Multimedia Đọc Báo in

Nhớ ông Chín Cần - người của một thời

15:49, 27/01/2022

Ông thuộc lớp người kháng chiến, tháng năm dài bám cứ, bám rừng. Ông là chứng nhân của một thời kỳ chiến tranh khốc liệt mà cũng thật hào hùng ở vùng đất Tây Nguyên, lại là chứng nhân một giai đoạn rất đáng nhớ của đất nước: giai đoạn bản lề đổi mới, từ tập trung, bao cấp sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường…

Đôi ba lần, tôi nhận ra ông ngồi cắt tóc ở quán ông già gốc Bắc, ngay lề đường Nguyễn Công Trứ (TP. Buôn Ma Thuột), đoạn bên hông Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh. Tiệm cắt tóc vỉa hè dưới tán cây muồng cổ thụ, một chiếc ghế xếp, một cái gương hình chữ nhật treo vào thân cây với hộp đồ nghề nhỏ gọn. Ông già cắt tóc bốn mùa đội mũ cát, đeo cặp kính trắng dày, áo bà ba màu cháo lòng hình như may bằng thứ vải đũi, quần vải ống rộng màu thẫm… Còn vị khách, mắt cận, dáng gầy, như một công chức có tuổi hay một ông già nào đấy ở cái thị xã miền cao nguyên khoáng đạt này…

Vị khách đó, lúc này tôi muốn nhắc đến là Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Cần, tên thường gọi Chín Cần.

Ông có đến hai giai đoạn đảm nhận chức Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, và một nhiệm kỳ Bí thư Thị ủy Buôn Ma Thuột. Kỳ đầu, thời chiến tranh, ở “cứ”, từ tháng 10/1971 đến tháng 5/1975. Kỳ thứ hai, từ năm 1986 đến năm 1994, trọn tháng năm đầu đất nước đổi mới, từ tập trung, bao cấp chuyển sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.

Đồng chí Huỳnh Văn Cần (ngồi giữa) tại cơ quan tiền phương của Tỉnh ủy Đắk Lắk tháng 2/1975. Ảnh tư liệu.

Thời ấy, dưới mắt người dân, Bí thư Tỉnh ủy là yếu nhân, một bước xe đưa, hai bước xe đón, lại còn người tháp tùng, bảo vệ. Nhưng ở ông Chín Cần, hình như chưa hoặc khó hình thành thói quen quan chức - yếu nhân ấy. Người dân vẫn bắt gặp ông dép đúc, mũ vải, ngày cuối tuần lững thững dạo bộ, khi nơi chợ trung tâm, khi mấy con phố nhỏ.

Nhiều năm, dịp cận Tết ta, ông dẫn đầu đoàn lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra tình hình, thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ đơn vị biên phòng, đồng bào vùng biên giới. Tôi may mắn một vài lần được theo đoàn. Ông có sức làm việc thật dẻo dai. Mỗi chuyến công tác thường kéo dài 2 đến 3 ngày. Đường sá ngày đó, suốt từ Đồn 1 biên phòng giáp với Gia Lai đến Đồn 11 giáp Bình Phước cực xấu. Đến nơi, mọi người đều ê ẩm, ngáp vắn ngáp dài nhưng ông Chín Cần không hề tỏ ra có chút mệt mỏi. Nghe báo cáo, ghi chép rồi tham vấn ý kiến các thành viên trong đoàn công tác. Thăm hỏi, động viên, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, kiểm tra hầm hào, hệ thống bố phòng, khu vực tăng gia sản xuất… Một lần từ Đồn 3 chuẩn bị vượt sông Sêrêpốk sang Đồn 4, mọi người phát hiện đàn bò rừng phải đến ba chục con phía trước. Ông lập tức lệnh cho cả đoàn dừng xe, chờ đoàn bò qua đường, mất hút trong khoảng rừng khộp phía xa mới tiếp tục hành trình. Với mọi người trong đoàn, chuyến công tác kết thúc khi hoàn thành nội dung công việc ở điểm cuối phía tuyến biên giới phía Nam thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông bây giờ. Với ông Chín Cần, chuyến công tác còn kéo dài thêm đôi ba ngày nữa. Trên xe của ông, đã chuẩn bị sẵn mấy tạ gạo cùng mắm, muối, cá khô, thuốc rê… để ông đến thăm, chúc Tết bà con người M’nông, Mạ mấy bon thuộc vùng căn cứ kháng chiến cũ…

Ông yêu thơ và quý anh em văn nghệ. Thời ông làm Bí thư Tỉnh ủy (1986 - 1994), không khí văn nghệ Đắk Lắk khá rôm rả. Trong giai đoạn đó, Hội Văn nghệ Đắk Lắk được thành lập, tiến hành Đại hội lần thứ nhất (tháng 9/1990). Mấy lần tôi gặp ông ở trụ sở Hội Văn nghệ tỉnh trên đường Điện Biên Phủ, có khi thăm hỏi, trò chuyện với anh em, có khi gửi thơ đăng trên tạp chí Chư Yang Sin.

Có lần, dịp cuối năm, Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh có cuộc sinh hoạt cộng tác viên. Ông đi bộ từ nhà riêng đến, kéo chiếc ghế ngồi cùng mấy anh em văn nghệ, vui vẻ thăm hỏi, góp chuyện. Hồi ấy tôi đang là phóng viên Báo Đắk Lắk. Thấy ông đang vui, tôi kéo ghế ngồi gần ông và nói: “Chú cho cháu… kế cận chú”(!). Mấy anh em văn nghệ hơi bị hoảng vì cái kiểu bạo miệng tếu táo của tôi. Nhưng ông hiểu, cười khà khà…

Sau Đại hội Hội Văn nghệ tỉnh, ngày mùng một Tết Tân Mùi 1991, ông cùng cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy xông đất Văn phòng Hội. Không điện thoại báo trước, ông Bí thư Tỉnh ủy đẩy cửa bước vào, đi từ tầng trệt đến tầng lầu chẳng có một ai. Lên tầng nữa, gặp nhà thơ Phạm Doanh, Phó Chủ tịch Hội cùng cậu con trai, “bố giường con võng” đón Xuân… suông. “Tức cảnh sinh tình”, vị Bí thư Tỉnh ủy “khai bút”: Đầu năm thăm Hội Nhà văn/ Cửa nhà vắng ngắt, văn nhân đâu rồi?/ Leo cầu thang gác tới nơi/ Gõ cửa. Cửa mở: đây rồi Phạm Doanh!/ Bố giường, con võng nằm khoanh/ Đón xuân cũng chỉ quây quần con, cha!/ Xuân mang vui tới mọi nhà/ Riêng anh khép cửa. Mình ta gieo vần.

Về nghiệp thơ văn, tôi có một kỷ niệm không quên.

Trên Báo Đắk Lắk số Tết đăng bài thơ “Thơ cho con” của tôi. Số báo ấy đầy đặn cả nội dung lẫn hình thức. Ra Tết, nhà báo Nguyễn Văn Nhị, Tổng Biên tập gọi tôi vào phòng uống trà, rồi nhỏ nhẹ: Bí thư Tỉnh ủy có ý phê phán bài thơ của cậu. Ông phê bình tớ, lẽ ra không nên đăng bài thơ vào số Tết. Bài thơ có cái nhìn bi quan quá… Lúc đầu tôi cãi, biện hộ cho bài thơ của mình, cho rằng Bí thư Tỉnh ủy khắt khe quá. Nhưng nghe phân tích, tôi nhận thấy mình thật sự có lỗi. Vấn đề không phải đúng hay sai, mà là câu chuyện thời điểm, nên hay không nên. Bí thư Tỉnh ủy phê bình, nhắc nhở là có lý. Bài thơ là tâm trạng của anh viên chức - trí thức nghèo về cuộc sống hiện tại giai đoạn bao cấp chuyển sang thị trường với rất nhiều khó khăn, bí bách với những câu như: “Con ơi con/ Khi con trưởng thành bố chưa chắc có nhà riêng/ Bởi công việc bố làm không dính dáng tiền nong kinh tế/ Bố không phải người có quyền có thế/ Chỉ với đồng lương làm sao cất được nhà”/… “Nhiều lúc bố buồn mình tồn tại mà chi/ Sự nghiệp thi thơ mây bay khói tỏa/ Bao nhiêu kẻ mặt mày hể hả/ Họ đâu cần chữ nghĩa với văn chương/… Bố cuốc đất trồng rau bên cạnh lề đường/ Mong rau tốt ngắt đủ ngày hai bữa/ Báo thì nói trẻ con cần thịt sữa/ Con đi trẻ rau dền về nhà gặp rau khoai”… Đúng là không nên đăng bài thơ này trong số Tết.

Giờ đây, cựu Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Cần - Chín Cần và nhà báo Nhị Hà - Nguyễn Văn Nhị, đều đã đi xa. Họ là người của một thời. 

Uông Ngọc Dậu

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.