Võ Chí Công - nhà lãnh đạo của sự nghiệp đổi mới đất nước
Cố Chủ tịch nước Võ Chí Công (7/8/1912 - 8/9/2011), tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước tại xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).
Sớm thừa hưởng truyền thống yêu nước của quê hương và gia đình, đồng chí tích cực hoạt động trong các phong trào ở địa phương và được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi tuổi đời còn rất trẻ (5/1935); giữ vai trò chủ chốt trong các phong trào cách mạng ở Khu V và trở thành nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong thời kỳ đầu thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước.
Ngày 13/4/1992, Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công ký Lệnh công bố Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 1992. Ảnh tư liệu |
Vị chỉ huy thao lược trên chiến trường Khu V
Sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Chí Công trong hai cuộc kháng chiến gắn liền với chiến trường Khu V, một chiến trường cực kỳ gian khổ và ác liệt. Từ năm 1940, đồng chí giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Cuối năm 1943, đồng chí bị mật thám Pháp bắt giam tại Nhà đày Buôn Ma Thuột với mức án 25 năm tù. Khi Nhật đảo chính Pháp, đồng chí được trả tự do trở về quê nhà và tham gia Ủy ban khởi nghĩa, lãnh đạo nhân dân giành chính quyền ở Quảng Nam - Đà Nẵng.
Sau Cách mạng tháng Tám, đồng chí cùng Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời trực tiếp chỉ đạo xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang ở Quảng Nam.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Võ Chí Công là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Liên khu V, lãnh đạo nhân dân Liên khu V kiên cường chiến đấu, tăng gia sản xuất, chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Liên khu V bao gồm cả Nam Trung bộ và Tây Nguyên là chiến trường khốc liệt nhất. Trên cương vị Bí thư Khu ủy khu V kiêm Chính ủy Quân khu V, đồng chí Võ Chí Công đã bám trụ kiên cường, tổ chức chỉ đạo quân và dân Khu V chiến đấu không lùi bước.
Tháng 3/1975, Bộ Chính trị chủ trương tập trung lực lượng mở Chiến dịch Tây Nguyên, tạo bàn đạp quyết tâm giải phóng miền Nam sớm nhất. Đồng chí Võ Chí Công đã tích cực chỉ đạo chuẩn bị về mọi mặt cho chiến dịch, đánh trận mở màn vào Buôn Ma Thuột, giải phóng toàn bộ vùng chiến lược Tây Nguyên, làm cho quân địch choáng váng, tháo chạy về Đà Nẵng sớm hơn kế hoạch đã định. Thắng lợi Tây Nguyên và Đà Nẵng góp phần tạo thế và lực to lớn cho toàn quân, toàn dân ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhà lãnh đạo của sự nghiệp đổi mới
Sau ngày thống nhất đất nước, đồng chí Võ Chí Công được điều ra Trung ương, được Đảng cử giữ nhiều trọng trách: Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước)… Dù ở cương vị nào, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới đất nước.
Với cương vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản, nhận rõ ưu thế đất nước có bờ biển dài, nhiều tiềm năng phát triển ngành thủy sản, đồng chí đề xuất với Chính phủ nhiều giải pháp thiết thực, giải quyết khó khăn cho ngành hải sản, thực hiện cơ chế tự quản để phát triển sản xuất…
Được giao phụ trách ngành nông nghiệp, trăn trở tìm cách tháo gỡ sự nghèo đói của hàng triệu nông dân, đồng chí đã đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhận trách nhiệm chỉ đạo Dự thảo Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm trong hợp tác xã nông nghiệp đến nhóm và người lao động. Chỉ thị 100 của Ban Bí thư ra đời là bước đột phá quan trọng trong nông nghiệp, phù hợp với lòng dân và được nhân dân phấn khởi đón nhận.
Trên cơ sở tổng kết Chỉ thị 100, Trung ương đã ra Nghị quyết 10 (năm 1988) về đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, tạo động lực mới trong sản xuất, làm tăng năng suất và sản phẩm lao động, đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực đến đủ ăn và từng bước có dư để xuất khẩu.
Là Trưởng Ban nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đồng chí Võ Chí Công đã tích cực lăn lộn cơ sở, mở nhiều hội thảo, tập hợp ý kiến của các chuyên gia... trình Bộ Chính trị ra Nghị quyết 306 về phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của đơn vị kinh tế (bao gồm nông nghiệp, công nghiệp và phân phối lưu thông), góp phần quan trọng để Đảng ta đề ra đường lối đổi mới đất nước một cách đúng đắn, kịp thời.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào đổi mới hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là công tác lập hiến và lập pháp. Với chức trách là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980, đồng chí Võ Chí Công đã cùng Ủy ban tập hợp ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân; tập trung được nhiều chuyên gia; nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng Hiến pháp của một số nước, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam; kiên trì đấu tranh với những quan điểm sai trái trong việc sửa đổi Hiến pháp, giữ vững những điều cơ bản về dân chủ, pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Sự ra đời Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, được Trung ương Đảng, Quốc hội thông qua, đánh dấu mốc lịch sử về công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng hệ thống pháp luật, quản lý mọi mặt hoạt động của Nhà nước.
Minh Đăng
Ý kiến bạn đọc