Multimedia Đọc Báo in

Một cách nhìn khác về tên gọi và sự hình thành, phát triển của CADA

07:43, 10/02/2025

Lâu nay khi nói về CADA, mặc nhiên được hiểu là Công ty Nông nghiệp Á Châu. Tuy nhiên, qua nghiên cứu còn được hiểu với một tên khác nhưng cũng được viết tắt là CADA – đó là Công ty Nông nghiệp An Nam. Vậy thực chất, CADA là tên gọi của công ty nào, hay hai công ty này là một; quá trình hình thành, phát triển như thế nào…?

CADA – Công ty Nông nghiệp Á Châu - qua góc nhìn hiện tại

Trong giới nghiên cứu và khoa học lịch sử, khi nói tới CADA vẫn hiểu là Công ty Nông nghiệp Á Châu (COMPAGNIE AGRICOLE D’ASIE).

 Cụ thể: Trong bài “Di tích lịch sử CADA” trên website Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk viết: “CADA là chữ viết tắt của cụm từ COMPAGNIE AGRICOLE D’ASIE (Công ty Nông nghiệp Á Châu), do người Pháp xây dựng vào năm 1922 để trồng cà phê, chè. Di tích lịch sử CADA trải dài từ km 18 đến km 47 dọc hai bên Quốc lộ 26 thuộc xã Ea Kênh và Ea Yông, huyện Krông Pắc".

Bài “Di tích Quốc gia – Di tích lịch sử CADA” trên Cổng thông tin điện tử của huyện Krông Pắc có viết: “Đồn điền CADA thuộc xã Ea Yông huyện Krông Pắc. Cách Quốc lộ 26 khoảng 150 m về hướng Nam, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 27 km về hướng Đông” và “CADA là tên viết tắt của cụm từ tiếng Pháp COMPAGNIE AGRICOLE D'ASIE tức là Công ty nông nghiệp Á châu. Đồn điền CADA hình thành trong quá trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp ở Đông Dương nói chung và Đắk Lắk nói riêng, với diện tích ban đầu 2.000 ha, là một trong những đồn điền cà phê lớn nhất ở Đắk Lắk”.

Bài “Lịch sử hơn 100 năm cà phê Đắk Lắk” trên Tạp chí Tuyên giáo (2011) viết: “CADA là từ viết tắt của cụm từ Compagne Argicole D’Asie (Công ty Nông nghiệp Á Châu), với diện tích ban đầu 2.000 ha, là một đồn điền cà phê lớn nhất ở Đắk Lắk. Lúc đồn điền cà phê CADA được thành lập, cũng là lúc giai cấp công nhân đồn điền cà phê CADA ra đời, họ là nạn nhân của nạn cướp đoạt ruộng đất và bần cùng hóa, trong đó người Êđê, M'nông chiếm tới 70% dân số.”.

Du khách tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Di tích Đồn điền CADA. Ảnh: Đinh Nga

Bài “Đồn điền CADA và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân trong cách mạng Tháng Tám 1945” trên website Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk viết: “Công ty Nông nghiệp Á Châu hay đồn điền CADA bao chiếm một diện tích khá rộng từ km 18 đến km 47 ven Quốc lộ 21 (nay là Quốc lộ 26) tuyến Buôn Ma Thuột – Nha Trang. CADA có trụ sở chính tại Pháp ở số 46 đường De Laborde – quận 8 – Paris, với số vốn đầu tư là 50.000 franc và tổng diện tích khai phá 4.000 ha, kinh doanh cà phê và trà. Sản phẩm của CADA làm ra đều gửi về Pháp (nhập ở bến Lehavre), ngoài ra còn bán sang các nước như: Algeria, Maroc, Indonesia…”.

Trong bài viết “Cà phê và câu chuyện về các đồn điền cà phê ở Đắk Lắk” có trích dẫn nguồn từ cuốn sách Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Đắk Lắk của Nhà xuất bản Lao Động năm 1997, thể hiện: Trong những đồn điền đầu tiên được lập ra ở Đắk Lắk thời kỳ này có hai cơ sở lớn nhất là Đồn điền CADA (Compagnie Agricole D’Asie) với số vốn đầu tư ban đầu là 56 triệu franc, diện tích 1.800 ha và đồn điền C.H.P.I (Compagnie des Hauts Plateaux Indochinois) với số vốn ban đầu là 10 triệu franc, diện tích là 1.371 ha.

Về lực lượng lao động, nhiều bài viết thể hiện: Có khoảng 1.000 công nhân làm ở đồn điền CADA (vào năm 1932). Công nhân trong các đồn điền ở Đắk Lắk có khoảng 70% là người địa phương, còn 30% là đồng bào các tỉnh khác. Người công nhân phải làm từ 11-14 giờ/ngày, đến mùa thu hoạch phải làm nhiều hơn.

Như vậy, đến nay nhiều bài viết đều thống nhất khẳng định: CADA là tên viết tắt của Công ty Nông nghiệp Á Châu. Công ty này được thành lập vào năm 1922, chủ yếu trồng cà phê, chè. Diện tích trải dài từ km 18 đến km 47.

 Tuy nhiên, có sự khác nhau về số vốn ban đầu, có dữ liệu là 50.000 franc, có dữ liệu là 56 triệu Franc. Con số chênh lệch này là quá lớn. Hơn nữa, diện tích của đồn điền được các bài viết nên cũng có sự chênh lệch tương đối lớn: từ 1.800 ha, 2.000 ha và 4.000 ha.

CADA – Công ty Nông nghiệp An Nam – qua tư liệu của Pháp

Theo tài liệu COMPAGNIE AGRICOLE D'ANNAM (hiện có thể truy cập tại địa chỉ https://entreprises-coloniales.fr/inde-indochine/Cie_agricole_d_ Annam.pdf), Công ty Nông nghiệp An Nam có số vốn 50 triệu franc (có đoạn thể hiện 59 hoặc 60 triệu franc), được chia thành 500 hoặc 600.000 cổ phiếu trị giá 100 franc. Thời gian sau số vốn giảm còn 10 triệu franc (năm 1932), tiếp sau là 2,5 triệu franc (năm 1940). Sau đó Đại hội bất thường ngày 7/3/1941 tăng lên 12 triệu franc. Lúc mới thành lập, người sáng lập nắm giữ 100.000 cổ phiếu và được nhận 30% lợi nhuận, 70% được phân phối cho các cổ đông. Trong quá trình hoạt động có những lúc công ty rơi vào tình trạng phá sản, như những năm 1938 và 1939.

Công ty được thành lập bởi một nhóm Pháp - Hà Lan vào tháng 11/1926. Công ty có trụ sở chính đặt tại Paris, 67, rue de la Victoire. Thời điểm năm 1939, trụ sở chính đặt tại 49, rue du Rocher, Paris. Công ty có 8.000 ha, chủ yếu để trồng chè và cà phê. Cách Buôn Ma Thuột 15 km và Nha Trang 161 km. Thời hạn thuê đất là 99 năm.

Hội đồng quản trị do ông Ch. Engeringh, người Áo vừa nhập tịch Pháp, chủ tịch các đồn điền ở Sumatra, Tapanoëlie, Kalitengah, Franco - Javanaise làm chủ tịch, và phần lớn các thành viên của hội đồng quản trị đều là giám đốc của các công ty trồng trọt lớn.

Ban giám đốc đầu tiên bao gồm Charles Engeringh; Jacques Bernard; Charles D'Ancona (Hà Lan); André de Lyée de Belleau và François de Lyée de Belleau; Henri Vereecken; Jacques Breham; Henri Laloux; Charles Milliot và René West.

Lúc đầu khi thành lập công ty (đồn điền) nảy sinh vấn đề khó khăn về lao động, người ở các khu vực không thuộc Tây Nguyên không được phép vào lao động. Trong khi đó, người dân tộc thiểu số tại chỗ (người Êđê) chưa muốn làm việc thường xuyên trong các đồn điền. Để giải quyết vấn đề này, CADA đã giới thiệu 50 người Java và với sự cho phép của Chính phủ Hà Lan.

Những vấn đề cần tiếp tục làm sáng tỏ

Qua các tài liệu được tổng hợp, bước đầu có thể đưa ra một số giả thiết và nhận định sau về CADA:

Thứ nhất, CADA là tên viết tắt của Công ty Nông nghiệp Á Châu hay Công ty Nông nghiệp An Nam. Trên thực tế, khi thực dân Pháp khai thác thuộc địa ở Tây Nguyên và Đắk Lắk đã lập ra rất nhiều đồn điền với nhiều công ty khác nhau như: như: Ô giê, Mô-ri, May-ô… Ở Buôn Hồ có Đồn điền Rossi rộng lớn, vừa trồng cao su vừa trồng cà phê.

Thứ hai, Công ty Nông nghiệp Á Châu hay Công ty Nông nghiệp An Nam là hai công ty hay là một công ty. Nếu là một công ty tại sao thời điểm thành lập khác nhau (năm 1922 và năm 1926). Cũng không loại trừ năm 1922 là Công ty Nông nghiệp Á Châu, sau đó đến năm 1926 đổi thành Công ty Nông nghiệp An Nam!? Một điểm khá tương đồng là địa điểm của hai công ty đều trên trục Quốc lộ 26 ngày nay. Tuy Công ty Nông nghiệp Á châu cách Buôn Ma Thuột 27 km, còn Công ty Nông nghiệp An Nam cách Buôn Ma Thuột chừng 15 km.

Thứ ba, diện tích đất của hai công ty này khác nhau. Một bên khoảng 2.000 ha, bên khác là 8.000 ha.

Thứ tư, hai công ty đều có trụ sở chính ở Pháp nhưng khác nhau về địa chỉ. Nên không loại trừ đây lại là hai công ty độc lập hoặc cũng có thể một công ty nhưng có thay đổi địa điểm làm trụ sở!?

Một thế kỷ đã qua, các tài liệu sưu tầm được về CADA không nhiều nên các thông tin nêu ra có thể còn phiến diện. Mặt khác, tài liệu nghiên cứu được viết bằng tiếng Pháp, việc chuyển ngữ gặp những khó khăn nhất định nên có thể một số nội dung dịch chưa thật sự sâu sát. Đồng thời, nhiều địa danh đã thay đổi qua thời gian nên rất khó xác định.

Bài viết thể hiện một góc nhìn, đóng góp thêm cho quá trình tìm hiểu về CADA, từ đó, làm cơ sở cho việc tìm hiểu sâu hơn sự bóc lột công nhân của thực dân Pháp và cuộc đấu tranh của họ diễn ra ở đồn điền CADA như thế nào; hiểu rõ hơn nguyên nhân dẫn tới sự hình thành tổ chức đảng đầu tiên trong công nhân đồn điền, cũng như ghi nhận đúng công lao đấu tranh của họ.

Lương Hữu Nam

Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.