Multimedia Đọc Báo in

Tiếng vọng lịch sử từ những gốc đa cổ thụ

08:48, 19/05/2024

Nằm ở khu vực trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, hai cụm cây đa cổ thụ là “nhân chứng sống” về một thời đấu tranh oanh liệt, quả cảm, ngoan cường chống kẻ thù của dân tộc.

Cụm cây đa thứ nhất rợp bóng mát cả khu vực Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm lưu niệm các chiến sĩ Nam tiến (số 5 Lê Duẩn, phường Tự An).

Ông Lê Quang Thái, hội viên Hội Người tù yêu nước tỉnh Đắk Lắk bồi hồi nhớ lại: “Tôi được nghe mẹ tôi – từng là thành viên của Đội Thiếu niên Cứu quốc từ năm 15 tuổi – kể lại câu chuyện về những mất mát của dân tộc trong tháng ngày chiến tranh ác liệt, gian khổ. Bà cùng dân làng Lạc Giao đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Nam tiến trong cuộc chiến không cân sức với tiểu đoàn lính Pháp vào tháng 12/1945 tại nơi này. Sau đó, người dân đã trồng 7 cây đa ngay tại nơi các chiến sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc để  bày tỏ sự tưởng nhớ, lòng biết ơn sâu sắc...”.

Đoàn viên thanh niên tìm hiểu thông tin về Di tích lịch sử quốc gia Bia Nam tiến.

Hiện dưới gốc cây đã được gắn bảng thông tin, có mã QR để tra cứu thông tin và tìm hiểu về sự kiện lịch sử đã diễn ra. Đây là công trình thanh niên “Số hóa Di tích lịch sử quốc gia Bia Nam tiến” do Đoàn Khối doanh nghiệp Trung ương phối hợp với Tỉnh Đoàn Đắk Lắk thực hiện. Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng trong ứng dụng công nghệ vào việc bảo tồn di tích quốc gia; là cây cầu kết nối các thế hệ trong việc bảo tồn, lưu giữ di tích của cha ông và giáo dục truyền thống cách mạng.

Cụm cây thứ hai nằm tại công viên Lạng Sơn (khu nghĩa trang Phan Bội Châu cũ, phường Thành Nhất), quanh bia tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại Nhà đày Buôn Ma Thuột thời kỳ 1932 - 1945. Theo ông Thái, đây là nơi yên nghỉ của nhiều chiến sĩ bị địch bắt lưu đày từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sau phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh (năm 1930 – 1931), cũng là nơi chôn cất hơn 100 chiến sĩ Nam tiến đã hy sinh (năm 1945). Được biết, ngày 4/9/2019, UBND tỉnh bàn giao cho UBND thành phố quản lý công trình ghi công này. Nhiều năm qua, UBND thành phố đã phối hợp với phường Thành Nhất thực hiện công tác tu bổ, sửa chữa, chăm sóc, dọn dẹp vệ sinh khuôn viên.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lý, Chủ tịch Hội Người tù yêu nước tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Thế hệ  chúng tôi hiểu và cảm nhận được những đau thương, mất mát mà thế hệ trước đã từng phải trải qua trong những tháng ngày chiến đấu giành độc lập cho Tổ quốc. Hằng năm, vào dịp lễ, tết, tôi đều cùng các hội viên đến nơi đây thắp nén hương, dành phút tưởng niệm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ. Đây cũng là dịp để chúng tôi gặp mặt hàn huyên, nhớ lại những kỷ niệm của một thời gian khổ mà oanh liệt”.

Cụm cây đa cổ thụ tại Công viên Lạng Sơn.

Những cụm đa gốc đa ấy không chỉ là “nhân chứng sống” một thời chiến tranh mà còn là bài học cho thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc về những công lao to lớn của thế hệ cha anh đi trước, ý thức về trách nhiệm của mình trong công cuộc bảo vệ, dựng xây Tổ quốc hôm nay. Mỗi khi diễn ra những sự kiện quan trọng trên địa bàn, các tổ chức, đoàn thể đều đến hai địa điểm này để dâng hương, dâng hoa. Đây là những hoạt động vô cùng ý nghĩa, mang đậm dấu ấn văn hóa, thể hiện tình đoàn kết, lòng tri ân, “uống nước nhớ nguồn” của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk.

Trải qua thời gian, những cụm cây đa cổ thụ đã vươn tán đan cành thành những vòm xanh rộng lớn, mát rượi như mái nhà che chở cho những liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống vì độc lập dân tộc. Bên cạnh cây đã già mục là những cây non tiếp tục đâm chồi, như những lớp thế hệ trẻ đang dần lớn lên mạnh mẽ, tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông.

Thu Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.