Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (5/5/1902 - 5/5/2022)

Những năm tháng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột của đồng chí Phan Đăng Lưu

06:07, 05/05/2022

Đồng chí Phan Đăng Lưu, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, sinh ngày 5/5/1902 trong một gia đình nhà nho, có truyền thống yêu nước ở thôn Đông, xã Tràng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Sớm giác ngộ cách mạng, khi làm việc tại Sở Canh nông Nghệ An, đồng chí Phan Đăng Lưu gia nhập Hội Phục Việt - tổ chức sau đó có các tên gọi khác là Hưng Nam, Việt Nam Cách mạng Đảng, Việt Nam Cách mạng đồng chí hội, Tân Việt Cách mạng Đảng.

Nghi ngờ Phan Đăng Lưu có liên quan đến các hoạt động chính trị chống Pháp, tháng 6/1927, Khâm sứ Trung Kỳ ra quyết định thải hồi. Phan Đăng Lưu tiếp tục hoạt động cách mạng, được Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Đảng giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở tại Yên Thành, Nghệ An.

Từ năm 1928 đến 1929, đồng chí được bổ sung vào Ban Thường vụ của Tổng bộ; rồi Ủy viên phụ trách công tác tuyên huấn. Tháng 9/1929, do có kẻ phản bội, đồng chí Phan Đăng Lưu bị mật thám bắt đưa về giam tại Nhà lao Vinh và bị Tòa án Nam triều ở Nghệ An kết án ba năm tù khổ sai, đày lên Nhà đày Buôn Ma Thuột. Tại đây, đồng chí mang số tù 1438, luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà đày vô cùng tàn bạo.

Đồng chí Phan Đăng Lưu (1902 - 1941). Ảnh tư liệu

Đồng chí Phan Đăng Lưu tham gia Ban lãnh đạo Nhà đày, được anh em đồng chí yêu quý, kính nể, góp phần to lớn vào những thắng lợi đầu tiên của phong trào đấu tranh cách mạng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Trong cuốn “Những ký ức về Nhà đày Buôn Ma Thuột”, đồng chí Bùi San kể về đồng chí Phan Đăng Lưu: “Một mặt, anh bền bỉ đấu tranh chống kẻ thù, mặt khác, anh luôn luôn quan tâm đến đời sống tinh thần cũng như vật chất của anh em đồng chí. Anh thường xuyên giúp anh em nâng cao trình độ chính trị, giữ vững tinh thần đấu tranh cách mạng và chí khí chiến đấu. Trong điều kiện cực kỳ khắt khe của nhà lao, anh Lưu cố gắng tìm hiểu tình hình bên ngoài, tình hình thế giới và trong nước để phổ biến cho anh em. Anh theo dõi âm mưu của bọn thống trị ở Buôn Ma Thuột, bọn chức trách nhà lao để kịp thời đối phó. Anh chú ý nắm được tư tưởng của bọn tay sai và tìm cách phân hóa chúng, lôi kéo những người lầm lạc, cô lập những tên gian ác. Anh lập mưu xem được những tài liệu của bọn chủ ngục, nhờ đó biết được bọn phản bội trong nhà tù để ngăn chặn sự phá hoại của chúng”…

Trong tù, đồng chí Phan Đăng Lưu còn là một tấm gương sáng ngời về tinh thần vượt khó, không ngừng học tập với một niềm tin son sắc vào một ngày sẽ được trở lại hoạt động cách mạng. “Anh rất ham học. Trong hoàn cảnh gay go của nhà tù, anh nhặt từng mẩu báo cũ để xem. Thậm chí có lúc đi làm khổ sai, thấy những mảng giấy báo, những trang sách đã bẩn vứt trong bụi cây, anh cũng lượm về rửa sạch chắp lại để đọc. Những ngày ở trong nhà tù, anh Lưu đã để ý đến những đồng chí hăng hái đấu tranh. Liên hệ chặt chẽ với các đồng chí ấy, hẹn nhau khi ra khỏi nhà lao sẽ bắt mối hoạt động trở lại…” (theo “Những ký ức về Nhà đày Buôn Ma Thuột”).

Xuất thân trong gia đình ở một miền quê giàu truyền thống yêu nước, Phan Đăng Lưu sớm bộc lộ phẩm chất của một tài năng về sự nghiệp bút nghiên. Từ thời đi học, đồng chí đã sáng tác thơ ca, câu đối đả phá những cảnh chướng tai gai mắt diễn ra trong xã hội đương thời. Phát huy phẩm chất đó, giai đoạn bị giam giữ tại Nhà đày Buôn Ma Thuột: “Anh Lưu bí mật viết bài gởi đăng trên một tờ báo ở Sài Gòn. Tin những người tù nhà lao Buôn Ma Thuột tuyệt thực được đăng lên báo làm dư luận Sài Gòn, Huế và nhiều nơi khác xôn xao. Ngày thứ chín bọn thống trị Pháp phải cho bác sĩ vào khám. Nhân dịp này, đồng chí Phan Đăng Lưu đưa bản yêu sách phản đối chế độ khắc nghiệt của nhà tù, đòi không được bạc đãi, đánh đập người tù chính trị. Từ đó, tên công sứ buộc phải ra lệnh để người tù ở đây được đọc sách báo, liên lạc với gia đình nhận thư từ, cai ngục không được quyền đánh đập người tù…” (theo “Những ký ức về Nhà đày Buôn Ma Thuột”).

Cũng tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, từ đầu những năm 30 của thế kỷ XX, đồng chí Phan Đăng Lưu là một trong những người tiên phong cho ra đời tờ báo Yuan - Êđê (Việt - Êđê). Tờ báo góp phần to lớn vào việc khắc phục những trở ngại do bất đồng ngôn ngữ giữa tù nhân với binh lính và cai đội người Thượng, qua đó dần dần giác ngộ binh lính và cai đội, giúp họ thấy được bộ mặt độc ác, thủ đoạn thâm độc của bọn thực dân, phong kiến. Những trận đòn roi tra tấn vì thế cũng ngày một giảm đi, một số người đã trở thành cơ sở bí mật cho các phong trào đấu tranh của tù chính trị trong nhà đày, các cuộc đấu tranh của tù nhân bước đầu đã thu được những kết quả nhất định, đời sống của họ phần nào đã được cải thiện.

Giữa năm 1936, đồng chí Phan Đăng Lưu được trả tự do và bị đưa về quê nhà quản thúc. Nhưng chỉ một thời gian ngắn đồng chí đã vào Huế tìm bắt liên lạc với tổ chức. Nhắc đến Phan Đăng Lưu là nhắc đến người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, một nhà lãnh đạo cách mạng có tầm nhìn xa trông rộng, đầy mưu lược, khôn khéo, dũng cảm, kiên cường; một nhà báo, nhà lý luận tiên phong xuất sắc, tiêu biểu của Đảng và cách mạng nước ta. Những cống hiến to lớn và tấm gương cộng sản sáng ngời của đồng chí Phan Đăng Lưu được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các thế hệ mai sau đời đời trân trọng, ghi nhớ, biết ơn sâu sắc.

Ghi dấu những năm tháng đấu tranh đầy oanh liệt nhiều thế hệ các chiến sĩ cách mạng, tiêu biểu như: Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Võ Chí Công, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu…, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột đã trở thành biểu tượng hết sức tự hào của tỉnh Đắk Lắk và cả nước, một địa danh lịch sử, nơi khắc đậm dấu ấn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước và cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. 

Minh Khoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.