Multimedia Đọc Báo in

Về miền Tây nghe chuyện Đốc binh Vàng chống giặc Xiêm

10:18, 12/12/2021

Vào thế kỷ 18, 19, Xiêm La là một đế quốc khá hùng mạnh, họ luôn lợi dụng thời cơ, tìm cách gây hấn, thôn tính nước Chân Lạp và Nam Bộ nước ta.

Có một vị tướng quân đã từng đánh đuổi quân xâm lược Xiêm La ở miền Tây Nam Bộ, lập được nhiều chiến công hiển hách thời ấy là ông Trần Văn Năng (1763 - 1835), sinh tại làng Vĩnh Điểm, phủ Diên Khánh, huyện Vĩnh Xương (nay là tỉnh Khánh Hòa).

Năm 1812, ông Trần Văn Năng được vua Gia Long phong chức Chấn vũ quân Phó Tướng trấn thủ Tân Châu, canh giữ nghiêm ngặt biên cương Tây Nam. Năm 1824, ông giữ chức vụ Phó Tổng trấn Gia Định thành sau thăng Thự tiền quân thống chế... Năm 1833, ông được thăng Tiền quân đô thống phủ chưởng phủ sự, năm sau được tấn phong Lương tài hầu. Cũng vào năm Quý Tỵ (1833), Lê Văn Khôi nổi dậy cướp thành Phiên An (Gia Định) và cầu cứu quân Xiêm ủng hộ. Cuối năm ấy, năm cánh quân Xiêm La hùng hổ tràn vào miền Trung và Nam Bộ nước ta nhưng mục tiêu chính của quân Xiêm là xâm chiếm các tỉnh ở Tây Nam Bộ thời đó. Khí thế của quân Xiêm ban đầu rất mạnh, chúng nhanh chóng chiếm được thành Hà Tiên và An Giang.

Để thu phục Lê Văn Khôi và đánh đuổi quân Xiêm xâm lược, vua Minh Mạng phong cho Trần Văn Năng làm Bình Khấu tướng quân thống lĩnh toàn thể quân binh của Gia Định thành và Long Hồ dinh (Vĩnh Long) khẩn trương cùng nhau chống giặc. Dưới tài chỉ huy của ông Trần Văn Năng, quân dân ta thời ấy đã làm nên chiến thắng oanh liệt trong trận thủy chiến ác liệt, phá tan thủy quân của quân Xiêm ở Cổ Hủ, cửa Thuận (Vàm Nao), giết được tướng Xiêm là Phi Nhã Khổ Lạc, sau đó Trần Văn Năng ra lệnh cho Trương Minh Giảng tiến công, đánh chiếm lại thành An Giang. Ông đích thân cầm quân thu hồi Hà Tiên. Quân giặc hoảng loạn, tháo chạy ra khỏi biên giới nước ta. Thừa thắng, ông cùng các tướng kéo quân sang giải phóng Nam Vang đuổi quân Xiêm ra khỏi Chân Lạp.

Sau chiến thắng vẻ vang ở Vàm Nao (con sông nối liền sông Tiền và sông Hậu), năm 1835 ông Trần Văn Năng trên đường chinh chiến đã lâm bệnh nặng... Ông được đưa về nước dưỡng bệnh, thuyền vừa đến Bến Siêu thuộc cù Lao Tây, nay thuộc huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) thì mất. Nhân dân thương tiếc vị tướng tài đã lập nên miếu thờ với bài vị là “Trần Ngọc Thượng tướng Quận công” tại nơi ông mất... Vua Minh Mạng ra lệnh mang thi hài ông về kinh đô Huế an táng, truy tặng ông chức Thái phó tước Tân Thành quận công, ban tên thụy là Trung Dũng. Ngoài ra, nhà vua còn cho bãi triều ba ngày và ban cho một bài thơ ngự chế. Mộ ông bà Trần Văn Năng hiện nay nằm trên triền núi Hoàng Long thuộc thôn Thượng II, xã Thượng Xuân, thành phố Huế.

Tượng ông Trần Văn Năng tại dinh Ông.

Tưởng nhớ công lao của ông Trần Văn Năng, tại vàm rạch Đốc Vàng thuộc xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp - nơi có hai con rạch Đốc Vàng Thượng và Đốc Vàng Hạ hợp nhau chảy ra sông Tiền, người dân lập một đền thờ bề thế, uy nghiêm thờ Thượng tướng Trần Văn Năng mà người dân gọi là dinh Ông Đốc Vàng.

Ngay cổng dinh có cặp câu đối “Thượng tướng oai linh thiên niên tại/Quận công khí dũng vạn thế tồn”. Trong gian giữa chánh điện của dinh có tượng ông Trần Văn Năng được tạc bằng đá với dáng vẻ uy nghi, dũng mãnh; phía sau hai hàng binh khí là bài vị “Trần Ngọc thượng tướng quận công” được tìm thấy lúc lập dinh cách đây khoảng 170 năm. Theo Ban tế tự thì tên “Trần Ngọc thượng tướng quận công” là do nhân dân ở đây thành kính, yêu mến gọi với ý tôn quý như châu ngọc!

Có nhiều câu chuyện kể về sự linh ứng của dinh Ông. Chẳng hạn dinh Ông nằm ở ngã ba sông (vàm) nên bị nước lũ xâm thực, đền thờ cứ lún sụt, lở dần..., nhân dân lo lắng tế lễ cầu xin “Ông” được di dời điện thờ đến một nơi khác... Lạ lùng thay, sau đó chẳng bao lâu, đất bị trôi mất lại được phù sa bồi đắp lại, đất cát đùn lên ngày càng cao, vươn rộng ra khoảng trống đã  bị nước cuốn trôi... Nước dần chảy ra xa, đến tận bây giờ!  Một truyền thuyết khác kể: Xưa, vào những đêm trăng thanh gió mát, người ta thường thấy một dải sáng màu vàng nhạt như tấm lụa từ trong ngôi đền bay ra và đáp xuống bến Vàm Nao, người ta cho đó là linh khí của ngài phát tiết, bởi vì lúc sinh thời cầm quân ra trận, thượng tướng mặc giáp vàng oai phong lẫm liệt…

Người dân ghi nhớ công lao Thượng tướng nên đã đồng lòng tôn tạo, tu bổ từ ngôi thờ nhỏ, nay có thêm sự quan tâm của Nhà nước, đền thờ đã trở thành dinh Ông to lớn, uy nghi. Dinh Ông Đốc Vàng được xếp hạng là “Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia” vào năm 2004.

Đặng Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.