Multimedia Đọc Báo in

Thêm góc nhìn sâu sắc về Hoàng Sa, Trường Sa

08:25, 09/10/2022

Gần 100 tư liệu lịch sử quý là những minh chứng hùng hồn, khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vừa được Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Krông Bông, huyện Ea H’leo trưng bày, triển lãm lưu động với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

Với ý nghĩa đặc biệt, Triển lãm thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, giáo viên và học sinh trên địa bàn hai huyện đến tham quan. Được nhìn tận mắt những tư liệu chân thực, quý giá, mọi người có một góc nhìn sâu sắc, đầy đủ hơn về chủ quyền biển đảo.

Giáo viên, học sinh đến tham quan triển lãm tại huyện Krông Bông.

Có mặt từ khá sớm để tham quan triển lãm, rất nhiều học sinh Trường THPT Krông Bông chăm chú quan sát, đọc kỹ lưỡng ghi chú, hình ảnh thực tế trên các bản đồ, tư liệu lần đầu tiên được đưa về huyện triển lãm. “Lâu nay, đoàn viên thanh niên chúng em vẫn được tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hôm nay qua những hình ảnh, tư liệu, bản đồ lịch sử tại triển lãm, chúng em càng vững tin hơn nữa bởi Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý, bằng chứng không thể phủ nhận được ghi lại không chỉ ở trong nước mà còn từ bạn bè quốc tế”, em Nguyễn Thị Kim Anh (lớp 12A4, Trường THPT Krông Bông) bày tỏ. Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Y Thức Êban thì khẳng định: “Những tư liệu vô giá tại triển lãm là những bằng chứng sinh động, đanh thép, khẳng định chủ quyền của chúng ta đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và đó là cơ sở pháp lý vững chắc để chúng ta đấu tranh khẳng định chủ quyền trong cuộc chiến pháp lý lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ”.

Hoàng Sa, Trường Sa luôn là một phần máu thịt, gắn liền với đất nước Việt Nam, điều đó hiển hiện sống động, khách quan qua những tấm bản đồ xuất bản tại phương Tây (thế kỷ 16 - 19) khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo trên. Trên tấm bản đồ Insulae Indiae Orientalis do Jodocus Hondius năm 1632 vẽ khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương, quần đảo Hoàng Sa được vẽ nối liền với các đảo ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam, kéo dài đến tận đảo Phú Quý. Tên của quần đảo Hoàng Sa được ghi là Doa Tavequero, nhưng vùng bờ biển miền Trung đối diện với Hoàng Sa vẫn được đặt tên là Costa de Pracel. Trong khi đó, một phần bản đồ Insullae Moluccae do nhà địa lý học người Bỉ Petrut Plancius (còn có tên gọi là Pieter Platevoet) vẽ năm 1592 thì quần đảo Pracel (quần đảo Hoàng Sa) được mô tả như “lưỡi dao” dài, trải dọc ngoài biển Đông. Còn vùng bờ biển đối diện Pracel (vùng duyên hải miền Trung Việt Nam ngày nay) thì được ghi chú là Costa de Pracel (Bờ biển Hoàng Sa).

Tấm bản đồ của anh em nhà Van Langren (Hà Lan) vẽ năm 1595 củng cố thêm cơ sở pháp lý, chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Tấm bản đồ vẽ khá chi tiết, trình bày đẹp, phong phú, hình vẽ Hoàng Sa rõ ràng và điển hình, ghi rõ I.de.Pracel. Quần đảo Hoàng Sa cùng với dải bãi ngầm và bãi cát Hoàng Sa được phân biệt rõ ràng với các đảo Pulo.S.polo (Cù lao Chàm), Pulo Catam (Cù lao Ré), Pulo Cambir (Cù lao Xanh)… ở ven bờ. Đặc biệt trong đất liền về phía Việt Nam, khoảng khu vực bờ biển tỉnh Quảng Ngãi ngày nay, bản đồ có đánh dấu Costa de Pracel (Bờ biển Hoàng Sa) ở vùng Quảng Ngãi, là cơ sở xác nhận chủ quyền tự nhiên và lâu đời của Vương quốc Chămpa và Chúa Nguyễn đối với Hoàng Sa trước và trong thời điểm vẽ bản đồ.

Đông đảo cán bộ, nhân dân huyện Krông Bông tham quan triển lãm.

Bên cạnh đó, triển lãm trưng bày các thư tịch, bản đồ cổ Việt Nam, bản trích và Châu bản Triều Nguyễn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Cùng với đó, chính những tấm bản đồ của Trung Quốc thể hiện không có quần đảo Hoàng Sa, như tấm bản đồ Quảng Đông tỉnh trong sách Địa dư đồ khảo do nhà Thanh xuất bản tại Trung Quốc dưới triều Quang Tự (1875 - 1908), trên bản cương giới cực nam của Trung Quốc chỉ giới hạn ở đảo Hải Nam. Đây đều là những bằng chứng thuyết phục, xác nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Những người tham quan triển lãm còn có dịp tìm hiểu thêm về cuộc sống, sinh hoạt của chiến sĩ hải quân và nhân dân trên đảo Trường Sa đang ngày đêm chắc tay súng, vượt muôn vàn khó khăn, gian khổ, bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thêm trân quý, cảm phục sự hy sinh thầm lặng mà vô cùng to lớn đó. Có thể nói, qua triển lãm, mỗi người đến đây hun đúc thêm lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nhận thức sâu sắc thêm ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thảo Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.