Multimedia Đọc Báo in

Ngọt ngào bánh bó ngày xuân

08:32, 20/02/2022

Mỗi độ xuân về, người Quảng Ngãi lại háo hức cùng nhau làm bánh bó.

Bánh bó hiểu nôm na là bánh được làm bằng cách bó lại (chứ không cần phải nướng, hấp hay luộc như nhiều loại bánh khác). Tên bánh giản dị cũng như tính cách chất phác của người Quảng Ngãi nhưng là tên gọi nhớ thương của bao người con đất Quảng xa quê mỗi khi xuân về.

Như tên bánh, nguyên liệu và cách làm bánh cũng đơn giản, không quá cầu kỳ. Nguyên liệu gồm có bột nếp, dừa, dứa, cà rốt, bí đao, cà chua, gừng và đường, đều là “cây nhà lá vườn” quen thuộc.

Bánh bó Quảng Ngãi.

Để làm bánh bó, trước hết phải làm mứt. Cà chua, cà rốt, cơm dừa, dứa, bí đao, gừng (một ít) xắt thành sợi, cho đường vào (nếu có thêm dầu chuối hoặc vani sẽ dậy mùi hơn), trộn đều rồi đem rim. Rim lửa nhỏ đến khi vừa cạn nước thì tắt bếp, để nguội. Bột làm bánh bó phải được chọn từ loại gạo nếp ngon, rang thơm, xay mịn và phơi qua ba lần sương đêm. Cho nước đường thắng vào, khuấy đều cho bột tan hết, không để bị vón cục. Sau đó, cho mứt bánh vào nhồi cho đều. Cuối cùng là công đoạn bó bánh. Cán bột thành miếng mỏng, cho hỗn hợp vừa nhồi vào giữa rồi bó thành khúc theo hình trụ tròn hoặc vuông tùy thích, dùng bao nilon trong bó lại. Khi ăn, chỉ cần xắt bánh ra thành lát, bày ra đĩa. Ăn bánh bó, uống nước trà, nói chuyện xuân là thú vui ngày Tết của người xứ Quảng.

Ấn tượng đầu tiên của bánh bó là màu sắc sinh động. Màu trắng của bột nếp và cơm dừa, đỏ tươi của cà rốt và cà chua hài hòa với màu xanh mát của bí đao, điểm chút vàng của gừng rất bắt mắt. Bánh bó còn hấp dẫn bởi hương vị thơm ngon từ cái dẻo bùi của nếp, vị béo của cơm dừa, cái giòn sựt của cà rốt hòa quyện với vị ngọt thanh của bí đao, cái cay cay thơm dìu dịu của gừng. Thưởng thức bánh bó hẳn ai cũng nhận ra trong từng lát bánh nhỏ như có cả một trời hương sắc mùa xuân.

Bánh bó được người Quảng Ngãi chọn đặt lên bàn thờ tổ tiên, dọn mời khách trong các ngày xuân, làm quà gửi người đi làm ăn xa khi ra Tết. Đó là loại bánh giản dị mà thắm đượm tình quê của người xứ Quảng.

Phạm Tuấn Vũ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.