Khu vườn quá khứ Đồng Đình
Ngược chiều con dốc ngoằn ngoèo của đường Hoàng Sa để lên núi Sơn Trà (TP. Đà Nẵng), du khách sẽ trông thấy ngay dòng chữ to chênh vênh trên vách đá phía taluy dương: “Bảo tàng Đồng Đình”.
Đây là bảo tàng tư nhân được cấp phép xây dựng và hoạt động đầu tiên ở khu vực miền Trung. Nơi đây đã trở thành một địa chỉ tái hiện phong phú những giá trị văn hóa cổ xưa luôn gắn kết hài hòa, chặt chẽ với việc gìn giữ, bảo vệ nghiêm ngặt không gian sinh thái rừng đặc dụng quốc gia.
Để được trải nghiệm bốn khu trưng bày của bảo tàng, du khách sẽ men theo con đường thoai thoải lót đá chống trượt, vừa được nhìn xuống mặt đường cong cong uốn lượn, vừa ngắm mặt biển cùng với những đám mây vờn bất tận. Cánh rừng gần 10.000 m2 với nhiều loài cây cối hoang dã, trong đó có không ít cây đùng đình bản địa và do bảo tàng nằm lút trong màu xanh ngút ngát này nên chủ nhân của nó đã lấy loài cây họ cau đặt tên cho bảo tàng của mình.
Du khách đến bảo tàng dường như ai cũng có cảm giác mình đang lọt vào một khu vườn của ký ức bởi những mái nhà có lối kiến trúc vừa đơn giản, vừa độc đáo giữa núi rừng tĩnh lặng. Tùy theo độ cao, thấp của các tảng đá, bờ núi, bốn khu trưng bày của bảo tàng được thiết kế phù hợp nhằm phát huy tối đa lợi thế của thiên nhiên, giới hạn tối thiểu sự phá vỡ, biến dạng cảnh quan vốn có nên vẻ đẹp hoang sơ của cánh rừng được đảm bảo gần như nguyên vẹn.
Ngôi nhà rường trưng bày cổ vật gốm sứ. |
Không gian bảo tàng được chia thành bốn khu bao gồm: Ký ức làng chài; Nhà trưng bày dân tộc học; Nhà trưng bày cổ vật và Nhà các tác phẩm mỹ thuật, hội họa. Các hiện vật trưng bày tại Nhà ký ức làng chài chủ yếu gợi cho du khách về cuộc sống xa xưa của bà con ngư dân làng chài cổ Nam Thọ ở gần chân núi Sơn Trà.
Các hiện vật được tìm kiếm, sưu tầm từ làng chài cổ cũng như một số miền biển khác sẽ giúp người xem lần tìm về quá khứ để thấy sự lao động nhọc nhằn của một bộ phận ngư dân từ thuở xa xưa. Bộ sưu tập về dân tộc học đã tạo được ấn tượng đặc sắc về văn hóa buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng cao miền Trung, Tây Nguyên, thực sự là điểm nhấn tương thích với cảnh quan của núi rừng. Bên cạnh đó còn có một số vật dụng của bà con các vùng miền nông thôn của hàng trăm năm trước. Đậm chất văn hóa là hai ngôi nhà rường cổ được tạo dựng từ những bàn tay khéo léo của người thợ nổi tiếng làng mộc Kim Bồng, Hội An.
Nằm tĩnh lặng trong hai mái nhà rường ba gian nho nhỏ là những cổ vật gốm sứ có tuổi đời từ 100 đến 2.500 năm của nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt, thuộc các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Mạc, nhà Nguyễn. Có những cổ vật rất quý hiếm như khuyên tai hình lá liễu bằng đá, vòng kiềng chân bằng đá, chiếc đĩa gốm men lam đắp nổi hình cá chép lần đầu tiên được tìm thấy ở Việt Nam. Các cổ vật gốm Chămpa thời cổ đại được phát hiện trong lòng đất Kim Thành, Trà Kiệu, Duy Xuyên, Quảng Nam; đồ gốm Gò Sành, tỉnh Bình Định.
Nhà trưng bày các tác phẩm mỹ thuật lại có tính nghệ thuật khá cao bởi lối kiến trúc lạ mắt. Những tảng đá tự nhiên được thâm nhập hẳn vào bên trong nội thất ngôi nhà, tạo cho du khách cái cảm giác mới lạ, thích thú. Bên cạnh việc trưng bày tác phẩm nghệ thuật, nơi đây còn dành riêng không gian cho các họa sĩ sáng tác nhằm luân phiên thay đổi các bức hội họa để du khách luôn thưởng thức được cái mới mẻ của nét cọ.
Nhìn chung, lối kiến trúc của Bảo tàng Đồng Đình được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao về cảnh quan, môi trường sinh thái, rất hài hòa giữa thiên nhiên với sự tương tác vừa phải của con người. Bảo tàng Đồng Đình trông giống như một khu nhà vườn rậm rạp màu xanh mướt mát, một không gian xạc xào của gió núi, lượn lờ của mây trời và tiếng sóng biển ì ầm từ dưới vực sâu ở phía xa xa.
Xuôi theo độ dốc của sườn núi giữa khuôn viên Bảo tàng Đồng Đình là dòng suối Bụt trong vắt đêm ngày miên man róc rách. Nước suối đã tạo nên ba cái hồ nhỏ cho các loài cá đủ sắc màu tung tăng bơi lội. Những bông súng, bông sen lấp xấp trên mặt hồ phảng phất mùi hương thoang thoảng. Về chiều, tiếng ếch nhái núp ở hai bên bờ suối Bụt, dưới các hồ nước cất tiếng kêu tìm bạn, trên các cành cây cao lũ khỉ vàng nhảy chuyền lựa tìm nơi ngủ nghỉ sau một ngày lang thang gần chân núi kiếm ăn. Đêm buông xuống, Bảo tàng Đồng Đình đắm chìm trong ánh sáng yếu ớt giăng giăng với thứ âm thanh tự nhiên hòa trộn của núi rừng bán đảo Sơn Trà càng làm cho khu vườn tìm về quá khứ thêm thơ mộng.
Thái Mỹ
Ý kiến bạn đọc