Người Việt ở Udon Thani
Udon Thani, một tỉnh miền đông bắc Thái Lan được mệnh danh là "Thủ đô của người Thái gốc Việt" vì ở đây có số lượng lớn người Việt đến định cư.
Đến thành phố Udon Thani, bạn sẽ tìm thấy các quán ăn Việt Nam ở hầu hết các con phố. Người Việt sinh sống đông đúc trong cộng đồng Bản Chik ngay giữa Udon Thani và rải rác khắp nơi trong tỉnh. Udon Thani còn được biết đến là nơi tập kết quân đội chống Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện tại Udon Thani có cả Khu Nghiên cứu và du lịch lịch sử Hồ Chí Minh.
Khu Nghiên cứu và du lịch lịch sử Hồ Chí Minh cách trung tâm Udon Thani khoảng 10 km, nằm sâu trong một không gian yên tĩnh, có một tòa nhà bảo tàng lớn. Trước sân là bản sao ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở, hội họp, cũng là trường dạy học và huấn luyện quân đội của Người.
Khu Nghiên cứu và du lịch lịch sử Hồ Chí Minh tại Udon Thani. |
Chúng tôi gặp ông Pom - Atthaphon Ruangsirichoke, giảng viên Khu Nghiên cứu và du lịch lịch sử Hồ Chí Minh. Ông là người Thái gốc Việt thế hệ thứ năm nếu tính từ các thế hệ tổ tiên di cư từ Việt Nam, có tên tiếng Việt là Văn Viết Thành. Ông Pom kể: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Udon Thani. Cha mẹ tôi sinh ra ở Sakon Nakhon nhưng ông cố và ông nội của tôi đều là người Việt Nam”. Quê nội ông Pom ở huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh), gần cửa khẩu biên giới Việt – Lào; ông cố của ông đã chuyển sang làm việc ở Viêng Chăn, Lào trong thời thực dân Pháp cai trị ba nước Đông Dương. Sau thế chiến thứ hai, gia đình ông Pom cùng nhiều người Việt ở Lào đã di cư đến đất Thái. Bên kia sông Mê Kông đối diện Viêng Chăn là vùng đông bắc Thái Lan. Các tỉnh ven sông Mê Kông ở miền Isaan đã trở thành điểm đến của kiều dân Việt Nam muốn tạm thời thoát khỏi nguy cơ chiến tranh. Khu vực sơ tán chính là từ phía Thakhek thuộc Lào đến Nakhon Phanom thuộc Thái Lan; từ Viêng Chăn đến Nong Khai và mở rộng sinh sống từ Nong Khai đến Nakhon Phanom, Mukdahan và Sakon Nakhon, những nơi cách bờ sông Mê Kông hàng trăm cây số.
Hầu hết người Việt vượt sông Mê Kông đến Thái Lan không ai nghĩ rằng mình sẽ định cư ở Thái Lan mãi mãi. Họ chỉ muốn nơi ẩn náu tạm thời trước chiến tranh. Như lời ông Pom thổ lộ rằng: "Ước mơ lớn nhất của ông bà tôi là được trở về Việt Nam". Thời gian “tạm bợ” cứ trôi qua cho đến ngày lực lượng Việt Minh đánh bại quân Pháp trong trận Điện Biên Phủ năm 1954, Hiệp định Genève chia Việt Nam thành hai miền Bắc - Nam dọc vĩ tuyến 17; song kết thúc cuộc chiến chống Pháp, Việt Nam và các nước Đông Dương lại bước ngay vào một cuộc chiến khác: chống quân xâm lược Mỹ.
Lúc ấy, dù vẫn đang trong chiến tranh nhưng đã có một thỏa thuận giữa Hội Chữ thập đỏ Thái Lan và Hội Chữ thập đỏ Bắc Việt vào năm 1959 để gửi khoảng 48.000 người tị nạn Việt Nam hồi hương. Trên thực tế, có đến 70.000 người đã bày tỏ mong muốn quay trở lại cố quốc và ước tính con số thực tế, có lẽ có nhiều người Việt muốn về nước hơn thế.
Cuộc hồi hương đầu tiên của người Việt diễn ra từ năm 1960 đến năm 1964, với 45.000 người Việt trở về nước. Đợt thứ hai gồm 36.000 người dự kiến sẽ được gửi trở lại vào năm 1965, nhưng con đường về nhà đã bị đóng cửa do giao tranh ở Việt Nam ngày càng gia tăng sau khi Mỹ xâm lược phá hoại miền Bắc Việt Nam. Sự việc này khiến ước mơ trở về quê hương của nhiều người không bao giờ thành hiện thực để rồi đến cuối đời đã nằm lại trên đất Thái.
Ông Pom tại Khu Nghiên cứu và du lịch lịch sử Hồ Chí Minh. |
Từ các tỉnh ven sông Mê Kông, cộng đồng người Việt dần dần di chuyển sâu hơn vào các tỉnh có nền thương mại sầm uất và nằm ở trung tâm vùng Isaan như Khon Kaen và Udon Thani. Người Việt ở Thái Lan sống cùng nhau trong cộng đồng rất đoàn kết. Họ báo tin tức cho nhau nếu biết vùng nào kiếm sống tốt. Họ hành nghề mà họ được phép làm, tuy nhiên bị nhiều hạn chế như: không được sở hữu đất đai, không thể làm nông nghiệp, Việt kiều ở Thái phải chuyển sang buôn bán, làm thợ mộc, may quần áo, nấu món ăn… Những nghề nghiệp này giúp họ tích lũy vốn và mở rộng sang nhiều lĩnh vực kinh doanh khác phù hợp với xu hướng phát triển ở Thái Lan. Nhiều người Việt ở Thái Lan ăn nên làm ra, có của cải để lại cho con cháu.
Cùng với sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của chính quyền Thái Lan, chính sách khắt khe đối với người Việt nhập cư cũng dần được nới lỏng. Nghị quyết của nội các Thái Lan vào ngày 29/5/1990 đã trao quyền công dân Thái Lan cho con cái của người Việt nhập cư, từ "người Việt nhập cư" dần biến mất, thay vào đó là từ "Người Thái gốc Việt".
Kinh tế ở Udon Thani hiện rất phát triển, cuộc sống của người Việt nơi đây cũng rất tốt. Trẻ em người Thái gốc Việt vẫn được học tiếng Việt song song với tiếng Thái; bản sắc Việt vẫn được giữ gìn mà vẫn thích ứng với xã hội Thái Lan hiện đại. Chia tay ông Pom, chúng tôi rất tâm đắc lời tâm sự của ông: Bản sắc Việt Nam chính là ngôn ngữ, vì vậy người Thái gốc Việt nơi đây vẫn cố gắng giữ gìn tiếng nói của mình bởi luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ rằng: Dù bạn sinh ra ở đâu trên thế giới nhưng đừng quên rằng dòng máu trong cơ thể bạn vẫn mang là dòng máu Việt Nam.
Khăm Kẹo Tha Na Sủn Thon
Ý kiến bạn đọc