Multimedia Đọc Báo in

Địa thế xây dựng kinh đô Triều Nguyễn

10:13, 01/09/2023

Kinh thành Huế được vua Gia Long (1802 - 1819) cho khởi công xây dựng từ năm 1805, đây là kinh thành của vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam tồn tại từ 1802 - 1945.

Kinh thành Huế được biết đến là nơi hội đủ những yếu tố địa lý, phong thủy, an ninh, an toàn cho một vương triều tồn tại lâu dài.

Theo yếu tố địa lý, phong thủy thì sông Hương (tượng trưng cho yếu tố Minh Đường) chảy ngang phía trước kinh thành sẽ mang may mắn cho nhà vua, bởi nước có ý nghĩa về sức khỏe, thịnh vượng và quyền lực.

Núi Ngự Bình (tượng trưng yếu tố Tiền Chu Tước) cao hơn 100 m đỉnh núi bằng phẳng, dáng đẹp, cân phân, đóng vai trò như bức bình phong ngăn chặn sự nhòm ngó yếu tố thần linh từ bên ngoài, các luồng khí ma quỷ.

Tả Thanh Long (cồn Hến) ngoằn ngoèo như rồng xanh cuộn mình và Hữu Bạch Hổ (cồn Dã Viên) như thể hổ trắng ngồi canh. Hổ và rồng là hai linh vật uy linh; hổ tượng trưng cho sức mạnh có khả năng trấn giữ để bảo vệ kinh thành, rồng là linh vật huyền thoại tượng trưng cho thiên mệnh tối thượng của vua chúa.

Kinh thành Huế nhìn từ trên cao.

Đại Nam nhất thống chí, tập 1, trang 18 ghi rõ: “Thế Tổ Cao Hoàng Đế (tên là Ánh, niên hiệu Gia Long 1802 - 1819) nổi dậy, thừa mệnh trời đánh dẹp.

Mùa thu năm Mậu Tuất (1778), thu phục đến Gia Định, mùa hè năm Tân Dậu (1801) lấy lại đô thành cũ, mùa hè năm Nhâm Tuất (1802) bắt được giống giặc ở phía Bắc, thống nhất đất nước, cương vực rộng lớn, phía Nam đến Xiêm La, Chân Lạp, phía Bắc đến Vân Nam, Lưỡng Quảng, phía Đông đến biển, phía Tây đến Lão Qua, Ai Lao, lại theo vết cũ, mở rộng mãi ra, đóng đô ở Phú Xuân, mới gọi là kinh sư.

Kinh sư đóng nơi chính giữa, đường triều cống đều nhau, không khác gì nóc nhà ở cao mà mà bốn mặt chầu vào, sao Bắc thần đứng ngôi mà các sao chầu vào, nước nhà ta được vững bền như núi Thái, gây nền từ đây, thật là tốt đẹp”.

Kinh thành Huế (Phú Xuân) một kiểu kiến trúc rất mạnh về phòng thủ quân sự được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và cơ bản hoàn thành năm 1832 dưới thời vua Minh Mạng. Với quan điểm của vua Gia Long và Minh Mạng, Phú Xuân từng là kinh đô của các chúa tiền triều; về chính trị thì dân chúng ở miền Bắc vẫn đang còn thương tiếc triều Lê và không ủng hộ nhà Nguyễn.

Vì vậy vua Gia Long quyết định xây kinh thành Phú Xuân, về mặt phong thổ, địa lý sơn thủy thì kinh thành xây dựng ở đây mới bảo đảm an toàn về phòng thủ quân sự: Phía trước là sông Hương, phía sau là sông An Hòa, bên hữu đào thêm sông Kẻ Vạn nối từ sông Hương với sông Bạch Yến và sông An Hòa, bên tả đào sông Đông Ba từ cầu Gia Hội đến Bao Vinh.

Như thế hoàng thành nằm giữa 4 con sông, phòng thế chắc chắn, việc giặc tấn công vào nội thành không phải là điều dễ. Kinh thành Huế hay còn gọi là Đại Nội gồm Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành. Kinh thành là vòng ngoài cùng như vòng tay ôm các làng Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, An Vân, An Hòa, An Mỹ, An Bảo, Thế Lại cùng một phần của hai con sông là sông Bạch Yến và sông Kim Long.

Trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, công trình xây dựng kinh thành Huế đồ sộ, quy mô nhất với hàng vạn lượt người tham gia, hàng triệu mét khối đất đá, với một khối lượng công việc khổng lồ đào hào, đắp đất, vận chuyển đá, đào sông, đắp thành… kéo dài gần 30 năm dưới hai đời vua Gia Long và Minh Mạng. Đại Nam nhất thống chí đã ghi chép nhận xét về vai trò của kinh thành Huế: “Kinh sư là nơi miền núi, miền biển đều họp về, đứng giữa miền Nam miền Bắc, đất đai cao ráo, non sông phẳng lặng. Đường thủy thì có cửa Thuận An, cửa Tư Hiền sâu hiểm; đường bộ thì có Hoành Sơn, ải Hải Vân chặn ngăn; sông lớn giăng phía trước, núi cao giữ phía sau, rồng cuốn hổ ngồi, hình thế vững chãi, ấy là do trời đất xếp đặt, thật là thượng đồ của nhà vua”.

Võ Hữu Lộc


Ý kiến bạn đọc