Multimedia Đọc Báo in

Thái giám triều Nguyễn - Những phận đời đặc biệt

07:04, 27/11/2022

Cũng giống như các triều đại phong kiến trước đây trong lịch sử của dân tộc, triều đại nhà Nguyễn (chỉ tính từ khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua vào năm 1802 đến lúc Bảo Đại thoái vị năm 1945) vẫn duy trì chế độ sử dụng thái giám làm việc trong cung cấm.

Tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết: Người làm Thái giám trong cung gọi là hoạn quan. Hoạn có nghĩa là “làm tôi tớ” (song từ “hoạn” thường được người đời hiểu là “thiến”). Trong tử cấm thành, chỉ có một người đàn ông là đương kim hoàng đế, còn lại toàn là các phi, tần, nữ quan, thị nữ. Từ việc sai vặt, hầu hạ vua và các bà hoàng thái hậu, các bà phi cho đến những việc nặng nhọc khác của đời sống trong cung đều giao cho các thái giám. Công việc đặc biệt nhất và nặng nề nhất của các thái giám là sắp đặt cho quá trình ân ái của nhà vua.

Thái giám là những người thân cận nhất của vua và biết rất rõ về đời tư của vua. Vì vậy, để tránh sự lộng quyền của các thái giám trong cung cấm, nhà Nguyễn đã sử dụng hệ thống thái giám trong cung vào những việc sai vặt chứ nhất định không cho can dự vào những việc chính sự. Bởi lẽ trước đó, nhà Nguyễn đã rút ra được một bài học về sự lạm quyền của cận thần thái giám Lê Văn Duyệt thời Nguyễn sơ. Theo tác giả A.Laborde trong B.A.V.H, 1918 thì vào ngày mồng 1 tháng 12 năm Minh Mạng thứ 17 (tức ngày 17/3/1836), vua Minh Mạng đã ra một chỉ dụ và chỉ dụ này đã chấm dứt những sự lạm dụng thái quá của các thái giám dưới triều Minh Mạng. Chỉ dụ của Minh Mạng là nhằm hạn chế các ưu đãi đối với thái giám vốn dĩ trước đó họ được hưởng. Bên cạnh đó chỉ dụ còn hạ bệ các thái giám xuống địa vị của những kẻ hầu hạ.

Một nhóm thái giám triều Nguyễn năm 1918. Ảnh tư liệu của nhà nghiên cứu Phan Thuận An

Vì nội dung của tờ dụ vua Minh Mạng bắt buộc là các thái giám không được đưa vào ngạch quan trường, nên đã tạo ra cho họ một hệ thống giai cấp đặc biệt để sắp xếp các ngạch, bậc và quy định lương bổng bằng lúa và quan tiền. Theo đó, hạng nhất là Thủ đẳng thì cấp bậc là Quảng vụ và Điển sự Thái giám, số bát gạo hằng tháng được hưởng là 48, số quan tiền hằng tháng được hưởng là 72. Hạng nhì là Thứ đẳng, cấp bậc là Kiểm sự và Phụng nghi Thái giám, số gạo hằng tháng được hưởng là 36, số quan tiền hằng tháng được hưởng là 60. Hạng ba là Trung đẳng, cấp bậc là Thừa vụ và Điển thắng Thái giám, số gạo được hưởng là 36, số quan tiền là 48. Hạng tư là Á đẳng, cấp bậc là Cung vụ và Hộ thảng Thái giám, số gạo được hưởng là 24, số quan tiền là 36. Hạng năm là Hạ đẳng, cấp bậc là Cung phụng và Thừa biện Thái giám, số gạo được hưởng là 24, số quan tiền được hưởng là 24.

Đến thời của vua Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) có một vài thay đổi về lương tính bằng quan tiền được tăng lên; đến thời vua Thành Thái năm thứ 2 (1890) lương của thái giám hằng tháng nhận bằng lúa và quan tiền bị bỏ hẳn và thay bằng đồng bạc. Đến thời vua Duy Tân năm thứ 6 (1912) thì lương bổng của thái giám được quy định lại như sau: Quảng vụ: 540 đồng/năm; Điển sự: 384 đồng/năm; Kiểm sự và Phụng nghi: 324 đồng/năm; Thừa vụ: 276 đồng/năm; Điển thảng: 264 đồng/năm; Cung vụ và Hộ thảng: 204 đồng/năm; Cung phụng và Thừa biện: 180 đồng/năm.

Trong đời sống và đặc biệt là sau khi vua Minh Mạng cho ra tờ dụ vào năm 1836, bản thân các thái giám không được hưởng bất cứ một vinh dự nào giống như các quan chức khác ở trong cung. Tuy nhiên, các thái giám lại được mang về cho cha mẹ họ được hưởng một vài vinh dự dành cho thường dân. Theo quy định thì các thái giám nằm trong 3 hạng trên là Thủ đẳng, Thứ đẳng và Trung đẳng có thể đứng ra xin cho cha họ chức Nhiêu phụ, là chức được vĩnh viễn miễn thuế cũng như xin phong chức Miễn nhiêu (khỏi thuế cả đời) cho anh em hay cho cháu. Các thái giám hạng tư (Á đẳng) hay hạng năm (Hạ đẳng) thì không được xin gì cho cha mà chỉ có thể xin một chức Miễn nhiêu cho anh em hay cháu mà thôi…  

Phan Bùi Bảo Thi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.