Multimedia Đọc Báo in

Về Bến Tre, viếng đền thờ “vị tướng bưng biền” Đồng Văn Cống

08:49, 03/09/2024

Ở huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) có đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống (1918 – 2005), thường được gọi một cách trìu mến là “vị tướng bưng biền”.

Đồng Văn Cống sinh ra và lớn lên tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Từ trẻ ông đã sớm giác ngộ cách mạng và bắt đầu hoạt động bí mật từ năm 1936. Đến năm 1939, Đồng Văn Cống được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam vào năm 1946. Sau khi thực dân Pháp chiếm Bến Tre, Đồng Văn Cống là người khởi xướng, lãnh đạo đội du kích xã Tân Hào.

Khi thành lập, đội du kích Tân Hào chỉ có khoảng 30 người với 4 súng lửa, mấy quả lựu đạn tự tạo, bắt đầu phục kích, tiêu diệt quân Pháp tại cầu Ba Ngởi. Đội du kích của ông càng đánh càng tạo được tiếng vang lớn, tác động mạnh đến tinh thần chiến đấu của nhân dân, thu hút đông đảo thanh niên địa phương xin gia nhập vào đoàn quân “Bộ đội ông Cống”.

Dần dần, đội du kích Tân Hào phát triển làm nòng cốt hình thành Chi đội 19 và Trung đoàn 99. Trung đoàn do Đồng Văn Cống chỉ huy đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các đơn vị chủ lực cho Khu 8, nổi bật nhất có Tiểu đoàn 307 anh hùng vang danh cả nước.                              

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve tháng 7/1954 lập lại hòa bình, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương được ký kết. Đồng Văn Cống được lệnh tập kết ra Bắc, sau đó ông trở về chiến trường miền Nam chiến đấu vào năm 1963.

Trong hai cuộc kháng chiến, Trung tướng Đồng Văn Cống đã đảm nhận nhiều vai trò quan trọng và có đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang Việt Nam. Ông đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ: Tỉnh đội trưởng Bến Tre; Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330; Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn, các Quân khu 7, 8, 9; Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam từ năm 1965 – 1972; Phó Tổng Thanh tra Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông được nhân dân ca ngợi là "vị tướng bưng biền" và được tôn xưng là người anh cả của lực lượng vũ trang Bến Tre.                            

Đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống.

Con trai đầu lòng của ông là Đồng Văn Đe, phi công của Không quân nhân dân Việt Nam từng bắn rơi nhiều máy bay địch, đã hy sinh trong khi không chiến với máy bay Mỹ trên bầu trời Phú Thọ, Tuyên Quang năm 1967.

Đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống được khởi công xây dựng vào năm 2008 và khánh thành, đưa vào hoạt động từ ngày 30/7/2009. Ngôi đền tọa lạc ở xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, cách TP. Bến Tre khoảng 18 km; được xây dựng khang trang, hiện đại nhưng vẫn mang phong cách của kiến trúc đình làng  truyền thống Nam Bộ.

Ngôi đền nằm trên trên một khu đất  rộng hơn 10.000 m2 gồm các hạng mục như: cổng tam quan, đền thờ chính, nhà trưng bày và các cảnh quan phụ (cây xanh, hoa kiểng, đường nội bộ).

Cổng tam quan với hai cửa phụ và một cửa chính được xây dựng rộng rãi, phần mái đền thiết kế theo kiểu uốn cong đầu đao, lợp ngói vảy cá và trang trí các bức phù điêu lưỡng long triều nhật ở phía trên.

Trong chính điện Đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống có Bằng phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Bằng xếp hạng di tích và quyết định công nhận là Di tích lịch sử danh nhân văn hóa, lịch sử của tỉnh Bến Tre.

Đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ, nhắc nhớ đến công ơn của lớp cha ông đi trước đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Hoàng Thám    


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.