Multimedia Đọc Báo in

Bản du lịch Vân Kiều trên dãy Trường Sơn

17:34, 24/05/2022

Ngay dưới chân núi Sa Mù thuộc phía bắc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị từ bao đời nay là đại ngàn thâm u, trầm mặc.

Rồi một ngày gần đây, thôn Chênh Vênh của xã Hướng Phùng như được “thổi” vào một luồng sinh khí mới khi được chọn làm làng du lịch của bà con dân tộc Vân Kiều. Có lẽ một trang sử mới đã bắt đầu những đổi thay nơi miền sơn cước.

Vùng đất này vốn là nơi cư trú của đồng bào Vân Kiều trên dãy Trường Sơn kiêu hãnh làm nên một biểu tượng của núi rừng bắc Hướng Hóa. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, ngay cả khi dưới xuôi, thậm chí ở Khe Sanh mưa rét giăng đầy thì chốn này vẫn trời xanh, mây trắng, nắng vàng và núi rừng thì xanh như huyền thoại, chưa kể dù xa trung tâm, đường sá vẫn thuận tiện, cũng là một lợi thế mà không phải nơi nào cũng có.

Thực ra cái tên Chênh Vênh vốn không xa lạ với nhiều người, nhất là dân phượt qua lại con đèo Sa Mù dài gần 20 km trên đường Hồ Chí Minh. Cuối năm 2021, rừng của thôn được một tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài công nhận là rừng bền vững đầu tiên ở Việt Nam. Tổ chức Y tế Hà Lan sang khảo sát và được sự đồng ý của chính quyền địa phương cũng đã triển khai dự án du lịch cộng đồng nhằm hỗ trợ bà con dân tộc Vân Kiều khai thác tiềm năng của địa phương để cải thiện cuộc sống.

Bản du lịch Chênh Vênh đang trong quá trình hoàn thiện xây dựng.

Người trực tiếp thực hiện công việc du lịch cộng đồng và hưởng lợi từ đó là những người dân địa phương vốn xưa nay vẫn sống hồn nhiên, phóng khoáng giữa núi rừng. Những người được coi là chủ nhân của đại ngàn nay phải từng bước làm quen với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, từ đó thích nghi dần với sinh kế mới khi dự án đang trên đường dần hoàn thiện. Họ chia sẻ tâm sự cũng rất chân tình, mộc mạc. Anh Hồ Văn Lý (thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng) sau khi kéo nhạc cụ cổ truyền cho nhóm nữ múa hát, vui vẻ cho biết dân bản đã tập dần với nếp sinh hoạt mới của bản làng bắt đầu học làm du lịch, cũng thấy bỡ ngỡ nhưng cố gắng để quen dần. Riêng chuyện nhiệt tình, hiếu khách thì bà con Vân Kiều có thừa, cái còn thiếu là kỹ năng. Chị Hồ Thị Thắng tâm tình: "Nhà tôi vẫn cố gắng sản xuất nông nghiệp để nuôi con cái học hành. Nhưng nay có thêm công việc mới là làm du lịch. Chưa quen nhưng ai cũng phấn khởi với công việc này và hy vọng tương lai sẽ khá hơn".

Người dân Chênh Vênh được xây dựng mới nhà cửa, họ trồng rau để phục vụ cho bữa ăn hằng ngày của mình và cả cho du khách, rồi trồng hoa để đổi thay diện mạo bản làng, thu hút người gần xa đến với mình. Họ tập lại các làn điệu dân ca với nhạc cụ truyền thống nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa cổ truyền và hướng đến du lịch. Từng công việc của bà con đã bắt đầu có kế hoạch với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương và ngành chức năng, không còn là hoạt động tự phát mà luôn hướng tới mục tiêu tạo dựng du lịch cộng đồng - một khái niệm còn quá mới mẻ không chỉ ở vùng cao. Anh Hồ Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng cho biết chính quyền địa phương sẽ sát cánh cùng với bà con trong buổi đầu làm du lịch cộng đồng, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Bên suối Chênh Vênh.

Người dân vẫn còn bỡ ngỡ nhưng cũng đã quen dần với những hoạt động bề nổi mang tính mục đích tạo nên một môi trường du lịch để chào mời du khách, kéo họ đến đây ăn ở, vui chơi, thưởng ngoạn và trải nghiệm với những điều kỳ thú, được sống chậm lại và ngắm nhìn những phong cảnh hùng vĩ, xinh đẹp của núi rừng hoang sơ, được lắng đọng với đại ngàn xanh thẳm, bỏ lại sau lưng phố xá ồn ào, náo nhiệt với nhịp sống nhiều khi với những vòng quay chóng mặt.

Quang cảnh bản làng Chênh Vênh đã khác trước rất nhiều dù dự án du lịch này đang tiếp tục hoàn thiện. Việc mới và khó, người dân thì chưa quen, chắc chắn sẽ còn nhiều việc phải giải quyết, nhiều khó khăn trước mắt và lâu dài sẽ phải vượt qua. Nhưng một khi có cơ hội thì phải mạnh dạn, trên dưới đồng lòng đồng sức mà làm mới mong có thành công. Vì đây là một hướng đi mang tính đột phá, cần một sự quyết tâm, vượt khó và cách làm bài bản thì “cây” du lịch  mới có thể “ra hoa kết trái”.

    Phạm Xuân Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.