Multimedia Đọc Báo in

“Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng...”

10:23, 27/05/2024

Những vầng pháo hoa rực trời đêm trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tắt, những người lính tham gia diễu binh diễu hành đã vẫy chào tạm biệt Tây Bắc qua cửa kính ô tô trở về đơn vị, nhưng âm vang Điện Biên, vầng sáng Điện Biên hẳn sẽ còn ngân mãi trong lòng những người dân Tây Bắc, những người dân nước Việt.    

Cội nguồn của chiến thắng

Ngoài lý do năm nay tổ chức đại lễ kỷ niệm vì là năm chẵn (70 năm), còn có một lý do rất nhân văn, rất thiêng liêng mà mỗi chúng ta đều tự biết: Đấy là những người lính tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vào năm 1954 trẻ nhất cũng vào lứa tuổi 20; và sau 70 năm họ đã ở tuổi 90.

“Nhân sinh thất thập cổ lai hi”, người xưa bảo thọ 70 tuổi đã là “xưa nay hiếm”, huống nữa những cựu binh anh hùng ngày ấy nay đã 90 và thêm thập niên sau nữa sẽ còn được người cựu binh nào ở tuổi 100 vẫn về được Điện Biên dự lễ?

Những người lính làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ thật sự đã làm nên một huyền thoại, cùng với độ lùi của thời gian, chiến thắng đó càng rạng rỡ hơn! Có một câu ca dao tương truyền xuất hiện từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ: “Nực cười châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng”. Ai là xe, ai là châu chấu trong câu ca dao trên hẳn khỏi cần giải thích, nhưng điều ta băn khoăn là từ đâu chúng ta đủ sức mạnh để chiến thắng?

Trích đoạn bức tranh panorama về Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên.

Trong rất nhiều thông tin về đại lễ kỷ niệm này, chúng tôi xúc động trước câu chuyện về ni trưởng Thích Đàm Thảo, trụ trì tại tổ đình Sùng Phúc (xã Thanh Xuân, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Năm 1952, ở tuổi 38, đang tu tập tại chùa nhưng nghe lời kêu gọi của kháng chiến, ni sư cũng như nhiều nhà sư khác đã cởi áo cà sa, khoác áo lính tham gia chiến dịch với vai trò phục vụ y tế. Ni sư Thích Đàm Thảo làm nhiệm vụ y tế, chăm sóc thương bệnh binh tại đồi A1. Sau chiến thắng (năm 1954), ni sư trở về tiếp tục tu hành tại tổ đình Hương Tích ở tuổi 40. Và 70 năm trôi qua, ni trưởng nay đã ở tuổi 110, vẫn còn minh mẫn.

Chúng tôi nhớ đến hình ảnh vị ni sư cựu binh ở tuổi 110 bởi hôm 17/4/2024, trong cuộc gặp mặt tri ân những người tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, từ hàng chục vạn người tham gia chiến dịch năm 1954, sau 70 năm đến nay chỉ có 139 cụ đến dự được. Những người lính, những thanh niên xung phong, những dân công hỏa tuyến ngày ấy nay đều ở lứa tuổi 90. Rồi mai đây khi đến dịp kỷ niệm 80, 90, 100 năm Điện Biên sẽ còn bao nhiêu chứng nhân về với chiến trường xưa? Chắc chắn cùng với thời gian, những người lính ấy sẽ lần lượt ra đi, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ được làm nên từ máu xương của họ sẽ vĩnh viễn bất tử cùng năm tháng.

Đội quân làm nên chiến thắng ấy chính là những người dân, mà chỉ một năm trước khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, họ còn là những người dân của một nước nô lệ. Và trong niềm hân hoan làm công dân của một quốc gia độc lập sau ngày 2/9/1945, hơn ai hết, người dân biết phải làm gì để bảo vệ nền độc lập ấy, và cứ thế, dài theo chín năm kháng chiến, họ đã phất cao lá cờ trên nóc hầm của tướng De Casterie trong chiều 7/5/1954. Thoát thân phận nô lệ, người nông dân mặc áo lính ra trận, chiến đấu mà không hề sợ hãi kẻ thù súng to tàu lớn, vũ khí hiện đại gấp mình cả trăm lần. Ngoan cường chiến đấu và chiến thắng!

Đền thờ các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Điểm tựa của hùng khí nước non

Hàng trăm cuộc hội thảo về Điện Biên Phủ suốt 70 năm qua đã nói rất nhiều về những giá trị bất tử của chiến thắng lịch sử này. Nhưng có lẽ giá trị lớn nhất chính là những người đã trực tiếp làm nên chiến thắng này để biến điều đó hành một điểm tựa sức mạnh trao truyền lại cho các thế hệ tiếp nối.

Những người lính về lại Điện Biên hôm nay ở tuổi 90 với mái tóc bạc phơ ấy, gợi nhớ một câu thơ của vua Trần Nhân Tông trong bài thơ Xuân nhật yết Chiêu Lăng: “Bạch đầu quân sĩ tại/ vãng vãng thuyết Nguyên Phong”  (dịch: Người lính già đầu bạc/ kể mãi chuyện Nguyên Phong). Chuyện Nguyên Phong là chuyện đánh tan giặc Mông Cổ. Vó ngựa của đội quân chinh phạt bao nhiêu quốc gia từ Âu sang Á cuối cùng đã thất bại trước quốc gia Đại Việt.

Chợt nhớ sử gia Ngô Thì  Sĩ (1726 - 1780) trong  tác phẩm “Việt Sử Tiêu Án”, viết về lịch sử nước nhà từ thời thượng cổ Hồng Bàng đến giai đoạn Lê Lợi chiến thắng quân Minh. Trong phần viết về chiến thắng lẫy lừng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938 đánh tan quân xâm lược nhà Hán, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc Việt, Ngô Thì Sĩ đã bình rằng: “Trận thắng trên sông Bạch Đằng là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này còn nhờ vào uy danh lẫm liệt ấy để lại. Trận Bạch Đằng vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lẫy lừng ở một thời bấy giờ mà thôi đâu”.

Các cựu chiến binh về thăm di tích đồi A1.

Cũng như chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền chấm dứt ngàn năm Bắc thuộc, hơn 1.000 năm sau, Chiến thắng Điện Biên Phủ của năm 1954 cũng là “uy danh lẫm liệt để lại”, là  “vũ công cao cả vang dội ngàn thu” bởi đã mở ra thời kỳ mới cho lịch sử dân tộc. Ngẫm lại, lịch sử vệ quốc của người Việt luôn được trao truyền tiếp lửa từ những chiến thắng của từng thế kỷ, từng thời đại như thế!

Và vinh quang của Chiến thắng Điện Biên Phủ 70 năm trước khiến “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cũng từ dòng máu luân lưu truyền nối ngàn đời ấy. Chính vì thế, kẻ thù thiện chiến bậc nhất thế giới, vũ khí hiện đại gấp hàng trăm lần, đủ cả máy bay xe tăng đại pháo phải thua trận tan tác trước những người lính nông dân vốn thuần hậu chất phác; một đội quân ăn chưa đủ no, áo chưa đủ ấm, quen cuốc cày hơn súng đạn; đội quân với những người lính chỉ vì tiếc một khẩu pháo mà sẵn sàng hy sinh tính mạng để chèn bánh xe và sẵn sàng lấy thân mình che lỗ châu mai của địch đang nhã đạn để đồng đội xông lên… 

Cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng hôm nay hay truyền kỳ trong câu chuyện kể của người lính già đầu bạc thuở nhà Trần hơn 700 năm trước vẫn chung một tinh thần đó: Bất cứ kẻ thù nào cũng sẽ phải chuốc lấy thất bại trước sức mạnh chính nghĩa Việt Nam!

Lê Đức Dục


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.