Multimedia Đọc Báo in

Bác Hồ thu phục nhân sĩ, trí thức cho sự nghiệp “kháng chiến và kiến quốc”

08:23, 26/12/2022

1. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc. Song chính quyền cách mạng non trẻ phải đương đầu với muôn vàn nguy cơ, thách thức.

Trước bối cảnh nền độc lập bị đe dọa, nguy cơ chiến tranh nổ ra ngày càng lớn, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tận dụng mọi khả năng có thể để cứu vãn hòa bình và ngăn chặn cuộc chiến tranh. Một trong những chính sách quan trọng nhất của Chính phủ và Đảng ta lúc này là tranh thủ sự ủng hộ của đội ngũ nhân sĩ, trí thức trong – ngoài nước cùng chung chí hướng thực hiện nhiệm vụ “kháng chiến và kiến quốc”.

Chỉ trong vòng một năm sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần viết thư tìm nhân tài cho sự nghiệp cách mạng. Có thể xem Thông lệnh “Tìm người tài đức" đăng trên Báo Cứu quốc ngày 20/11/1946 của Bác là Chiếu cầu hiền của cách mạng. Người nói: "Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết thì phải có nhân tài. Chính sách của Chính phủ trước sau vẫn là đại đoàn kết. Đối với các vị quan lại cũ, cũng như đối với tất cả các giới đồng bào, những người có tài, có đức thì Chính phủ đều hoan nghênh ra gánh vác việc nước".

Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều nhân sĩ trí thức Việt Nam, có người nổi tiếng trong chế độ cũ, kể cả người đã thành danh ở nước ngoài đã tự nguyện về nước, đi theo cách mạng phục vụ kháng chiến – kiến quốc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc và nhân dân.

2. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi thành lập Chính phủ Lâm thời (9/1945), Chính phủ Liên hiệp Lâm thời (1/1946), Chính phủ Liên hiệp kháng chiến (2/3/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đều mời những trí thức có tên tuổi trong chế độ cũ tham gia xây dựng chế độ mới và mạnh dạn giao cho họ những trọng trách lớn trong bộ máy Chính phủ. Đối với nhân sĩ, quan lại triều đình Huế trước đây, Người mời họ đứng vào hàng ngũ những người lãnh đạo Chính phủ như: Mời cựu Hoàng Bảo đại làm Cố vấn Chính phủ (1945), trao Quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi sang thăm Pháp (5/1946)...  Cùng với đó, nhiều tên tuổi lớn được Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng, giao phó nhiều trọng trách trong Chính phủ như: Học giả Nguyễn Văn Tố làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục; Kỹ sư Công chánh Trần Đăng Khoa, giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông; Luật gia Vũ Đình Hòe được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp; bác sĩ Hoàng Tích Trí được cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế…

Kỹ sư Phạm Quang Lễ - sau này Bác Hồ đặt tên Trần Đại Nghĩa (người đeo kính, đứng hàng sau cùng) cùng các trí thức Việt kiều Pháp theo Bác Hồ trở về Tổ quốc trên chiến hạm Dumont d’Urville (1946). Ảnh tư liệu

Sau kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mời Luật sư Phan Anh giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế; Giáo sư Hoàng Minh Giám giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Giáo sư, nhà toán học Tạ Quang Bửu giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng… Đó là niềm tin lớn lao của Bác dành cho những nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng, nhưng có lòng yêu nước.

Đặc biệt, trong chuyến đi Pháp vào năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành công thu hút được đông đảo kiều bào Pháp nói chung và trí thức Việt kiều nói riêng quyết định trở về nước phục vụ kháng chiến như: Kỹ sư Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh và bác sĩ Trần Hữu Tước…

Tiếp nối lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều trí thức khác lần lượt về nước tham gia kháng chiến như Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo, Lê Văn Thiêm, Lương Định Của, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ… Những người trí thức ấy được chính quyền cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng, góp phần tạo nên thế và lực cùng với khối đại đoàn kết toàn dân đưa đất nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến, bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Nguyễn Đình Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.