Multimedia Đọc Báo in

“Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” được công nhận là Bảo vật quốc gia

01:15, 23/11/2024

Trong khuôn khổ chương trình Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), tối 22/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chỉnh phủ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã trao Quyết định số 73/QĐ-TTg, ngày 18/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023) đối với “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai”.

“Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” bao gồm 250 hiện vật, trong đó có 200 mũi khoan hoàn chỉnh và 50 phác vật mũi khoan.

Các hiện vật này được Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật qua ba đợt trong năm 2021, năm 2022 và gần đây nhất là tháng 7/2024 tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai (xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp).

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông (bên phải) trao Quyết định về việc công nhận bảo vật quốc gia đối với “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai”. Ảnh: H. Gia
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông (bên phải) trao Quyết định về việc công nhận bảo vật quốc gia đối với “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai”. Ảnh: H. Gia

Đây là một địa điểm khảo cổ học mới được phát hiện, chứa nhiều hiện vật tinh xảo, độc bản, được xem là công xưởng chế tác mũi khoan đá duy nhất ở Tây Nguyên cho đến nay. Dựa trên các di tích, di vật và diễn biến địa tầng, các nhà khảo cổ học nhận định di chỉ Thác Hai nằm trong khung niên đại từ khoảng trên 3.500 - 2.000 năm cách ngày nay

Tại khu vực này, các nhà khảo cổ phát hiện một tầng văn hóa dày khoảng 2 m - 2,3 m, chứa các di tích như mộ táng, hố đất đen và nhiều di vật khác như bàn mài, rìu, bôn, bàn đập vỏ cây bằng đá, hơn 3.000 mũi khoan đá và hàng chục nghìn mảnh tước nhỏ.

Một số hiện vật rìu, bôn khai quật được tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai. Ảnh: Ánh Ngọc
Một số hiện vật rìu, bôn khai quật được tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai. Ảnh: Ánh Ngọc.

“Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” không chỉ chứng minh sự phát triển đỉnh cao trong kỹ thuật chế tác đá ở Tây Nguyên trong giai đoạn Hậu kỳ Đá mới mà còn là nguồn tư liệu quý giá để tìm hiểu về mạng lưới buôn bán, trao đổi và giao lưu văn hóa ở Tây Nguyên trong thời kỳ tiền - sơ sử.

Việc Thủ tướng Chính phủ công nhận “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” là Bảo vật quốc gia đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn và nghiên cứu di sản khảo cổ tại tỉnh Đắk Lắk. Điều này mở ra cơ hội cho những nghiên cứu sâu rộng hơn, khám phá thêm những bí mật về cư dân tiền sử và góp phần vào sự phát triển của khoa học khảo cổ học Việt Nam.

Nhân dịp này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng đã xác lập 3 kỷ lục quốc gia tại tỉnh Đắk Lắk gồm: “Đắk Lắk là tỉnh có tổng diện tích trồng cà phê lớn nhất Việt Nam” (đạt 212.106 ha, theo số liệu năm 2023); “Hồ Lắk (huyện Lắk) - hồ nước ngọt tự nhiên trên Tây Nguyên có diện tích lớn nhất Việt Nam” (rộng 500 ha, ở độ cao gần 417 m so với mặt nước biển); “Vườn quốc gia Yok Don (tỉnh Đắk Lắk) có diện tích rừng khộp lớn nhất Việt Nam”. 

Lê Thành – Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc