Về làng cổ Lộc Yên ăn ốc đá xào lá chanh miệt vườn
Có người từng bảo, nếu đến làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) thì nên chọn tháng 3, tháng 4 dương lịch là đẹp nhất bởi thời điểm cuối xuân, đầu hạ, vạn vật sinh sôi, cây cối đâm chồi, nảy lộc.
Anh bạn người Tiên Phước thì nhấn mạnh Lộc Yên cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đều mang vẻ đẹp riêng nhưng thú nhất là đến Lộc Yên còn được thưởng thức nhiều món ăn dân dã theo mùa.
Ngày hè nắng nóng không thể thiếu gỏi bồn bồn, mít trộn, bánh xèo ong; mùa đông tiết trời mưa lạnh, thực khách sẽ ấm lòng với món gà nướng miệt vườn, thịt heo luộc nóng hổi thưởng thức cùng với cơm gạo mùa xáo với ít khoai lang khô hoặc mít già, mít chua phơi khô… Còn vào những ngày cuối xuân đầu hạ này, món ốc đá xào lá chanh miệt vườn lại làm xao động nhiều thực khách phương xa.
“Ốc đá xào lá chanh - một đĩa, các cô ăn thử nhé!” - bác chủ quán tóc lấm tấm sợi đen, sợi trắng thân thiện mời chào chúng tôi món đặc sản nơi đây. Lần đầu thưởng thức ốc đá xứ Tiên, tôi mới hiểu vì sao một người bạn đã từng nói “về Lộc Yên không ăn ốc đã coi như tiếc một chuyến đi”.
Các hàng quán tại Lộc Yên chỉ chọn duy nhất một loại ốc được người "sành ốc" xứ Quảng cho là ngon nhất là ốc đá sống tại sông Tiên. Ốc đá sông Tiên hầu như có quanh năm, nhưng vào độ cuối xuân đầu hạ, khi tiết trời dần trở nên ấm áp cũng là thời kỳ mà ốc đá chuẩn bị sinh sản, nên lượng ốc nhiều hơn hẳn, và cũng là thời điểm thân ốc đá “đầy” nhất, thịt ngon ngọt nhất.
Theo kinh nghiệm, những con ốc sống ở khu vực có nhiều cát thì sẽ ngon, sạch hơn. Có hôm ốc “lên bờ” nhiều, nằm từng chùm, bám trên đá, bò trên cát, người dân cứ thế mà thu hoạch. Tuy nhiên, người dân chỉ bắt những con to, con nhỏ chừa ra để ốc lớn và sinh sản.
Chủ quán ốc ở làng Lộc Yên thân thiện mời chào khách món đặc sản nơi đây. |
Sau khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp mộc mạc, yên bình của ngôi làng cổ, còn gì bằng khi được thưởng thức một đĩa ốc đá xào lá chanh miệt vườn nóng hổi. Không giống như món ốc ở bất cứ nơi nào, ốc đá xào Lộc Yên có vị đặc trưng của miền núi xứ Quảng đầy nắng và gió. Hương thơm nức mũi từ dĩa ốc làm mê mẩn kể cả những ai đã từng nhiều lần thưởng thức...
Để thực khách tận hưởng được mùi vị thơm ngon, chất béo ngọt, cay xè tan dần nơi đầu lưỡi, người chế biến tuân thủ các bước như: ốc mới bắt về phải làm cho nó nhả sạch hết bùn đất trong ruột, chặt hết phần đuôi ốc.
Dùng sả, ớt tươi xắt nhỏ cùng với nhiều gia vị khác trộn đều, đặc biệt không thể thiếu những tép sả đập dập hoặc lá chanh thái nhỏ cho có mùi thơm. Trước khi xào chừng mười, mười lăm phút, dùng nước dừa tươi rưới một ít lên ốc trộn đều (bí quyết để thịt ốc trắng, ngọt, hấp dẫn). Nồi ốc lẫn lộn sả, ớt đỏ tươi, lá chanh với hơi nóng bốc lên, như muốn kích thích mọi giác quan của bất cứ ai.
Những người con làm ăn về thăm quê, cả thực khách địa phương, và nhất là lữ khách phương xa được thưởng thức ốc đá xào lá chanh miệt vườn đều rất hài lòng. Không cần đợi lâu, chỉ dăm phút là đã có món nhâm nhi, một đĩa ốc nóng hổi, một chiếc bánh tráng nướng.
Hương vị giòn tan của bánh tráng nướng vàng chìm trong vị ngọt, béo nhẹ của ốc, thêm đủ các vị cay của lá chanh - sả - ớt. Vừa ấm bụng, vừa thấm cái chất mộc mạc, dân dã lại được trò chuyện vui vẻ bên những người bạn thân thiết đúng là bữa ăn ngon không gì bằng.
Quả thực, cũng chỉ là đĩa ốc thôi mà sao xa rồi vẫn còn nhớ mãi…
Phan Thị Thanh Ly
Ý kiến bạn đọc