Multimedia Đọc Báo in

Ký ức về chiến trường Campuchia

08:25, 07/01/2024

Mùa hè 1978, Pol Pot ngang nhiên đem quân đánh phá, thảm sát nhiều dân thường vô tội ở một số tỉnh biên giới Tây Nam từ An Giang đến Đắk Lắk. Chủ trương của ta là phải đánh bật chúng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và đẩy lùi quân Khmer đỏ về sâu trên đất Campuchia…

Khi ấy, ông Bùi Hồng Xuất (quê ở Yên Thành, tỉnh Nghệ An; hiện ở thôn 12, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) mới 18 tuổi, tạm gác những ước mơ còn dang dở, nhập ngũ vào Trung đoàn 165, Sư 312. Tháng 5/1978, ông được biên chế về Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 3, Sư 330, tiếp tục huấn luyện ở Ba Chúc (Tri Tôn - An Giang) chuẩn bị cho các trận chiến chống lại Pol Pot – Ieng Sary bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, giúp nhân dân nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Trong gần 10 năm trên đất bạn, với ông Xuất có biết bao kỷ niệm đáng nhớ, trong đó ông nhớ nhất là lần tham gia chiến dịch giải phóng thủ đô Phnom Pênh. 4 giờ sáng ngày 7/1/1979, mỗi tiểu đội của đơn vị ông Xuất được bố trí đi trên một chiếc xe bọc thép M113, theo hướng từ núi Ongchao đến đánh phá đường băng sân bay Kâmpông Chhnăng. Vì không thể cất cánh được nên quân Pol Pot bỏ chạy để lại 33 chiếc máy bay chiến đấu. Trên đà tiến công, đến 5 giờ sáng cùng ngày, đơn vị ông cũng đã có mặt tại thủ đô Phnom Pênh cùng với các đơn vị bạn hỗ trợ Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia giải phóng thủ đô và truy quét tàn quân Khmer đỏ…

Tháng 5/1982, lúc này Tiểu đoàn 7 của ông Xuất trực thuộc Quân đoàn 4, nhóm của ông gồm có 5 người trực một chốt ở thị xã Phú Sát, cách nơi Tiểu đoàn đóng quân 10 km, bộ binh Khmer đỏ được trang bị 12 chiếc xe bọc thép đồng loạt bao vây tấn công chốt, ông đã dùng B40 bắn trả để tìm đường thoát hiểm. Khi đám khói từ xe bọc thép của địch bốc lên, cả 5 người đã vượt bộ trên 3 km đường rừng về đến đơn vị an toàn.

Tháng 7/1986, tham gia truy quét tàn quân Pol Pot ở Battanbang, đơn vị ông đã tiêu diệt 10 tên, thu 3 súng AK và 1 máy truyền tin PRC 25… Thu được 1 khẩu pháo 120 ly, do không thể vận chuyển, khi ấy chiến sĩ Nguyễn Văn Tây, quê ở Tiền Giang, đã tháo rời nòng súng nặng hàng trăm kilogam vác lên vai mang bộ về đơn vị, trước sự thán phục của đồng đội…

Ông Bùi Hồng Xuất nhớ lại những kỷ niệm trên đất bạn Campuchia.

Trong những tháng năm làm nhiệm vụ trên đất bạn, những địa danh như: Phnom Pênh, Kâmpông Cham, Kâmpông Chhnăng cho đến Battanbang, nơi nào cũng có dấu chân ông và đồng đội đi qua. Đến đâu những người lính tình nguyện Việt Nam cũng giữ vững 9 điều quy định, làm tốt công tác dân vận như: giúp dân làm ruộng, dạy trẻ học, vận động người dân không nghe những lời xuyên tạc của quân Khmer đỏ. Những năm đầu kinh tế còn khó khăn, người lính tình nguyện Việt Nam còn nhường khẩu phần ăn cho nhân dân nước bạn qua cơn đói khát. Vào những ngày nghỉ lễ, Tết nhân dân Campuchia thường đến các chốt đóng quân của bộ đội ta tặng những món quà là nông sản do bà con đánh bắt hoặc chăn nuôi… Bộ đội ta chỉ nhận những món quà đơn sơ, tình cảm như vậy mà không bao giờ nhận những món quà gì có giá trị lớn nên đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng nhân dân Campuchia về hình ảnh người bộ đội Cụ Hồ “đi dân nhớ, ở dân thương”…

Tháng 10/1987, ông Xuất ra quân với cấp bậc Trung úy, chức vụ Đại đội phó, là thương binh hạng ¾, tỷ lệ thương tật 45%. Do cuộc sống khó khăn nơi quê nhà Nghệ An, năm 1998 ông quyết định đưa gia đình vào lập nghiệp ở thôn 12, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông).

Nơi quê hương mới, ông Xuất vẫn luôn phát huy bản chất người lính Cụ Hồ chịu thương chịu khó, vượt lên mọi khó khăn, ông cùng gia đình đã tích cực khai hoang, vỡ hóa, trồng cỏ, thực hiện hiệu quả mô hình kinh tế VAC. Đến nay, gia đình ông đã có 6 ha đất canh tác, trong đó có 1,6 ha cà phê kinh doanh, 2 ao cá, 6 con bò lai… Chỉ tính riêng trồng trọt, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông có nguồn thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định. Cựu chiến binh Bùi Hồng Xuất còn gương mẫu tham gia các phong trào ở địa phương, được người dân trong thôn yêu mến, nể phục.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.