Multimedia Đọc Báo in

Khi trần gian đón các vị thần

16:11, 24/05/2022

Với diện tích mặt nước gần 3.700 ha, hồ Tà Đùng ở tỉnh Đắk Nông được ví như “Vịnh Hạ Long” thu nhỏ trên Tây Nguyên.

Quả thật cảnh sắc nơi đây đẹp không gì tả nổi, mặt hồ quanh năm nước xanh trong, khoảng 40 hòn đảo to nhỏ nằm rải rác tạo thành bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, khoáng đạt. Mới đây, thông tin từ Sở Xây dựng Đắk Nông cho biết, tỉnh đã có chủ trương lập quy hoạch chung Khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tà Đùng Đắk Nông để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Sau khi đồ án quy hoạch chung được phê duyệt, Sở Xây dựng Đắk Nông sẽ phối hợp cùng các đơn vị đề xuất các khu vực để tiến hành kêu gọi đầu tư theo quy hoạch được duyệt. Việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều dư luận quan tâm không phải vì Khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tà Đùng được đầu tư lớn, có diện tích lên đến 23.500 ha mà là ý tưởng về việc quy hoạch Khu phức hợp thành 7 phân khu, mỗi phân khu mang tên một vị thần: thần Yang N’ru ( thần Tri thức), thần Ous (thần Lửa), thần Yang Koi (thần Nông nghiệp), thần Yang Luh (thần Đá), thần Yang Bri (thần Rừng), thần Yang Dah (thần Nước) và thần Yang Pnom (thần Núi).

Hồ Tà Đùng được ví như "Vịnh Hạ Long" ở Tây Nguyên. Ảnh: Internet

Hầu như dân tộc nào trên thế giới cũng có những câu chuyện thần thoại của riêng mình. Nhiều quốc gia và dân tộc, trong giai đoạn nào đó đã sản sinh cả kho tàng thần thoại khiến nhân loại nghiêng mình như thần thoại Hy Lạp. Trong mối quan hệ mờ ảo của tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo, các vị thần hiện ra như những quyền năng tối thượng dẫn dắt và bảo trợ con người đến với thế giới chân - thiện - mỹ và cũng là nơi chốn để con người soi mình vào đó đặng tìm kiếm niềm tin và hy vọng trong cõi nhân gian.

Với đồng bào Tây Nguyên, thế giới tinh thần nằm trong quan niệm “vạn vật hữu linh”. Nghĩa là bất cứ nơi đâu, từ trời đất, trăng sao đến dòng sông, cánh rừng, tảng đá... đều có các vị thần ngự trị. Thế giới ấy bao gồm các vị thần ở trên cao như thần Mặt trời, thần Mưa, thần Sét... và các vị thần ở xung quanh buôn làng như thần Cây, thần Suối, thần Đất... Nếu con người biết kính ngưỡng và ứng xử tốt đẹp thì các vị thần luôn dang tay che chở và phù hộ.

Đã từ lâu, cuộc sống phát triển, theo đà hiện đại, chúng ta bỏ rơi dần, thậm chí lãng quên những giá trị văn hóa truyền thống. Ở phía ngược lại, nhiều nét văn hóa đã biến tướng. Từ tâm linh, tín ngưỡng trở thành mê tín, cuồng tín, trở thành "mặt hàng thương mại" có thể mua bán, trao đổi. Chính vì thế, việc khôi phục những “chân giá trị văn hóa” là cách để chúng ta níu giữ một phần đời sống tinh thần nguyên thủy, tươi sáng và đẹp đẽ. Vì lý do đó, khi trần gian đón các vị thần, dù chỉ bằng cách đặt tên thì cũng đã là một ứng xử thuyết phục và đầy tính nhân văn.

Từng có thời kỳ chúng ta sao nhãng, để các tên làng, tên buôn, tên xóm biến mất, thay vào đó là những con số vô hồn: Thôn 1, thôn 2... hay các danh xưng rổn rảng đầy tính áp đặt: Quyết Tiến, Đồng Tâm, Xung Kích... Bây giờ, có lẽ là chưa muộn để chúng ta dần khắc phục, trả lại “nguyên trạng” văn hóa và ngôn ngữ mà chúng ta từng sở hữu.

Nhìn từ góc độ văn hóa, việc đặt tên các vị thần cho các phân khu chức năng thuộc đồ án quy hoạch Khu phức hợp du lịch, nghỉ dường, sân golf Tà Đùng ở tỉnh Đắk Nông là câu chuyện thú vị. Ở những không gian, công trình... tương tự, câu chuyện này cần được khuyến khích, nhân rộng.

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.