Những năm tháng không quên
Về thăm lại chiến trường xưa Đắk Tô - Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) - nơi từng là “rốn bom, túi đạn” trong những năm kháng chiến gian khổ, trường kỳ, nơi cách đây đúng 50 năm, đồng đội đã kề vai sát cánh, kiên cường chiến đấu, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Tư lệnh Quân đoàn 3, Cục trưởng Cục Quân lực, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 không giấu được niềm vui, xúc động. Đã bước sang tuổi 92 nhưng ký ức về một thời lửa đạn vẫn còn nguyên vẹn trong tâm khảm của vị tướng dạn dày trận mạc.
Trò chuyện với các đại biểu về dự Hội thảo khoa học "Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm" do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Kon Tum vừa tổ chức, Trung tướng Khuất Duy Tiến bồi hồi nhớ lại: Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) về đứng chân ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, làm nhiệm vụ củng cố, huấn luyện và chờ nhiệm vụ mới. Ngày 19/11/1971, đơn vị nhận lệnh hành quân vào chiến trường Tây Nguyên. Sau gần 2 tháng hành quân, Trung đoàn 64 đã đến địa điểm "Tây Ninh I" (Trạm 1 giao liên Tây Nguyên).
Các đại biểu tham quan Khu di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh. |
Cuối tháng 2/1972, địch phát hiện được Sư đoàn 320 đứng ở phía đông điểm cao Chư Mo Ray và mở con đường 70B qua dãy núi phía tây sông Pô Kô để tiến sang Võ Định. Chúng càng tin mục tiêu tiến công chiến lược năm 1972 của ta là Kon Tum, là Tây Nguyên. Địch đánh phá, ngăn chặn, có ngày hàng chục lần chiếc B52 ném bom rải thảm, hàng chục lần chiếc máy bay phản lực bổ nhào đánh phá.
Từ Đắk Tô, Tân Cảnh, Diên Bình, Võ Định, các trận địa pháo binh địch điên cuồng bắn phá, song không thể ngăn cản con đường của Sư đoàn 320 vươn tới. Bộ Chỉ huy quân đội Sài Gòn không còn tin vào khả năng chống giữ của Quân đoàn 2, liền vội vã điều lực lượng dự bị chiến lược ra tăng cường. Chúng đã hình thành hệ thống phòng ngự theo một tuyến dài, dọc trục đường 14. Đắk Tô - Tân Cảnh và thị xã Kon Tum là hai trung tâm phòng ngự mạnh. Toàn bộ tuyến phòng thủ từ thị xã Pleiku đến Tân Cảnh đều bỏ ngỏ ở hướng đông. Riêng đoạn phòng ngự từ bắc thị xã Pleiku đến nam thị xã Kon Tum không được bảo vệ cả phía đông lẫn phía tây. Trung đoàn 64 được lệnh cùng các đơn vị phối thuộc vào chiếm lĩnh khu vực điểm cao 1.015 với nhiệm vụ đánh quân ứng cứu từ phía bắc xuống, hỗ trợ cho Trung đoàn 52 đánh chiếm điểm cao 1.049 và sẵn sàng đánh quân đổ bộ đường không xuống điểm cao này, thực hiện bước 1 chiến dịch.
Từ ngày 12 – 15/4/1972, Trung đoàn 64 và lực lượng tăng cường đã tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 11, Lữ đoàn 3 dù, diệt 260 tên, bắt 166 tên, bắn rơi 20 máy bay, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng của chúng. Đây là lần thứ hai Trung đoàn 64 đọ sức với Lữ đoàn 3 dù của địch. Lần trước, trên chiến trường Đường 9 - Nam Lào, Trung đoàn 64 đã tiêu diệt 2 tiểu đoàn của lữ đoàn dù này. Lần này, trên chiến trường Tây Nguyên, Trung đoàn 64 đã hoàn thành bước 1 của chiến dịch, tiêu diệt gọn một tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 3 dù.
Khi ta tiến công tiêu diệt các cụm cứ điểm phòng ngự Đắk Tô - Tân Cảnh, quân ngụy hoang mang bỏ hàng loạt các căn cứ Ngọc Bờ Biêng, Ngọc Rinh Rua, điểm cao 966, 1.029... về lập tuyến phòng thủ mới từ Võ Định sang Kleng. Sư đoàn 320 được lệnh vượt sông Pô Kô, bố trí Trung đoàn 48 và Trung đoàn 64 đánh địch ở khu vực căn cứ Lam Sơn - Võ Định, đồng thời đón đánh tàn quân chạy từ Đắk Tô - Tân Cảnh về Kon Tum.
Trung tướng Khuất Duy Tiến (Thứ 4 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự Hội thảo khoa học "Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm". |
Ngày 28 và 29/4, Trung đoàn 48 và 64 tiến công Liên đoàn 6 biệt động quân, giải phóng hoàn toàn khu vực Võ Định - Trí Đạo đến căn cứ Lam Sơn. Trong cuộc chiến đấu ở thị xã Kon Tum, Trung đoàn 64 phối hợp cùng Trung đoàn 28 tiến công khu vực phòng ngự của địch ở tây bắc thị xã từ quận lỵ Kon Tum đến ngã ba Trung Tín. Trước sức tiến công của ta, địch co về Phú Đôn và đông cầu Rô Rê lập tuyến phòng thủ mới.
Trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, thắng lợi của trận Đắk Tô - Tân Cảnh đã làm tan rã phần lớn lực lượng kìm kẹp của địch trong vùng, giải phóng đất đai và hơn 25 nghìn dân. Đây là lần đầu tiên, lực lượng vũ trang Tây Nguyên tiến công địch bằng hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, có tốc độ nhanh, hiệu suất chiến đấu cao, đánh bại một sư đoàn, đập tan cụm phòng ngự then chốt và vững chắc nhất trong hệ thống phòng thủ của ngụy quân Sài Gòn ở Bắc Tây Nguyên, đồng thời mở ra khả năng đánh tiêu diệt lớn, tiến tới giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên.
Trưởng thành từ lửa đạn chiến tranh, sau ngày giải phóng, Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến tiếp tục giữ nhiều trọng trách quan trọng trong quân đội, ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hiện nay, tuy tuổi đã cao nhưng mỗi khi có dịp ông và các đồng đội lại về thăm lại chiến trường xưa, thắp hương tưởng nhớ, tri ân những người đã khuất vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Hà Lê
Ý kiến bạn đọc