Multimedia Đọc Báo in

Về thăm quê hương Bác Tôn

08:39, 28/08/2021

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng nằm trong khuôn viên rợp bóng cây xanh tại trung tâm ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên - tỉnh An Giang, là nơi ông sinh sống thời niên thiếu, đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Từ thành phố Long Xuyên, đi phà khoảng 15 phút là đến khu di tích. Đến đây có thể tham quan rất nhiều hạng mục, như nhà trưng bày giới thiệu về cuộc đời hoạt động của Bác Tôn, nhà lưu niệm thời niên thiếu, Đền tưởng niệm, căn lán của Bác Tôn ở ATK (Thái Nguyên) được phục dựng nguyên vẹn... Trong đó, nhiều người rất ấn tượng về ngôi nhà cổ, nơi Bác Tôn đã sống thời thơ ấu. Ngôi nhà được xây theo kiểu nhà sàn ba gian truyền thống của người Nam Bộ: cột gỗ chân tán, nền sàn lót ván, mái lợp ngói âm dương; bên trong còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá, chân thật như bộ ngựa gỗ, tủ thờ cẩn xà cừ, tấm ảnh Bác Tôn chụp lúc 18 tuổi cùng nhiều hiện vật khác… giúp chúng ta hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông.   

Ngôi nhà cổ, nơi Bác Tôn sinh sống thuở thiếu thời.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888 - 1980) xuất thân trong một gia đình nông dân cần cù, trọng đạo đức và quý nhân nghĩa như truyền thống vốn có của người dân Nam Bộ. Năm 18 tuổi, chàng thanh niên Tôn Đức Thắng rời gia đình theo học nghề ở Sài Gòn, sớm hòa mình vào phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân phản đối chế độ áp bức, bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp. Với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh bền bỉ nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, chàng thanh niên Tôn Đức Thắng đã tập hợp, đoàn kết được đông đảo công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn và thành lập Công hội bí mật vào năm 1920. Đây là tổ chức của giai cấp công nhân đầu tiên ở Việt Nam gắn liền với tên tuổi của người thợ Tôn Đức Thắng. Dù chưa thật sự là một tổ chức cách mạng, nhưng Công hội bí mật đã đánh dấu thời kỳ giai cấp công nhân ý thức về sức mạnh của mình. Tiêu biểu là cuộc bãi công của hơn 1.000 công nhân Ba Son vào năm 1925, thể hiện ý thức chính trị, trình độ tổ chức, tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản, tạo bước chuyển biến quan trọng của giai cấp công nhân ở đây từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác, từng bước hòa nhập với dòng chảy lịch sử cách mạng Việt Nam.

Năm 1926, Tôn Đức Thắng bắt liên lạc và gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của người thanh niên yêu nước này, đánh dấu sự chuyển biến về tư tưởng của Tôn Đức Thắng từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin. Với sự đóng góp to lớn của Tôn Đức Thắng, phong trào công nhân Nam kỳ phát triển ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ. Năm 1927, Kỳ bộ Nam kỳ được thành lập, Tôn Đức Thắng được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn. Giữa lúc phong trào cách mạng ở Nam kỳ đang sôi sục, lan rộng khắp miền thì cuối năm 1929, Tôn Đức Thắng bị giặc bắt và bị đày ải tại "địa ngục trần gian" Côn Đảo. Trải qua 15 năm bị đọa đày với bao cực hình tra tấn dã man của kẻ thù vẫn không lay chuyển được ý chí kiên trung, bất khuất của Tôn Đức Thắng, ngược lại càng nêu cao chí khí quật cường của người chiến sĩ cộng sản cho mọi người yêu nước noi theo. Cũng chính tại "địa ngục trần gian" này, Tôn Đức Thắng đã tham gia thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Côn Đảo và tích cực tham gia đấu tranh chống lại chế độ lao tù hà khắc của thực dân Pháp.

Chiếc tàu Giang cảnh chở Bác Tôn về thăm quê (tháng 10-1975) được trưng bày tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Cách mạng tháng Tám thành công, vừa ra tù Tôn Đức Thắng tham gia ngay vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Đầu năm 1946, Tôn Đức Thắng được điều ra Hà Nội làm việc bên cạnh Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ. Công lao nổi bật và tiêu biểu nhất của Bác Tôn là thực hiện thành công chính sách đại đoàn kết dân tộc, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng.

Sau ngày đất nước thống nhất, đầu tháng 10-1975, Chủ tịch Tôn Đức Thắng mới trở về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đây là lần thứ hai Bác Tôn về thăm quê (lần đầu vào tháng 9-1945) để rồi 15 năm sau, ngày 30-3-1980, người con ưu tú của vùng đất cù lao Ông Hổ mãi mãi đi xa, sau hơn 3/4 thế kỷ tận hiến sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp cách mạng và hạnh phúc của nhân dân. Cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của Bác Tôn được nhà thơ Hồ Thanh Điền đúc kết trong hai câu đối, treo trang trọng tại Đền tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng: “Tựa lưng Bảy Núi, uống nước Cửu Long, Mỹ Hòa Hưng ngời danh xứ sở/ Khơi lửa Ba Son, kéo cờ Hắc Hải, Tôn Đức Thắng rạng tiếng non sông”.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc