Di tích Sở Chỉ huy cơ bản Chiến dịch Tây Nguyên
Sở Chỉ huy cơ bản Chiến dịch Tây Nguyên góp phần quan trọng trong chỉ huy, chỉ đạo, điều hành toàn diện các lực lượng, các hoạt động tác chiến và đấu tranh trên các hướng tiến công trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975. Dấu tích Sở Chỉ huy hiện vẫn còn ở thôn Phú Sơn, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.
Ngược dòng thời gian
Tháng 10/1974, nhận định tình hình trong nước và quốc tế có những chuyển biến có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm về kế hoạch hai năm 1975 - 1976: “Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ở cả hai miền đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao, làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta”; nhất trí thông qua phương án chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công có ý nghĩa chiến lược trong năm 1975.
Đoàn khảo sát, xác định vị trí, dấu tích tích hầm, hào Sở chỉ huy cơ bản Chiến dịch Tây Nguyên. |
Ngày 5/2/1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh tuyên bố thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Theo đó, đồng chí Hoàng Minh Thảo, Phó Tư lệnh Quân khu 5 được chỉ định làm Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên; đồng chí Đặng Vũ Hiệp, Chính ủy Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đảm nhiệm Chính ủy Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên; đồng chí Vũ Lăng, Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên được phân công làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên. Ở các hướng chiến dịch, Tỉnh ủy và Tỉnh đội Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum thành lập các ban chỉ đạo tác chiến phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh chiến dịch lãnh đạo phong trào nổi dậy của quần chúng nhân dân. Tổ chức các sở chỉ huy chiến dịch: Sở Chỉ huy cơ bản tây Sêrêpốk; Sở Chỉ huy hỗ trợ ở bắc thị xã Buôn Ma Thuột; Sở Chỉ huy hậu phương ở suối Đắk Đam. Từ ngày 17 đến ngày 19/2/1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch họp mở rộng, xác định phương án tác chiến chính thức của chiến dịch là: tập trung lực lượng chủ yếu vào khu vực Buôn Ma Thuột, Đức Lập, Thuần Mẫn, tiêu diệt địch, giải phóng địa bàn. Mục tiêu then chốt quyết định của chiến dịch là Buôn Ma Thuột.
Đêm 25/2/1975, tại Sở Chỉ huy của đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh trong một khu rừng bên bờ sông Đắk Đam, Bộ Tư lệnh chiến dịch họp thông qua phương án tác chiến và quyết tâm chiến dịch trước đại diện của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh. Sở chỉ huy trực tiếp Chiến dịch cũng được Bộ Tổng Tư lệnh quyết định chuyển tới khu vực tây sông Sêrêpốk, cách thị xã Buôn Ma Thuột khoảng 15 km về phía tây nam để trực tiếp chỉ huy sát với tình hình tác chiến tại chiến trường. Từ cuối tháng 2 đầu tháng 3/1975, các chiến sĩ thuộc phân đội trinh sát Mặt trận, Trung đoàn 7 Công binh 559 được lệnh trinh sát nắm tình hình và gấp rút đào hầm, công sự, kiến thiết doanh trại cho cơ quan Sở Chỉ huy Chiến dịch tại khu vực tây sông Sêrêpốk. Tại đây, đại diện Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và Sở Chỉ huy chiến dịch đã theo dõi, chỉ đạo từng bước đi của các đơn vị, hướng tiến công trong chiến dịch Tây Nguyên.
Ngày 10/3/1975, thị xã Buôn Ma Thuột được giải phóng. Ngày 25/3/1975, toàn bộ Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng, sứ mệnh lịch sử của Mặt trận Tây Nguyên đã hoàn thành, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên (Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên) và các cơ quan của Sở Chỉ huy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khối chủ lực Mặt trận Tây Nguyên phát triển thành Quân đoàn 3 - quân đoàn chủ lực cơ động thứ tư của Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục nhận lệnh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước xác định vị trí Sở Chỉ huy trên bản đồ. |
Dấu tích Sở Chỉ huy cơ bản Chiến dịch Tây Nguyên
Theo lời kể của các nhân chứng lịch sử thì Sở Chỉ huy cơ bản Chiến dịch Tây Nguyên trước đây đóng tại khu vực điểm cao mấp mô, rừng non, gần bờ sông Sêrêpốk, cách thị xã Buôn Ma Thuột khoảng 20 km về hướng tây nam, cách thủy điện Đray H’Ling khoảng 2,5 km về hướng tây tây bắc.
Vì đây là một cơ quan tạm thời, được xây dựng gấp rút nên các hầm tại đây chủ yếu được làm bằng những vật liệu có sẵn, gồm có hầm chỉ huy (hầm của Bộ Tư lệnh chiến dịch), hầm của cơ quan thông tin, đội phẫu, hệ thống hào bảo vệ và đài quan sát của lực lượng cảnh vệ, trinh sát. Còn phần lớn cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị, phòng, ban của cơ quan chiến dịch đều cơ động, mắc tăng võng dưới tán rừng non trong khu vực lân cận hầm chỉ huy, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ do Bộ Tư lệnh chiến dịch giao phó.
Hầm chỉ huy nằm ở sườn phía tây điểm cao, gồm bốn hầm: Hầm họp Sở Chỉ huy, hầm làm việc, hầm ở của Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh cùng Trung tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh chiến dịch, Đại tá Đặng Vũ Hiệp, Chính ủy chiến dịch, Thượng tá Nguyễn Quốc Thước, Tham mưu trưởng chiến dịch và chỉ huy chiến dịch. Các hầm được làm kiểu nhà bán âm, sâu xuống lòng đất khoảng 1,5 m, xung quanh đắp bờ đất chắn cao 1,0 m. Hầm được che ngụy trang bằng bạt và lá cây, cỏ phù hợp với địa hình xung quanh. Hầm họp Sở Chỉ huy có kích thước 5 x 7 m, bên trong hầm có bàn ghế bằng gỗ, tre ghép lại, kích thước bàn lớn đủ để trải bản đồ (khoảng 1,5 x 4 m) và có điện thoại cho chỉ huy tác chiến; hầm làm việc và ở của đại diện Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và Trung tướng Hoàng Minh Thảo có kích thước 4 x 6 m, bên trong hầm có giường, bàn ghế bằng gỗ, tre ghép lại. Xung quanh hầm họp, hầm làm việc có hệ thống giao thông hào kết nối giữa các hầm từ mép suối vào cửa hầm, khoảng cách giữa các hầm từ 20 - 30 m và hầm của cơ quan thông tin Sở Chỉ huy, hầm của đội phẫu phục vụ cho chiến dịch.
Hiện nay, Di tích lịch sử Sở Chỉ huy cơ bản Chiến dịch Tây Nguyên tại thôn Phú Sơn, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông đã được UBND tỉnh Đắk Nông công nhận là Di tích cấp tỉnh vào tháng 10/2022, là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Đoàn Nhân
Ý kiến bạn đọc