Multimedia Đọc Báo in

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát – người cộng sản kiên trung, mẫu mực

09:54, 15/02/2023

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát (1913 – 1989) không chỉ là một trí thức yêu nước, kiến trúc sư tài năng mà còn là người cộng sản kiên trung, mẫu mực, suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Cuộc đời hoạt động không mệt mỏi và những cống hiến to lớn cho đất nước và dân tộc của đồng chí là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ noi theo.

Đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/2/1913 tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) trong một gia đình địa chủ phá sản. Với tư chất thông minh, ông lần lượt tốt nghiệp bậc tiểu học, bậc trung học tại Trường dòng Laxan Tabe Mỹ Tho, Trường Trung học Mỹ Tho, Trường Trung học Pétrus Ký (Sài Gòn). Năm 1938, ông tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát sớm nổi tiếng ở Sài Gòn, nhưng ông không quan tâm đến việc làm giàu mà tự nguyện gắn cuộc đời mình với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ông tích cực tham gia phong trào “Truyền bá quốc ngữ”, phong trào “Cứu trợ nạn đói Bắc Kỳ”; là một trong những người tổ chức, cổ vũ, lãnh đạo phong trào “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” của thanh niên, học sinh, sinh viên miền Nam, phong trào “Thanh niên tiền phong”, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân vào cuộc đấu tranh yêu nước do Đảng lãnh đạo.

Tháng 3/1945, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó tích cực hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền phong (do Xứ ủy Nam Kỳ lãnh đạo) chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Sài Gòn và Nam Bộ.

Ngày 23/9/1945, khi quân đội Pháp trở lại xâm chiếm Sài Gòn, ông bị địch bắt. Nhưng nhờ là một kiến trúc sư tên tuổi nên Huỳnh Tấn Phát được trả tự do sau ba ngày giam giữ ở bốt Catinat. Tháng 10/1945, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Thanh niên Nam Bộ ra Hà Nội dự Đại hội Thanh niên toàn quốc. Trở về Nam Bộ, đồng chí được giới thiệu ra ứng cử ở đơn vị bầu cử tỉnh Mỹ Tho và đắc cử Đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát và vợ trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu

Đầu năm 1946, đồng chí Huỳnh Tấn Phát bị địch bắt và bị địch kết án hai năm tù. Trong Khám Lớn Sài Gòn, đồng chí đóng vai trò quan trọng trong thành lập “Liên đoàn tù nhân Khám Lớn Sài Gòn” và được bầu làm Trưởng ban đại diện. Tháng 11/1947, sau khi ra tù, đồng chí liên lạc ngay với tổ chức, được phân công phụ trách công tác trí vận, báo chí ở Sài Gòn, đồng thời là Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Nam Bộ.

Đầu năm 1949, đồng chí thoát ly vào chiến khu Đồng Tháp hoạt động; được cử làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ kiêm Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Việt Nam.

Năm 1950, Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn thành lập, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ Đặc khu, Trưởng Ban Tuyên huấn Đặc khu, trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do.

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được phân công hoạt động ở Sài Gòn. Cuối năm 1956, ông được bổ sung vào Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách Ban Trí vận và Chính quyền vận.

Năm 1959, đồng chí ra hoạt động ở vùng Tam giác sắt (Củ Chi - Trảng Bàng - Bến Cát, địa bàn đứng chân của Khu ủy miền Đông, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định) và được phân công làm Khu ủy viên chính thức Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Năm 1960, đồng chí tham gia thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, giữ trọng trách Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương lâm thời Mặt trận.

Năm 1961, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định. Năm 1962, được Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam bầu làm một trong năm Phó Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận.

Tháng 6/1969, Đại hội đại biểu Quốc dân toàn miền Nam Việt Nam bầu đồng chí Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong giai đoạn đàm phán tại Hội nghị Paris, đồng chí Huỳnh Tấn Phát với vai trò là người đứng đầu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tập trung đẩy mạnh ngoại giao nhà nước, kết hợp chặt chẽ với ngoại giao nhân dân, phối hợp với ngoại giao Việt Nam dân chủ cộng hòa, đấu tranh tại các diễn đàn đòi thực hiện ngừng bắn, đòi Mỹ chấm dứt dính líu quân sự; đấu tranh đòi trao trả hết nhân viên dân sự bị bắt và bị giam giữ, thực hiện tự do, dân chủ cho nhân dân miền Nam… Song song với các hoạt động nêu trên, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đã thực hiện mũi tiến công ngoại giao trên bình diện rộng bằng việc tổ chức các chuyến đi thăm hữu nghị nhiều nước, thông báo tình hình Hội nghị Paris. Qua các chuyến thăm và tại nhiều diễn đàn, chính phủ các nước đều ra tuyên bố ủng hộ các đề nghị của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; nhiều hiệp định viện trợ không hoàn lại cho miền Nam cũng được ký kết với chính phủ các nước. Sự động viên về tinh thần và ủng hộ về vật chất to lớn đó chính là động lực để quân dân Việt Nam dồn sức thực hiện đấu tranh quân sự, chính trị, đưa cách mạng miền Nam nhanh chóng đi đến thắng lợi với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

Nhà lãnh đạo mẫu mực, trách nhiệm

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi vẻ vang, để góp phần ổn định tư tưởng nhân dân, đồng chí Huỳnh Tấn Phát dành nhiều thời gian đi thăm hỏi, nắm bắt tình hình, tâm tư, tình cảm của các tầng lớp nhân dân và trình bày rõ lập trường, quan điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong tình hình mới của đất nước. Đồng chí đã tham gia giải quyết những công việc trọng đại của đất nước và trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, cả về đối nội và đối ngoại bằng những chính sách, kế hoạch hợp lý. Với cương vị là Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã góp phần tích cực vào công tác hiệp thương, tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam Bắc.

Năm 1976, Quốc hội khóa VI bầu đồng chí Huỳnh Tấn Phát làm Phó Thủ tướng Chính phủ và năm 1977 đồng chí được phân công làm Trưởng Ban chỉ đạo Quy hoạch đô thị.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trò chuyện với Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Lài tại lễ tuyên dương năm 1969. Ảnh tư liệu

Năm 1979, đồng chí được phân công kiêm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước và được chỉ định làm Đại diện thường trực nước ta tại Hội đồng tương trợ kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa (SEV).

Năm 1981, đồng chí được Quốc hội khóa VII bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 6/1982, được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Năm 1983, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Đại hội lần thứ II Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời được bầu là Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, VI, VII, VIII.

Trên cương vị công tác nào, đồng chí Huỳnh Tấn Phát cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng, nhân dân giao phó và có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác đối nội, đối ngoại của Hội đồng Nhà nước cũng như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng Thủ đô Hà Nội và nền kiến trúc Việt Nam với nhiều công trình, tác phẩm xuất sắc như: Bản quy hoạch Thủ đô Hà Nội năm 1981, Bảo tàng các Vua Hùng, Nhà hát Hòa Bình TP. Hồ Chí Minh…

Ngày 30/9/1989, đồng chí Huỳnh Tấn Phát từ trần, thọ 76 tuổi.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết.

Hồng Hà

(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.