Multimedia Đọc Báo in

Nhớ lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại căn cứ H9…

17:35, 24/09/2024

Ngày 2/9/1969 (nhằm ngày 21/7 năm Kỷ Dậu), trái tim nhân ái bao la, vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngừng đập, để lại bao niềm tiếc thương cho Đảng ta, dân tộc ta và bạn bè quốc tế.

Vào thời khắc đau thương đó, khắp mọi miền Tổ quốc, từ những vùng địch kiểm soát cho đến vùng căn cứ kháng chiến, quân và dân các dân tộc ta bằng nhiều hình thức khác nhau đã tổ chức lễ truy điệu và để tang Bác Hồ với lòng yêu kính và tiếc thương vô hạn.

Tại căn cứ H9 (nay thuộc huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk), bản tin từ những chiếc đài bán dẫn phát đi thông tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần đã gây nên sự bàng hoàng, đau đớn đến tột cùng trong lòng mọi người. Ông Lâm Sanh Lại, nguyên là Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ xã Khuê Ngọc Điền (1969 - 1975) nhớ lại: “Đầu tháng 9/1969, Ban Chấp hành Huyện ủy H9 tổ chức cuộc họp triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm. Trong lúc đang họp, nhận được tin Bác Hồ kính yêu từ trần, mọi người như chết lặng, sau khi dành ba phút mặc niệm, đồng chí Bí thư Huyện ủy nhanh chóng phổ biến kế hoạch tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ theo thời gian diễn ra quốc tang được Trung ương quy định từ ngày 4/9 - 10/9/1969”.

Theo đó, đối với những cơ quan, đơn vị của huyện và những buôn làng thuộc ba xã Yang Mao, Cư Drăm, Cư Pui ngày nay, Huyện ủy phân công cán bộ trực tiếp đến tận nơi hướng dẫn tổ chức sớm hơn các xã từ Hòa Lễ đến Yang Reh, vì các địa phương này thường xuyên bị địch đi càn, đánh phá, do đó cần chuẩn bị tốt các điều kiện, bảo đảm an toàn tuyệt đối trước, trong và sau ngày diễn ra lễ truy điệu.

Ông Lâm Sanh Lại nhớ lại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 55 năm.

Ở xã Khuê Ngọc Điền, sau khi họp về, ông Lâm Sanh Lại họp quân, dân, chính trong xã, bàn bạc thống nhất phương án tổ chức lễ truy điệu. Lực lượng dân quân du kích được phân công vào rừng chặt le, cắt tranh làm một gian nhà trong khu vực hang đá Bà Mười thuộc quần thể hòn đá đen để làm lễ truy điệu cũng như nơi thờ tự Bác, đồng thời cử người bí mật ra vùng địch tạm chiếm mua hương, đèn, mua vải đen làm băng tang… Các đoàn thể chịu trách nhiệm đến nơi sinh sống của các nhóm hộ trong các hang đá, thông báo ngày, giờ địa điểm để người dân biết dự lễ truy điệu.

Với một tinh thần làm việc khẩn trương, chỉ sau ba ngày thì công việc chuẩn bị hoàn tất, khoảng 10 giờ sáng 8/9/1969 dưới lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng, trước di ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghi lễ truy điệu tại căn cứ H9 được bắt đầu với sự tham dự trên 300 người.

Trong không khí đau buồn, thương tiếc và trang nghiêm, sau tiếng hát Quốc ca đồng loạt vang lên, mọi người cúi đầu, đặt tay lên ngực mặc niệm, tiếp đó ông Lâm Sanh Lại đọc điếu văn (do Ban Tuyên giáo Huyện ủy biên soạn) nêu lại lịch sử hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi câu, mỗi lời trong điếu văn như một lời huấn thị sâu sắc khiến người nghe nghẹn lòng, không cầm được nước mắt. Mọi người ai cũng tâm niệm sẽ tiếp tục noi gương Bác, “Sống chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Kể từ đó cho đến ngày thống nhất đất nước năm 1975, nhà thờ Bác Hồ ở hang đá đen (nay đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh) là nơi người dân đến dâng hương trong những ngày lễ, tết; là nơi lực lượng dân quân đến dâng hương mỗi khi xuất kích và báo công khi hoàn thành nhiệm vụ. Mặc dù bị địch đánh phá nhiều lần nhưng vẫn không khuất phục được lòng kiên trung, sự kính mến của người dân căn cứ Khuê Ngọc Điền đối với Bác Hồ vĩ đại, giặc phá đến đâu quân và dân ta sửa sang lại đến đó.

Sau buổi lễ truy điệu đặc biệt đó, với quyết tâm biến đau thương thành hành động cách mạng, lực lượng du kích xã Khuê Ngọc Điền được tổ chức “bám sát thắt lưng địch mà đánh”. Chỉ tính trong năm 1970, lực lượng du kích xã đã đánh 10 trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu nhiều súng đạn, bắn rơi 1 máy bay L19 và bắn bị thương nhiều máy bay khác…

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.