Multimedia Đọc Báo in

Điện Hòn Chén trong tâm thức người Huế

13:10, 26/04/2023

Điện Hòn Chén là ngôi điện đặc biệt có một vị trí quan trọng trong suy nghĩ, tâm linh của người dân xứ Huế và là ngôi điện duy nhất ở Việt Nam có sự kết hợp giữa nghi thức cung đình nhà Nguyễn và tín ngưỡng dân gian.

Nguồn gốc, tên gọi và những giai thoại

Trước khi có tên gọi Điện Hòn Chén, nơi đây là ngôi điện cổ xưa của người Chăm Pa, thờ nữ thần Po-Inư-Nagar, tọa lạc ở núi Hương Uyển, làng Ngọc Hồ, xã Hương Hồ, Hương Trà, Thừa Thiên (làng Ngọc Hồ, phường Hương Hồ, thành phố Huế ngày nay). Theo tiếng Chăm Pa, Inư có nghĩa là “mẹ”, Po-Inư-Nagar là vị nữ thần được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển, người tạo dựng ra trái đất, sản sinh ra gỗ quý và lúa gạo. Theo phiên âm Hán tự sau này gọi là Thiên Y Thánh Mẫu Ana (mẹ xứ sở). Từ trên nhìn xuống Hương Uyển sơn có chỗ đất trũng đường kính vài mét, chung quanh có vòng đá dựng như bờ giếng, hễ gặp mưa thì đọng lại trông giống như chén đựng nước trong veo, cho nên có tên gọi núi Chén Ngọc (Ngọc Trản) và dân gian gọi là Hòn Chén.

Trong dân gian lưu truyền câu chuyện vua Minh Mạng (vị vua thứ hai triều Nguyễn trị vì từ năm 1820 đến năm 1840) trong một lần vi hành lên đây đã đánh rơi chén ngọc xuống dòng sông Hương, nhà vua tưởng không thể tìm lại được thì bỗng có một con rùa lớn bằng chiếc chiếu ngậm chén nổi lên đưa lại cho vua. Cũng từ đây dân gian còn có tên gọi khác là “Hoàn Chén”. Tuy nhiên trong cứ liệu sắc phong chính thức của các vua Nguyễn thì ngôi điện với tên gọi chính thức là Ngọc Trản Sơn Từ (đền thờ ở núi Ngọc Trản).

Điện Hòn Chén. Ảnh: Internet

Người Huế còn truyền tụng với nhau câu chuyện liên quan đến vua Thiệu Trị (vua thứ ba của triều Nguyễn trị vì từ năm 1840 đến 1847). Khi vua vãn cảnh non nước cùng các cung phi ở dòng Hương khu vực trước điện, một hoàng phi đã làm rơi chiếc ống nhỏ bằng vàng xuống dòng. Vì tiếc báu vật cũng như kỷ vật của vua sủng ái ban tặng bà đã khuyên vua khấn Thiên Ana Thánh Mẫu xin tìm lại đồ vật. Ban đầu vua giải thích đây là vùng nước sâu, vàng thì nặng, nước đang chảy thì tìm sao được, tuy nhiên chiều lòng cung phi vua làm theo, bất ngờ ống nổi lên mặt nước.

Sau khi tức vị năm 1886, vua Đồng Khánh (vị vua thứ chín của triều Nguyễn trị vì từ năm 1885 đến năm 1888) cho xây dựng đền một cách khang trang, làm thêm nhiều đồ tự khí để thờ và đổi tên Điện Hòn Chén thành Huệ Nam Điện (tức “Ân huệ cho nước Nam, vua Nam”). Trong cuốn Nguyễn Phúc tộc thế phả có ghi: “Năm Ất Dậu (1885), kinh thành Huế bị Pháp tấn công, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra Bắc, Nguyễn Văn Tường ra đầu thú với Pháp. Nhưng sau hai tháng ông Tường không thể đưa vua Hàm Nghi trở về nên người pháp đã đày sang Tahiti, Tổng đốc Hà Ninh là Nguyễn Hữu Độ được Pháp triệu tập về Kinh đô thay thế cho Nguyễn Văn Tường để chủ tọa viện Cơ mật. Ông Nguyễn Hữu Độ thương lượng với Pháp với sự đồng ý của Lưỡng cung truất phế vua Hàm Nghi và lập ngài lên làm vua. Tháng 8 năm Ất Dậu, ngài lên ngôi ở Điện Thái Hòa, lấy niên hiệu là Đồng Khánh… Lúc ngài còn là Hoàng tử hay đến cầu khẩn tại đền Ngọc Trản, xin nữ thần Thiên Y Ana phù hộ và xem mình có thể cầm quyền trị nước không. Trong một buổi hầu đồng, thần cho biết năm lên ngôi và cả năm mất nữa. Sau khi lên ngôi, ngài đã đổi thành Điện Huệ Nam tự nhận là đệ tử của Thần, các lễ tế tại điện thành quốc lễ. Theo di chúc của ngài, về sau người ta đã thờ ngài ở Điện Huệ Nam, thờ cùng 6 vị tướng quân” (trang 377, 378).

Sự kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian

Xuất phát từ tên gọi Huệ Nam Điện với điều lạ kỳ dưới thời vua Đồng Khánh, đưa những cuộc lễ ở đây vào hàng quốc lễ và tự nhận mình là đồ đệ của Thánh Mẫu, nhà vua thường gọi Thánh Mẫu bằng “chị” và xưng “em”. Theo nguyên tắc vua là “thiên tử” đứng trên cả thánh thần trong giang sơn mình quản lý, chỉ dưới cung bậc càn khôn, và chỉ lễ tế ở Đàn Nam Giao nhằm khẳng định tính chính thống của triều đại, uy quyền vương triều tuân theo mệnh trời mà cai trị dân chúng. Từ Huệ Nam Điện đã hình thành nên sự kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian; giữa lễ hội và đồng bóng; giữa văn hóa tâm linh và mê tín dị đoan đã hằn sâu trong tâm thức xứ Huế hàng trăm năm nay.

Nghi lễ tại Điện Hòn Chén rất long trọng. Ảnh: Internet

Nghi lễ tại Điện Hòn Chén rất long trọng, vùng này thuộc làng Cát Hải, huyện Hương Trà, dân làng tổ chức tế tại đình trước ngày chánh lễ có lễ nghinh thần trong làng về đình. Đám rước Thiên Ya Na Thánh Mẫu từ Huệ Nam tổ chức trọng thể hơn cả. Lễ hội giống như một festival về văn hóa dân gian trên sông Hương, tấp nập những thuyền kết đôi lại, cờ phướn, hương án đủ các màu sắc, hành hương về Điện Hòn Chén, nơi thờ Thánh Mẫu. Tại khu vực điện sẽ diễn ra Thánh Mẫu tuần du làng, lễ tế làng Cát Hải, lễ cung nghinh Thánh Mẫu Hồi loan về điện, phóng sanh, phóng đăng… Đám rước cử hành trên những cặp thuyền kết lại, trên mỗi thuyền có bàn thờ Thánh Mẫu cùng với long kiệu. Trên long kiệu có hòm sắc của vua ban Thánh Mẫu, thêm vào đó có kiệu và hòm sắc nhị vị Thượng Ngàn và Thủy Cung Thánh Mẫu. Sau cùng là những chiếc thuyền chở các tự khí, tàn tán cờ quạt. Long kiệu các Thánh Mẫu là kiệu thêu, do các trinh nữ trang phục sặc sỡ khiêng, còn lại các bà già mang bình hương, ống trầu, bình trà, hòm đựng trang sức, cờ, biển, tà, lộng, gối, quạt… Các thanh niên vác các đồ lễ bộ, bát bửu, các đồ tự khí khác. Đám rước đầy màu sắc rực rỡ, không khí trang nghiêm. Khi đoàn cập bến, đám rước chuyển lên bộ, đi đến đình làng Cát Hải, có phường bát âm đi sau. Lúc đoàn khởi hành từ bến nước Huệ Nam Điện, các bà đồng cùng nhau lên đồng ngay ở chiếc có bàn thờ Thượng Thiên Thánh Mẫu. Những cuộc lên đồng, hầu bóng tiếp tục cho đến đến khi đoàn thuyền tới bờ. Dân làng đi theo đám rước cùng với các thiện nam, tín nữ. Nghinh thần xong, dân làng làm lễ Túc Yết (yết kiến kính trọng) theo nghi thức cổ truyền. Suốt đêm, trên thuyền ở sông Hương cho đến khi rước về đình làng là các cuộc hát thờ, hầu đồng, hầu bóng. Sáng ngày hôm sau là chánh lễ, tổ chức từ 2 giờ đến 5 giờ sáng.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, những biến cố vương triều nhưng di tích Điện Hòn Chén và lễ hội luôn được người dân xứ Huế tôn tạo và gìn giữ. Những năm gần đây, đặc biệt từ sau 1993 cụm di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, lễ hội này được tôn tạo, phục hồi theo tập tục truyền thống mang đậm màu sắc văn hóa dân gian địa phương. Lễ hội Điện Hòn Chén còn được gọi là lễ Vía Mẹ, không chỉ là của những tín đồ Thiên Tiên Thánh Giáo mà còn là của những người theo đạo thờ Mẹ, đạo hiếu, bổn phận làm người. Theo ý nghĩa đó, việc thực hiện lễ hội Điện Hòn Chén là phục hồi giá trị văn hóa truyền thống, đậm sắc màu xứ thần kinh. Du khách đến Huế tham quan không chỉ chiêm ngưỡng xứ sở thiên nhiên hữu tình, thơ mộng mà còn tìm hiểu văn vật triều đại nhà Nguyễn, trong đó cùng với những công trình đền đài kiến trúc còn có cả những lễ hội linh thiêng, quy mô như lễ hội Điện Hòn Chén được tổ chức vào tháng 7 âm lịch hằng năm.

Võ Hữu Lộc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.