Multimedia Đọc Báo in

Từ “làng đỏ” trong Xô viết Nghệ Tĩnh đến khát vọng xây dựng xã hội thực sự vì con người

08:42, 12/09/2024

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam ngày càng phát triển.

Cùng với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân trong các hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp, nhiều cuộc đấu tranh của giai cấp nông dân cũng diễn ra ở nhiều nơi, với các hình thức như đòi chia ruộng đất công của làng xã, đòi lại các khoản bị hào lý tham nhũng…

Cao trào cách mạng diễn ra trên 25 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó Nghệ Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất. Từ ngày 1/5/1930 đến tháng 8/1930, có 97 cuộc bãi công và biểu tình của công nhân và nông dân Nghệ Tĩnh. Đặc biệt, phong trào đấu tranh của công - nông Nghệ - Tĩnh đã lôi cuốn đông đảo trí thức, học sinh và các tầng lớp nhân dân tham gia, làm cho chính quyền tay sai bị tê liệt ở cấp huyện và tan rã ở cấp xã. Làn sóng đấu tranh cách mạng của quần chúng đã buộc chính quyền thuộc địa phải thi hành một số chính sách đối với người lao động như trả tự do cho một số người bị bắt trong các cuộc biểu tình, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, hoãn thuế cho nông dân.

Khi bộ máy hành chính của hào lý ở hương thôn tan rã, các “làng đỏ” - các xô-viết đã hình thành, ban chấp hành Nông hội đỏ (thường gọi là “xã bộ nông”) đứng ra quản lý mọi công việc hành chính trị an, tổ chức tự vệ và quần chúng chống lại sự khủng bố của địch, tiến hành từng bước cải cách dân chủ, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội. Có thể thấy, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng, thực chất, “xã bộ nông” đã là chính quyền của các địa phương, thay thế bộ máy địch đặt ra do tổng lý nắm trước kia, giải quyết các công việc về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương theo cương lĩnh, đường lối của Đảng.

Về chính trị, Nông hội đỏ đã buộc bọn lý trưởng nộp sổ sách, con dấu cho chính quyền xô-viết, ban bố quyền tự do dân chủ cho nhân dân trong làng như: tự do hội họp, tự do học chữ và tự do tham gia vào các đoàn thể cách mạng.

Về kinh tế, tịch thu ruộng đất công, tiền, lúa công chia cho dân nghèo; bãi bỏ thuế thân, thuế muối, thuế chợ, thuế đò...; buộc các tổng lý phải trả lại cho dân khoản tiền đã thu, các chủ nợ phải xóa nợ cho người nghèo, chủ ruộng phải giảm tô chính, bỏ tô phụ cho nông dân. Quy định mức tiền công cho người đi làm thuê và thực hiện chế độ ngày làm 8 giờ. Tổ chức ra các phường, hội để giúp đỡ nhau làm ăn.

Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ảnh: QĐND

Về quân sự, từ tháng 9/1930 thành lập được 411 đội tự vệ đỏ với 9.114 đội viên, trong đó có 322 đội viên tự vệ cảm tử. Tự vệ đỏ có nhiệm vụ tuần tra, canh phòng bảo vệ các cuộc hội họp của Đảng, tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo đảm an ninh trật tự xóm làng, xung kích trong các cuộc biểu tình.

Về văn hóa xã hội, tổ chức dạy chữ quốc ngữ cho nhân dân, có 13.592 người đi học với 886 lớp và 553 giáo viên. Đồng thời tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ để tuyên truyền tinh thần yêu nước cho nhân dân; bài trừ những hủ tục mê tín dị đoan: bói toán, cầu cúng, cờ bạc, rượu chè… xây dựng tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.

Có thể thấy, chính quyền xô-viết ra đời trên đất Nghệ Tĩnh là thành quả của quần chúng cách mạng qua nhiều năm trời hy sinh phấn đấu. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, lá cờ đỏ búa liềm tung bay, vẫy gọi công nông vùng lên đấu tranh, lập nên các “làng đỏ” ở nhiều thôn, xã ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Các “làng đỏ” - các xô-viết ra đời và thực thi chức năng của chính quyền nhà nước; tỏ rõ bản chất cách mạng và tính ưu việt của mình, thực sự là một chính quyền của dân, do dân, vì dân.

Phong trào đấu tranh cách mạng trong giai đoạn 1930 – 1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh đã trở thành mốc son chói lọi, mở đầu cho lịch sử hào hùng, oanh liệt của cách mạng Việt Nam; đánh dấu việc Đảng ta – một đảng cách mạng dù còn rất non trẻ, lần đầu tiên đã thể hiện rõ vai trò, bản lĩnh, uy tín, sức chiến đấu và khả năng to lớn trong việc lãnh đạo, đoàn kết và huy động quần chúng nhân dân; là minh chứng hùng hồn về sự thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam, cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc