Multimedia Đọc Báo in

Hẹn ngày trở lại miền sơn cước

08:07, 27/04/2023

Đã mười năm tròn kể từ ngày tôi đến công tác tại tỉnh Tuyên Quang. Mười năm với biết bao cung bậc của cảm xúc cũng đủ để ký ức phai màu. Vậy mà, chuyến đi ngược lên miền Đông Bắc chỉ có mấy ngày ngắn ngủi lại trở thành dấu ấn không thể nào quên.

Tôi nhớ như in ngày hôm đó. Bốn giờ sáng, khởi hành. Mới phố xá, đèn cao áp sáng rực, vậy mà ra khỏi địa phận Hà Nội trời tối om. Mải mê hát theo một điệu nhạc vui nhộn từ chiếc điện thoại tôi không nhớ sương xuống từ lúc nào. Xe chạy chầm chậm trên những cung đường bởi sương mù từng lớp dày đặc, trắng xóa như một ma trận. Ánh sáng duy nhất lúc này là đèn của những chiếc xe từ Hà Nội lên và từ Tuyên Quang xuống. Qua ánh đèn pha, tôi thấy rõ những hạt sương tinh nghịch bay la đà rồi mưa bắt đầu rơi lác đác. Tôi ngồi ngắm không chán mắt từng giọt nước trong vắt tròn như những hạt thủy tinh thi nhau nhảy múa trước mặt. Không biết chiếc ISUZU đã qua những nơi nào, thấm mệt nên tôi thiếp đi. Chợt tỉnh giấc vì xe quặt tay lái khi qua một khúc cua, tôi mở mắt nhìn quanh, chao ôi, màn sương tan biến hết, bất ngờ hiện ra khung cảnh miền sơn cước đẹp đến nao lòng. Đã đến đèo Khau Lắc. Ai đó nói rằng “du khách đến đây vào mùa hoa mận nở như lạc vào xứ sở của miền cổ tích trắng”. Đúng thật. Hoa mận phủ kín cả núi đồi mê hoặc tấm tình si của bao lữ khách để phút chốc tôi như thấy mình đang ở chốn bồng lai. Tôi cứ xuýt xoa tiếc nuối mãi vì đã không mang theo máy ảnh để kịp ghi lại khoảnh khắc đẹp mê hồn của loài hoa mong manh mỗi năm chỉ nở có một lần khi đông vừa tan và xuân đang tới.

Chúng tôi đến Lâm Bình khi đã sang đầu giờ chiều. Bữa cơm muộn tại nhà khách Huyện ủy có măng luộc, rau dớn xào tỏi, lẩu cá suối, cơm lam, gà nướng ăn kèm với muối ớt và các loại lá rừng. Chỉ có bấy nhiêu thôi, vậy mà không biết có phải vì mệt, vì đói hay vì những món ăn thấm đẫm hương vị dân dã, chân quê cùng với tiếp đón chu đáo, ân cần của các anh chị em trong Ban Dân vận mà ngon không thể nào diễn tả được.

Tạm biệt Lâm Bình, tôi theo Đoàn công tác Đắk Lắk đến huyện Na Hang. Chiều trên núi bình yên đến lạ. Nắng vàng như rót mật khắp bản làng của người Tày. Trên những mái nhà sàn lợp bằng lá cọ nằm im lìm trong thung lũng, từng làn khói lam mờ không bay lên được, cứ vương vấn, dùng dằng mãi rồi ở lại hòa lẫn với mây trời. Trong không gian thanh vắng bỗng vang lên tiếng mõ trâu lóc cóc, tiếng lợn kêu ủn ỉn, tiếng gà mái mẹ cục cục dắt bầy con đi kiếm mồi về. Tôi ngồi ngắm những vạt nắng cuối ngày loang nơi cánh cổng gỗ, lấp lánh trên con suối chảy róc rách, đậu qua những bông lau trắng bay phất phơ rồi dần biến mất cuối chân trời.

Những nếp nhà sàn của người Tày ở Na Hang (Tuyên Quang). Ảnh: Internet

Buổi sáng, trước khi chia tay Tuyên Quang về Hà Nội, trời bỗng nhiên lắc rắc mưa. Nhưng mưa thì có hề chi khi tôi đã mượn được chiếc dù để đến chợ phiên Đà Vị. Lần đầu đi chợ vùng cao, tôi thích thú ngắm nghía các loại sản vật núi rừng bày khắp chợ. Chỗ này bán rượu ngô, măng khô lưỡi lợn, thịt trâu gác bếp; chỗ kia bán mắm cá ruộng, cá bống suối, rau rừng... Bầu trời ảm đạm vì mây xám cứ chùng chình không muốn rời đi bỗng sáng bừng lên khi xuất hiện bóng dáng của các cô gái váy áo thổ cẩm rộn ràng xuống chợ. Chẳng biết những nụ hồng sơn nữ ấy mộng tưởng điều gì mà đôi má con gái cứ hây hây trong làn mưa bụi. Tôi đi về phía dãy hàng bán đủ thức quà, ngắm nghía, nhìn tới nhìn lui rồi mua mấy chiếc bánh đúc, món ăn đặc sản của người Tày Na Hang. Tôi đứng giữa chợ, chẳng thẹn thùng, hồn nhiên như con trẻ mở lớp lá chuối xanh ngắt đưa miếng bánh đúc màu trắng ngà lên miệng. Cắn thử, vị bột gạo mềm mịn, vị thịt băm dai dai, vị đậu phụng bùi bùi cùng vị nồng nồng của lá hẹ quyện mùi nước chấm chế biến theo khẩu vị truyền thống của người Tày sao mà ngon đến lạ lùng.

Đến tận bây giờ, khi đã thấu cảm được tấm lòng của những người Mông, người Dao, người Tày chân chất, mộc mạc lần đầu gặp gỡ; yêu đến mê mẩn vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên hoang dã như bức tranh ai vẽ ở nơi này, tôi mới hiểu vì sao những trang viết về đề tài miền núi thường có sức cuốn hút, lay động lòng người đến vậy.

Ngày tháng qua mau. Giữa mớ kỷ niệm đầy ắp không đầu không cuối, đôi lúc hiện lên gương mặt thơ ngây, trong trẻo của em bé người Tày nấp sau lưng mẹ trong buổi sáng ở chợ phiên; đôi lúc hiện lên buổi chiều nắng nhạt, những bông cải bé xíu cứ mải mê vàng rực giữa các phiến đá bên hiên nhà của người Dao Tiền; đôi lúc cảm nhận thật rõ ràng mùi vị những món ăn bình dị trong bữa cơm đầu tiên ở Lâm Bình, có cả những gần gũi, thân thiết của các đồng nghiệp ở Ban Dân vận Tỉnh ủy Tuyên Quang.

Sẽ có ngày tôi trở lại gặp những ân tình như lời đã hẹn. Trong hành trang lần này, nhất định sẽ có thêm một chiếc dù, để lỡ trời có đổ mưa tôi vẫn đến được chợ phiên Đà Vị nếm lại món bánh đúc ngon như một thuở nào.

Mai Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.