Từ đội quân năm ấy…
Sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài đi tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941 Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Sau một thời gian chuẩn bị, Người chủ trì Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Pắc Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941.
Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh thay cho Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, thay tên các hội Phản đế thành hội Cứu quốc và giúp đỡ việc lập mặt trận ở các nước Lào và Campuchia. Ngày 19/5/1941, Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) được thành lập, đây là cơ sở hạt nhân để hình thành các tổ chức chính trị quân sự sau này.
Sau khi Việt Minh ra đời, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chú trọng đến việc xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. Cao Bằng là nơi thí điểm cuộc vận động xây dựng các hội Cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh. Đến năm 1942, có ba châu hoàn toàn theo Việt Minh; trên đà phát triển, Ủy ban Việt Minh lâm thời liên tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn được thành lập, ngoài ra chủ trương của Việt Minh còn vận động binh lính người Việt trong quân đội Pháp và những ngoại kiều ở Đông Dương đấu tranh chống phát xít.
Việc xây dựng lực lượng vũ trang cũng được Đảng hết sức chú trọng, đặc biệt là sau khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn thất bại (27/9/1940), một bộ phận lực lượng vũ trang khởi nghĩa chuyển sang xây dựng đội du kích, hoạt động ở căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai, chỉ một thời gian ngắn đội du kích này đã xây dựng thành Trung đội Cứu quốc quân I (14/2/1941). Cứu quốc quân phát động chiến tranh du kích trong 8 tháng (từ tháng 7/1941 đến tháng 2/1942); để đối phó với vây quét của địch, buộc phải phân tán thành nhiều bộ phận, chấn chỉnh lực lượng, gây dựng cơ sở chính trị trong các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn. Ngày 15/9/1941 Trung đội Cứu quốc quân II ra đời, chủ trương xây dựng Bắc Sơn – Võ Nhai và Cao Bằng thành hai căn cứ địa đầu tiên của cách mạng nước ta. Tại đây, ngày 25/2/1944, Trung đội Cứu quốc quân III ra đời.
Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được tổ chức tại rừng Sam Cao nằm ở khu vực nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ảnh tư liệu |
Để thực hiện cho việc “Xung phong Nam tiến” xuống các tỉnh miền xuôi, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập, gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng thuộc khu kháng chiến, là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.
Dù chỉ 34 người, nhưng họ là những chiến sĩ trung kiên, dũng cảm. Chấp hành chỉ thị của Đảng và làm gương trong trận mở màn “phải đánh thắng trận đầu”, ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đánh úp vào đồn Phai Khắt (làng Phai Khắt, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) do đồn trưởng người Pháp Simono chỉ huy cùng với 20 binh lính. Trong trận này, chỉ trong vòng 20 phút các chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã tiêu diệt đồn trưởng, bắt 17 lính và một viên cai. Ngày hôm sau (26/12/1944), đội tấn công vào đồn Nà Ngần cách đồn Phai Khắt chừng 25 km. Ngày 15/5/1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sáp nhập vào lực lượng Cứu quốc quân và đổi tên là Giải phóng quân, trở thành lực lượng quân sự chủ lực của Mặt trận Việt Minh khi tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời 2/9/1945, lực lượng quân sự Giải phóng quân đổi tên thành Vệ Quốc đoàn (11/1945); để phù hợp với điều kiện lịch sử, tháng 5/1946 đổi thành Quân đội Quốc gia Việt Nam; từ năm 1950 mang tên Quân đội nhân dân Việt Nam.
Võ Hữu Lộc
Ý kiến bạn đọc