Multimedia Đọc Báo in

“Tiếng sấm của sự kiện Điện Biên Phủ vẫn còn đang âm vang”!

08:43, 27/05/2024

Chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam được coi là sự kiện nổi bật, ảnh hưởng lớn đến tình hình quân sự, chính trị thế giới.

Tầm vóc của sự kiện Điện Biên Phủ vượt ra khỏi một trận đánh thông thường, bởi nó kết tinh ý chí và trí tuệ Việt Nam, gắn liền với số phận của nhiều dân tộc trên thế giới...

Ngay sau khi quân Pháp bị đánh bại ở Điện Biên Phủ, viên Cao ủy Pháp tại Đông Dương - Đờ Giăng gửi ngay cho người Pháp một bức thông điệp với lời lẽ chua chát: “Ngày kỷ niệm chiến thắng hôm nay (8/5, kỷ niệm chiến thắng phát-xít Đức), đối với ta là một ngày đau đớn. Bị đè bẹp về quân số và về pháo binh, Điện Biên Phủ không còn nữa. Không việc gì mà ta phải giấu giếm cái đòn ta phải chịu. Dù rằng đối phương có số quân gấp bốn chúng ta, dù rằng cuộc kháng cự ở Điện Biên Phủ đã cứu được Luông Phra-băng (Lào) và có lẽ cả Hà Nội thì sự thất thủ của Điện Biên Phủ cũng vẫn là một thất bại”.

Ảnh tư liệu.
Ảnh tư liệu.

Tại nước Pháp, đại diện cho giới chính trị là Thủ tướng J.La-ni-en đã phải thốt lên: “Trong lịch sử của mỗi dân tộc đều có những sự kiện có tính chất quyết định. Những tên gắn liền với chúng, cả những ngày tháng cũng thế, chứa đựng một ý nghĩa vượt qua bản thân các sự kiện đó. Sáng sủa hay đen tối, trước mắt mọi người, những sự kiện đó đều tượng trưng cho số phận tốt hay xấu của nước nhà... Điện Biên Phủ là một trong những cái tên như thế”.

Sự kiện Điện Biên Phủ đeo đẳng nước Pháp nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ sau. Người ta dễ dàng thấy điều đó qua hồi ký của các chính trị gia, các tướng lĩnh và qua các công trình nghiên cứu của nhiều học giả. Bảy năm sau sự kiện Điện Biên Phủ, ký giả người Pháp J. Roa trong cuốn sách “Trận Điện Biên Phủ” ghi nhận: “Trong toàn thế giới, trận Oa-téc-lô cũng ít tiếng vang hơn... Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm của sự kiện Điện Biên Phủ vẫn còn đang âm vang”.

Tại phiên họp chính phủ được cho là bi thảm nhất của nước Pháp vào ngày 11/5/1954, với cương vị là nghị sĩ, Ph.Mít-tơ-răng (sau này là Tổng thống Pháp) đã dồn dập chất vấn chính phủ của Thủ tướng J. La-ni-en về việc để mất Điện Biên Phủ. 40 năm sau (1994), Tổng thống Ph.Mít-tơ-răng đã đến Việt Nam và thăm Điện Biên Phủ. Điều này chứng tỏ rằng, nước Pháp không thể lãng quên Điện Biên Phủ và sự kiện Điện Biên Phủ là một phần lịch sử của nước Pháp.

Điện Biên Phủ đối với Pháp là một thất bại đau đớn và với Mỹ cũng vậy. Nhà sử học Béc-na Phôn đã viết rằng: “Điện Biên Phủ không chỉ là một chiến thắng quân sự của Việt Minh đối với người Pháp, mà còn là một chiến thắng chính trị của Việt Minh đối với người Mỹ. Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ là nước ủng hộ mạnh mẽ và chịu phí tổn chiến tranh chủ yếu cho Pháp. Từ năm 1950 đến khi Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ, nước Mỹ đã gánh hộ Pháp 80% phí tổn chiến tranh”.

Chính quyền Mỹ tổ chức nhiều cuộc họp, đánh giá, phân tích tình hình quân sự ở Đông Dương, nêu nhiều phương án hành động để cứu nguy cho thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ, như hỗ trợ không quân và lục quân để giúp quân Pháp giữ được đồng bằng Bắc Bộ, dành cho Đông Dương khoản viện trợ 800 triệu đô la, thậm chí sẵn sàng sử dụng bom nguyên tử để kết thúc chiến tranh Đông Dương nhằm giành thắng lợi hoàn toàn.

Tuy nhiên, tất cả những toan tính đó đã không thực hiện được và Mỹ hướng mục tiêu “không để tuột mất Đông Dương” sang Hội nghị Giơ-ne-vơ. Mỹ đã tỏ rõ thái độ phá hoại nền hòa bình của nhân dân Đông Dương bằng việc không ký vào bản tuyên bố chung của Hiệp định Giơ-ne-vơ để rảnh tay hành động. Ngay sau đó, Mỹ thế chân Pháp, tiến hành một cuộc chiến tranh thực dân mới chống nhân dân Việt Nam và các nước Đông Dương.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ luôn bị ám ảnh bởi thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ. Tổng thống Mỹ L. Giôn-xơn đã hốt hoảng tuyên bố: “Tôi không muốn một Điện Biên Phủ…”. Đó là vào mùa xuân năm 1968, khi các căn cứ quân Mỹ tại Khe Sanh bị tấn công và bao vây chặt. Tổng thống Mỹ lo sợ tới mức cho đắp một sa bàn nổi khu vực Khe Sanh ngay trong Nhà Trắng để theo dõi tình hình chiến sự và bắt các tướng lĩnh cam kết không để mất Khe Sanh.

Tháng 12/1972, Mỹ đã thất bại nặng nề trong chiến dịch sử dụng lực lượng không quân đánh phá miền Bắc. Sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam đã làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải chấp nhận mọi điều khoản của Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

70 năm trôi qua, Điện Biên Phủ vẫn mãi là niềm tự hào to lớn đối với dân tộc Việt Nam trên bước đường chấn hưng đất nước hôm nay.

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.