triển khai tuyến vận tải biển là một quyết định đúng đắn mang tầm chiến lược.

Cẩm Trang

--------

(1) Bộ Tư lệnh Hải quân: Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955-2015), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 201.

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.