Về thăm phố cảng
Hải Phòng được mệnh danh là “thành phố Hoa phượng đỏ”. Tôi đến vào dịp đầu thu nên chỉ còn lác đác những chùm hoa phượng cuối mùa sót lại. Nhưng cả thành phố vẫn rực một màu đỏ khác, màu cờ bởi cả thành phố chào đón ngày Tết Độc lập 2/9...
Lành và Khoa là cặp vợ chồng tôi mới quen, lấy ô tô chở tôi một vòng quanh thành phố. Lành bảo: “Mấy năm gần đây du lịch Hải Phòng khởi sắc lắm anh. Từ miền Nam, miền Trung, đặc biệt ở Tây Nguyên, nơi không có biển người ta ra đây du lịch nhiều lắm”. Điều Lành nói tôi đã biết. Chuyện du lịch từ Tây Nguyên ra đây bây giờ quá dễ, chỉ cần một chuyến bay…
Hải Phòng thực sự là thành phố cảng sầm uất. Không sánh được với thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhưng so với các đô thị lớn khác thì Hải Phòng hơn hẳn. Ví như quy mô kinh tế, Cần Thơ ước xấp xỉ 120 nghìn tỷ đồng, Đà Nẵng khoảng 135 nghìn tỷ đồng thì Hải Phòng đạt hơn 400 nghìn tỷ đồng. Nhìn bộ mặt đô thị với cảng biển nhộn nhịp, các khu công nghiệp ken dày, đường phố rộng rãi nhiều làn xe, đường cao tốc ngược xuôi rẽ nan quạt về các tỉnh thành chung quanh như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh… lúc nào cũng tấp nập các đoàn xe siêu trọng là đủ thấy một Hải Phòng năng động và phát triển mạnh mẽ.
Thành phố Hải Phòng rực màu cờ đỏ trong dịp lễ 2/9. |
Nhưng đến Hải Phòng không chỉ để cảm nhận một thành phố trên đà tăng tốc về kinh tế mà còn để chiêm ngắm những danh thắng, di tích lịch sử - văn hóa có giá trị nhiều mặt. Giữa trung tâm thành phố vẫn còn những công trình kiến trúc thời Pháp như ga Hải Phòng, Nhà Văn hóa, nhất là Bảo tàng Hải Phòng – nơi còn khá nguyên vẹn kiến trúc cổ và trưng bày nhiều di vật quý hiếm trải dài qua các triều đại phong kiến. Ra khỏi trung tâm thành phố là hàng loạt những ngả đường dẫn về các điểm tham quan du lịch, di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng. Về huyện Thủy Nguyên có bãi cọc Bạch Đằng Giang lừng lẫy chiến công đánh tan giặc phương Bắc bằng hàng trăm chiếc cọc gỗ lim cắm sâu dày đặc trên sông.
Ghé đảo Cát Bà thuộc huyện Cát Hải là nơi có vịnh Lan Hạ, tôi không thể không trầm trồ trước một Cát Bà xanh ngắt, điệp trùng đan xen rừng với biển. Vịnh Lan Hạ với gần 400 hòn đảo lớn nhỏ, những làng chài xinh xắn với nghề nuôi cá bè, nước xanh ngằn ngặt phản chiếu mây trời.
Về quận Đồ Sơn có bãi tắm Đồ Sơn tấp nập du khách, có tháp Tường Long phỏng dựng 9 tầng trên đồi cao, gần sát với nền móng tháp Tường Long cổ có tuổi đời gần 10 thế kỷ.
Chùa Hang gần đó, sát bãi tắm Đồ Sơn cũng độc đáo không kém, truyền ngôn cho hay đây là nơi Phật giáo du nhập vào Việt Nam sớm nhất. Tôi cũng đã tranh thủ chuyến tàu du lịch cuối ngày ra thăm Hòn Dấu, một hòn đảo chỉ cách bãi tắm Đồ Sơn chưa đầy 1 km nhưng ít người biết.
Theo các nhà địa chất học thì Hòn Dấu xưa kia nối liền với đất liền Đồ Sơn. Một thời kỳ nào đó do đứt gãy địa chất, một phần đất liền bị trôi dạt, biển chia cắt trở thành đảo Hòn Dấu. Trên Hòn Dấu có nhiều điểm tham quan thú vị như đền thờ Nam Hải Đại Vương, ngọn hải đăng xây dựng từ thời Pháp. Do môi trường đặc biệt mà Hòn Dấu còn lưu giữ được quần thể cây đa búp đỏ với tuổi đời hàng trăm năm, được công nhận là quần thể cây di sản.
Tháp Tường Long. |
Lành và Khoa cũng tranh thủ chở tôi đi thưởng thức đặc sản ẩm thực ở thành phố cảng. Nói về hải sản thì Hải Phòng không thua kém những vùng biển khác, tôm, cua, cá, mực phong phú; nhiều, ngon và rẻ nhất là con bề bề (miền Trung gọi là tôm tít). Song, nếu gọi tên món ăn nổi tiếng ở đây thì tôi sẽ chọn hai món ăn bình dân rất được chuộng là món bún cá cay và bánh đa cua.
Tạm biệt Hải Phòng với rất nhiều ấn tượng. Và khi tôi viết bài này thì cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão vừa tràn qua gây thiệt hại rất lớn cho thành phố cảng và các tỉnh phía Bắc. Xót xa nhìn những hình ảnh về thiệt hại do bão, tôi gọi điện cho vợ chồng Khoa và Lành. Lành nói: “Từ nhỏ đến lớn em chưa bao giờ thấy cơn bão nào khủng khiếp đến vậy. Thiệt hại lắm nhưng Hải Phòng quê em sẽ lại đứng lên. Rồi lúc nào đó anh ra, sẽ lại có những ấn tượng mới về một thành phố cảng biển tươi đẹp và mến khách”...
Triều Nguyễn
Ý kiến bạn đọc