Multimedia Đọc Báo in

Bác Hồ trọng dụng hiền tài

08:36, 11/06/2023

Một danh nhân đã nói đại ý: Người tài không phải là người có thể làm tất cả, người tài chính là người biết sử dụng những người tài hơn mình. Bác Hồ không chỉ là một thiên tài, mà còn là người có khả năng kỳ diệu trong việc thu phục, trọng dụng trí thức, nhân tài để phục vụ Tổ quốc bằng tấm lòng, nhân cách của một vĩ nhân.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 26/8/1945, Bác đã mở phiên họp Thường vụ Trung ương và ra một quyết sách lịch sử, trong đó có đoạn: “Thành lập ngay một Chính phủ lâm thời gồm những bậc danh tiếng tiêu biểu đủ các giới đồng bào trong cả nước”. Trên Báo Cứu quốc số 91 ngày 14/1/1945 với tựa đề “Nhân tài và kiến quốc”, Người viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển”.

Ngày 22/11/1946, trên Báo Cứu quốc số 411, Bác đã cho đăng Thông lệnh Tìm người tài đức: "Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết".

Tại phiên họp Hội đồng Chính phủ, ngày 14/11/1945, Bác đề nghị cử một ban cố vấn cho Chủ tịch Chính phủ gồm 10 người, trong 6 người do Bác nhắm trước, trong đó có cả cựu quan đại thần Bùi Bằng Đoàn, linh mục Công giáo Lê Hữu Từ… Khi Ủy ban Dân tộc giải phóng tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời do Bác đứng đầu, ngoài những thành viên của Việt Minh còn có những bộ trưởng không phải là đảng viên Đảng Cộng sản như Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà, Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính Đào Trọng Kim, Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội Nguyễn Văn Tố, Bộ trưởng Bộ Thanh niên Dương Đức Hiền…

Sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa I ngày 6/1/1946, Chính phủ khóa I được thành lập, những đảng viên tự rút lui để nhường nhiều ghế bộ trưởng lại cho các thành viên các chính đảng khác với các nhân sĩ, trí thức nổi tiếng vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Việt Minh chỉ nắm 4 ghế là Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đặng Thai Mai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến, Chủ tịch Kháng chiến Ủy viên hội Võ Nguyên Giáp. Tất cả các chức vụ khác đều dành do các nhân sĩ, trí thức hoặc của các chính đảng khác. Quốc hội cũng thành lập Cố vấn đoàn do cựu hoàng Bảo Đại làm Cố vấn tối cao. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác đã thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết, trong đó phần đông là các nhân sĩ, trí thức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ Huỳnh Thúc Kháng (hàng đầu, bên phải) tham gia Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1946. Ảnh tư liệu

Trong và sau lần Bác đi Pháp dự Hội nghị Phôngtennơbơlô năm 1946, rất nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài, hoặc trí thức trong nước từng du học ở nước ngoài theo lời kêu gọi của Bác đã tình nguyện về nước tham gia kháng chiến kiến quốc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trong số đó, có thể kể đến những trí thức hàng đầu rất nổi tiếng đã từ bỏ chốn phồn hoa, phú quý đi theo tiếng gọi của Người như Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Phạm Ngọc Thạch, Hồ Đắc Di, Lương Định Của, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám… Những trí thức này sau này đã trở thành bộ trưởng hay các nhà khoa học hàng đầu của đất nước.

Những ngày cuối năm 1945, Bác Hồ còn cho người tìm gặp và mời cụ Bùi Bằng Đoàn - quan đại thần “triều ẩn lập thân hành thiện” (lời Bác Hồ) ra giúp nước (năm 1946, cụ Bùi là thường trực Quốc hội). Đầu năm 1946, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đứng trước cảnh thù trong giặc ngoài, thế nước ngàn cân treo sợi tóc, Bác Hồ đã cho người vào Quảng Nam mời nhà chí sĩ nổi tiếng Huỳnh Thúc Kháng ra giúp nước (cụ Huỳnh từng là Quyền Chủ tịch nước). Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ đã viết thư mời cụ Phan Kế Toại từng là Khâm sai đại thần Bắc bộ phủ lên Việt Bắc tham gia Chính phủ kháng chiến (cụ Phan sau năm 1954 là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ).

Lịch sử sẽ nhớ mãi những tháng năm cực kỳ khó khăn trong Cách mạng Tháng Tám đã có rất nhiều bậc chí sĩ, trí thức tài cao đức trọng, kể cả giáo sĩ, quan lại, khâm sai đại thần cho đến những ông vua đã thoái vị (Bảo Đại) đã được Bác Hồ cảm hóa, thuyết phục và vận động tham gia chính quyền cách mạng. Điều đáng nói, những trí thức nói trên sau đó đã sớm trở thành những nhà lãnh đạo, cán bộ cách mạng cao cấp, nhà khoa học hàng đầu của đất nước, trong đó có nhiều người đã từng là Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Quốc hội, bộ trưởng...

Vì sao trong hoàn cảnh khó khăn hiểm nghèo của đất nước, rất nhiều trí thức lớn đã đứng về phía nhân dân, chấp nhận một cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ? Nếu không phải Chủ tịch Hồ Chí Minh, liệu rằng sẽ có một phong trào trí thức dấn thân kỳ diệu như vậy hay không? Chắc chắn là không. Vậy sự hấp dẫn và sức hút kỳ diệu từ Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân tài là gì? Đó là đức độ, tài năng, tấm lòng tất cả vì nước vì dân và hết mực trọng thị nhân tài.

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.