Multimedia Đọc Báo in

Khơi nguồn sức mạnh toàn dân tộc

10:34, 26/06/2023

1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới phong trào thi đua yêu nước, và chính Người là một tấm gương thi đua mẫu mực nhất.

Trong thời điểm đất nước vừa giành được độc lập, Nhà nước non trẻ gặp muôn vàn khó khăn, thách thức, phải đương đầu với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm… Để huy động sức người, sức của trong nhân dân, thực hiện nhiệm vụ cách mạng dân tộc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng việc tổ chức các phong trào thi đua trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Ngày 11/6/1948, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức phát động “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Lời kêu gọi thi đua của Người là động lực cuốn hút, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước hăng hái thi đua lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống giặc đói; thi đua học tập, xóa nạn mù chữ, chống giặc dốt và dũng cảm, ngoan cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm.

Trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Người chỉ rõ: để “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” và “Muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau. Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai, già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc thi đua yêu nước… Thi đua là yêu nước và yêu nước thì phải thi đua…”. Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả các tầng lớp nhân dân, dù ở địa vị nào, làm công việc gì, đều phải tham gia vào cuộc thi đua yêu nước. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người như một lời “hịch” phát động phong trào quần chúng rộng lớn, nhằm đưa “kháng chiến và kiến quốc thành công”, đồng thời thể hiện quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức, lãnh đạo một phong trào cách mạng mang ý nghĩa quan trọng.

Theo Người, thi đua ái quốc phải tiến hành một cách toàn diện; bởi nhiệm vụ cách mạng ở bất cứ thời kỳ lịch sử nào cũng được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực để hoàn thành mục tiêu chung: Dân tộc độc lập, nhân dân tự do, ấm no và hạnh phúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước tháng 12/1966. Ảnh tư liệu

2. Trên tinh thần đó, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Người kêu gọi “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên các mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa”. Điều này xuất phát từ tính chất của cuộc kháng chiến “toàn dân và toàn diện”.

Trong suốt chiều dài lịch sử, các phong trào thi đua luôn giữ vai trò rất quan trọng, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Sau năm 1954, các phong trào thi đua đã hướng vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa xây dựng và tạo cơ sở vật chất chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Tiêu biểu là các phong trào thi đua “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”… ở miền Nam; phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, phất cao ngọn cờ “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp, “Trống Bắc Lý” trong giáo dục, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”... ở miền Bắc, đã góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng hậu phương miền Bắc làm chỗ dựa vững chắc cho miền Nam kháng chiến chống Mỹ, là nhân tố làm nên chiến thắng lịch sử vào ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau năm 1975, đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, các phong trào thi đua không ngừng được phát động. Tiêu biểu là các phong trào “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”, “Tất cả vì hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đã góp phần nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, vượt qua mọi thách thức, khó khăn của đất nước sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá, nhất là khó khăn về kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, xã hội.

Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, các cấp, các ngành đang triển khai nhiều phong trào thi đua lớn như: “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”, “Xóa đói, giảm nghèo”, "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Thanh niên lập nghiệp", “Nữ công nhân viên chức giỏi việc nước – đảm việc nhà”, "Ðền ơn đáp nghĩa", "Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu", "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”… với sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Và còn rất nhiều phong trào thi đua khác đang được triển khai sâu rộng, từng bước ghi dấu ấn trong đời sống xã hội, đặc biệt phong trào “Học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trở thành mục tiêu tối thượng. Các phong trào, các cuộc vận động diễn ra rất đa dạng, phong phú, sôi nổi ở tất cả các cấp, các ngành, tạo thành phong trào xã hội rộng lớn, khơi dậy tinh thần và động lực cho sự nghiệp cách mạng.

Có thể khẳng định, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với thực tiễn phong trào thi đua yêu nước hiện nay có tác dụng như những lời hiệu triệu, khơi nguồn sức mạnh toàn dân tộc, là động lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, xây dựng cuộc sống mới tự do, ấm no, hạnh phúc; là ánh sáng tiếp tục soi đường cho dân tộc Việt Nam trên hành trình xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường và thịnh vượng.

Nguyễn Đình Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.