Vô nghĩa hàng rào điện tử McNamara
Trong cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, bên cạnh việc thử nghiệm và sử dụng phương tiện vũ khí hiện đại dựa vào ưu thế của máy bay, xe tăng, thiết giáp, Hoa Kỳ đã triển khai loại hình công nghệ cao với tham vọng nắm thế chủ động trên chiến trường mà điển hình là hàng rào điện tử McNamara.
Vào giữa thập niên 1960, tuy các phi vụ ném bom đánh phá miền Bắc và đường Trường Sơn của quân đội Mỹ nhằm ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam được thực hiện với quy mô lớn, nhưng hiệu quả đánh phá lại tỷ lệ nghịch với khối lượng bom đạn sử dụng.
Trong bối cảnh đó, năm 1966, chính phủ Mỹ tổ chức một nhóm nghiên cứu gồm 47 nhà khoa học kỹ thuật quân sự hiện đại để tìm biện pháp mới. Sau 3 tháng làm việc, một đề án xây dựng phòng tuyến dọc theo khu phi quân sự bằng những phương tiện vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại nhất thời đó của quân đội Mỹ đã ra đời.
Theo đó, hàng rào gồm hai bộ phận: một bộ phận nhằm đánh vào người đi bộ và một bộ phận nhằm đánh vào xe cơ giới. Hệ thống chống xe cơ giới gồm các thiết bị dò âm thanh được máy bay tuần tra theo dõi liên tục. Chi phí cho một hệ thống như vậy ước tính khoảng 800 triệu USD mỗi năm.
McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ năm 1961 -1968 được xem là “kiến trúc sư trưởng” của chiến tranh Việt Nam và là tác giả của hàng rào điện tử mang tên của chính mình từng tự tin nhận định: “Lúc đầu, hàng rào có thể không hoàn toàn hiệu quả, nhưng tôi tin rằng nó có thể phát huy tác dụng kịp thời và khi đó, về cơ bản nó có thể làm tăng lợi thế của chúng ta về mục đích của cuộc chiến. Nó sẽ cản trở đối phương, sẽ cho phép sử dụng hiệu quả hơn với số lượng hạn chế số quân thường trực…”.
Hàng rào điện tử McNamara là một hệ thống rày đặc các loại thiết bị điện tử được Mỹ thả xuống khu vực phi quân sự quanh Vĩ tuyến 17. Ảnh: Internet |
Từ năm 1966, với mục đích ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam, hàng rào điện tử McNamara được xây dựng, gồm 17 hệ thống căn cứ quân sự, kết hợp với hệ thống vật cản dày đặc, các thiết bị trinh sát điện tử mặt đất và trên không hiện đại bố trí liên hoàn trong khu vực có chiều dài khoảng 100 km, rộng từ 10 - 20 km từ cảng Cửa Việt lên đường 9 đến biên giới Việt - Lào.
Đồng thời, quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa duy trì ở đây một lực lượng phòng ngự khá mạnh để kiểm soát phòng tuyến suốt ngày đêm. Ngoài bộ binh còn có lực lượng pháo binh và xe tăng, thiết giáp mạnh. Máy bay tiêm kích, cường kích liên tục bay lượn sẵn sàng tiêu diệt mọi mục tiêu vượt qua phòng tuyến.
Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực của Mỹ, trên tuyến đường Trường Sơn, trong tháng 1/1968, lượng hàng chi viện của miền Bắc Việt Nam cho chiến trường miền Nam tăng gấp đôi so với tháng 12/1967. Số quân lên đường vào miền Nam lên tới 4.500 người, cùng với một số khí tài lớn như pháo 85 ly, 122 ly và xe tăng cũng được đưa vào miền Nam an toàn. Với cuộc chi viện đó, cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Khe Sanh và đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 của quân và dân Việt Nam đã chứng minh rằng hàng rào điện tử McNamara đã thất bại, hoàn toàn vô nghĩa.
Với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Kennedy và Johnson, McNamara là một trong những người đề xuất hàng đầu về việc Mỹ ủng hộ chính quyền miền Nam Việt Nam chống miền Bắc. Tuy nhiên, ông rời nhiệm sở với quan điểm rằng cuộc chiến là một sự thất bại. Trong hồi ký xuất bản năm 1995 mang tên “In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam” (Nhìn lại quá khứ: Bi kịch và bài học Việt Nam), McNamara viết: “Chúng ta đã sai, sai lầm khủng khiếp. Chúng ta nợ những thế hệ tương lai một lời giải thích”.
Mạnh Phong
Ý kiến bạn đọc