Multimedia Đọc Báo in

Đến Đà Lạt, luyến thương một chuyến tàu…

07:58, 12/06/2022

Thú thật, ban đầu tôi cũng chỉ định đến Ga Đà Lạt để thỏa mãn mong muốn được đi tàu lâu nay của cậu con trai 6 tuổi. Thế nhưng, khi đến đây, tôi lại bị cuốn hút bởi cái nhà ga độc đáo, ấn tượng và những câu chuyện lý thú về tuyến đường sắt răng cưa huyền thoại.

Thành phố ngàn hoa một ngày cuối tháng năm, mưa rả rích kèm chút se lạnh, tôi định chôn chân trong phòng khách sạn, qua cửa sổ ngắm sương mù lãng đãng trên những rặng thông xanh.

Thời tiết ẩm ương, nhưng vẫn có nhiều lữ khách đến tham quan Ga Đà Lạt nằm đầu đường Quang Trung. Nhà ga trầm mặc, cổ kính như chất chứa bao nỗi niềm. Tranh thủ khi tàu chưa chạy, du khách tranh thủ chụp ảnh nhà ga, mua đồ lưu niệm hay uống cà phê trên chính con tàu cổ năm xưa.

Đây được xem là nhà ga đẹp nhất cả nước, do một kỹ sư người Pháp thiết kế với kiến trúc duyên dáng, độc đáo, kết hợp phong cách châu Âu và kiểu nhà rông Tây Nguyên. Nhà ga có ba chóp nhọn, là biểu tượng tượng trưng cho núi Langbiang. Mặt trước nhà ga có mặt đồng hồ lớn ghi lại thời gian bác sĩ Yersin đã phát hiện ra Đà Lạt.

Đây là nhà ga cổ nhất Đông Dương, được khởi công từ năm 1932 và hoàn thành vào năm 1938. Ga này là điểm dừng cuối của tuyến đường sắt răng cưa độc đáo từ thị xã Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) đến thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).

Tàu hỏa động cơ hơi nước chạy trên đường sắt răng cưa tuyến Đà Lạt - Tháp Chàm năm xưa. (Chụp lại ảnh tư liệu)

Nhà ga Đà Lạt hiện nay đã không còn sử dụng để vận chuyển mà chủ yếu phục vụ du lịch. Đoàn tàu du lịch được thiết kế theo phong cách cổ điển, chạy êm ru, ghế ngồi sang trọng và thoải mái, chạy về Trại Mát với tuyến đường chưa đầy 10 km. Chỉ chừng 30 phút trên tàu, qua khung cửa sổ là một Đà Lạt mộng mơ và mang những nét riêng. Người đi tàu thỏa sức ngắm nhìn những cánh rừng thông xanh ngút ngàn, cảm nhận nhịp sống của thành phố qua hình ảnh những thị dân thư thái uống cà phê dọc đường ray. Hành trình đi tàu cũng đưa du khách qua những nông trại trồng rau, hoa, dâu tây chạy từ chân lên tận đỉnh đồi; chiêm ngưỡng những ngôi nhà hiện đại theo phong cách kiến trúc Pháp…

 

Ga Đà Lạt được công nhận là Di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia năm 2001 và ngày càng trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Du khách được đi tàu điện với toa xe cổ, chạy trên đường ray trượt đến với Trại Mát, tham quan chùa Linh Phước.

Ngược dòng lịch sử, năm 1901, Paul Doumer – Toàn quyền Pháp ở Đông Dương ký sắc lệnh lập tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt. Tuy nhiên, năm 1902, ông trở về Pháp, nên kế hoạch xây dựng đường sắt này bị ngừng lại. Mãi 10 năm sau, dự án mới được tái khởi động trở lại dưới thời của Toàn quyền Albert Sarraut. Để xây dựng tuyến đường sắt kỳ vỹ này, người Pháp đã tuyển hàng chục nghìn lao công trong cả nước. Từ năm 1912 – 1920, mới chỉ hoàn thành được 38 km từ Phan Rang đến Krông Pha dưới chân đèo Ngoạn Mục. Năm 1922, nhà thầu thi công đoạn từ Krông Pha lên Đà Lạt, là đoạn khó khăn, phức tạp nhất bởi phải làm đường sắt vượt qua những dãy núi cao cùng nhiều vực sâu, thác ghềnh. Công việc hiểm nguy, điều kiện sinh hoạt khổ cực, khí hậu khắc nghiệt cùng với thú dữ khiến hàng ngàn phu đường phải bỏ mạng.

Đến năm 1932, tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt chính thức hoàn thành với tổng chi phí hơn 200 triệu Francs. Tuyến đường này qua 9 nhà ga, 5 đường hầm xuyên núi, qua hai đèo cao là Ngoạn Mục và Đran, tổng chiều dài 84 km. Các tàu được vận hành bởi 11 đầu máy hơi nước nhãn hiệu HG 3/3 và HG 4/4, là loại đầu máy chuyên để vượt núi và chạy trên đường sắt răng cưa do Đức chế tạo. Đây là tuyến đường sắt răng cưa dài nhất và độc đáo nhất không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới.

Do chiến tranh tàn phá, đường sắt bị hư hỏng và ngưng hoạt động vào năm 1968. Sau ngày giải phóng, tuyến đường sắt được khôi phục, tàu đã kéo còi trở lại vào tháng 5/1975. Nhưng tàu chỉ chạy được chưa tới 30 chuyến thì phải chính thức ngưng chạy. Hệ thống đường sắt sau đó bị tháo dỡ, đa phần dùng để đại tu cho tuyến đường Bắc - Nam (đường sắt Thống Nhất), nhưng vì đoạn đường sử dụng đầu máy thông thường, không khớp với các bánh răng cưa. Cũng từ đó công trình lịch sử trở thành… đống sắt vụn.

Đầu tàu cổ được trưng bày tại Ga Đà Lạt.

Theo chia sẻ của cô hướng dẫn viên du lịch, ở châu Âu cũng có tuyến đường rắt răng cưa leo núi Furka nhưng đã bị ngưng sử dụng do đầu máy hơi nước hư hỏng nặng, không phục hồi được. Năm 1990, chuyên gia Thụy Sĩ đã sang tìm hiểu, nhận thấy giá trị rất lớn của những chiếc đầu tàu đang phơi sương tại Đà Lạt và tìm cách mua bằng được với giá 650.000 USD. Các đầu máy chạy bằng hơi nước, toa tàu và một số thiết bị khác được tu sửa và đưa vào khai thác, chở khách du lịch tuyến Furka - Bergstrecke, chinh phục dãy Alpes dài 25 km từ 1993 cho đến nay với vé khoảng 60 USD/lượt. Điều này để lại sự nuối tiếc rất lớn của nhiều người bởi tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt – Tháp Chàm có giá trị rất lớn về lịch sử, văn hóa và kinh tế.

Tôi nhờ một anh bạn làm báo nhiều năm ở Đà Lạt kết nối để gặp lại những nhân chứng đã từng gắn bó với cung đường sắt lịch sử năm xưa thì được biết đa phần họ không ở đây. Người lái tàu cuối cùng sống ở thành phố sương mù cũng đã mất đầu năm nay. Tôi tỏ ra tiếc nuối, hụt hẫng. Anh bạn chia sẻ thông tin: gần đây, một số doanh nghiệp đã thỏa thuận hợp tác chiến lược “Khôi phục tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt”. Dự án sẽ phục hồi nguyên trạng chiều dài tuyến đường sắt cổ này, với cung đường dài 84 km, được chia làm 17 trạm dừng, 6 trạm chính; khu vực nhà ga của từng trạm sẽ được thiết kế, xây dựng thành các điểm đến trải nghiệm với câu chuyện độc đáo của văn hóa bản địa cùng các sản phẩm du lịch cao cấp. Nhà đầu tư tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt sẽ thực hiện mô hình chuyến tàu di sản của Đông Dương, đưa du khách ngược dòng thời gian, đắm chìm, tương tác và sống lại thời kỳ văn hóa của hơn 100 năm trước.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.