Ai về bên bến My Lăng
Về sông Kôn (An Nhơn, Bình Định) mới thấy, bàng bạc cảnh vật - lòng người là hình bóng Yến Lan tiên sinh với thi phẩm "Bến My Lăng" bất hủ. Với nhiều người, những bến nước dọc bờ sông Kôn hình như đều là... bến My Lăng. Một bến sông nào đó trong tâm tưởng cũng là bến My Lăng!
Hồi Yến Lan tiên sinh tại thế, tôi đã đến ngôi nhà bên phố chợ thị trấn Bình Định (bây giờ thuộc phường Bình Định, thị xã An Nhơn) để xin tư liệu cho luận văn về "Bàn thành tứ hữu". Vợ chồng thi nhân đã tiếp tôi hết sức chân tình.
Sau đó, tôi có cùng một người bạn trở lại làm một cuộc trò chuyện dài với ông in trên Tạp chí Kiến thức ngày nay.
Và tôi được nghe Yến Lan đọc những bài tứ tuyệt đặc sắc của mình: Em đến xin hồng, hồng mới nụ/ Đêm nay hồng nở, bóng em xa/ Cầm em bữa trước, em không ở/ Giờ biết làm sao cầm được hoa? (Cầm chân em, cầm chân hoa); Quả lê ngày ấy em còn bói/ Nhựa tím khô dần một dấu răng (Nhựa tím khô dần)...
![]() |
Bài thơ “Bến My Lăng” được khắc đặt trước một quán bờ sông Kôn. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Theo lời kể của nhà thơ Yến Lan, nơi trực tiếp truyền cảm hứng để ông viết “Bến My Lăng” là bến đò Trường Thi trên con sông Tân An - một chi lưu của sông Kôn đổ ra đầm Thị Nại, nay thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Theo sử sách, bến đò Trường Thi khi xưa nằm ở mặt trước thành Bình Định dưới triều nhà Tây Sơn. Đoạn sông Tân An trước đây còn được gọi là Cửa Tiền. Bên bờ sông có một phần đất rộng được dùng làm trường thi Hương. Tới thời Pháp thuộc, trường thi không còn được dùng nữa, trở nên hoang vắng. Bến đò gần đó được dân gian gọi là bến Trường Thi, như bà Lâm Bích Thủy (con gái nhà thơ Yến Lan) kể: “Khi cha tôi mới 6 tuổi, cuộc sống nghèo khó đã cướp đi sức lực và tuổi trẻ của bà nội tôi. Lúc đó, bà ốm nặng lắm, không ăn được gì ngoài bánh canh tôm. Chợ xa, phải qua một lần đò. Chú bé 6 tuổi đi chợ mua bánh canh về, đứng đợi ông lái ở bờ bên sang đón. Song, hồn ông lái đã đi vào giấc ngủ mất rồi làm sao nghe được tiếng gọi đò yếu ớt của chú bé. Chú đợi mà lòng canh cánh sợ bánh canh nguội, sợ trẻ chăn trâu chặn đánh đổ hết bánh canh, về mẹ không còn gì ăn nên chú hối hả gọi ông lái đò - là cậu ruột hằng ngày vẫn neo đậu ở bờ bên kia dù có khách hay không. Đôi bờ sông quá rộng, chú bé tha thiết, giục giã, hối hả gọi đò. Tâm trạng ấy đã đi vào tiềm thức của cha tôi từ khi ấy. Lớn lên, có thêm chút triết lý, cộng với thực tế của cuộc sống, cha đã viết ra tiếng gọi đò đầy cám cảnh: Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách/ Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng…”.
Đoạn sông Kôn rẽ qua đây vẫn lững lờ trôi, cong mềm như hàng mi thiếu nữ. Những hàng tre vẫn rũ tóc đôi bờ. Sông đã hẹp lại so với trăm năm trước, bến đò không còn khách nữa, cầu Trường Thi khang trang đã nối đôi bờ sông. Dọc bến Trường Thi bây giờ đã có nhiều quán xá nép mình dưới những tàng cây lãng mạn.
![]() |
Cầu đường sắt qua bến Trường Thi, sông Kôn. |
Nơi đây có nhiều sản vật nức danh nhưng “giang hồ” vẫn đánh giá cao món lẩu cá diếc sông Kôn nấu với rau răm. Tôi đã ăn cá diếc vài nơi nhưng món cá diếc sông Kôn này có độ thơm mềm hơn hẳn. Cá diếc vốn nấu chín thì xương rất cứng nhưng cá diếc sông Kôn nấu rau răm thì mềm ngọt nồng nàn. Chan nước dùng lên chén bún, thưởng thức trong ngọn gió My Lăng. Nâng ngang mày chén rượu Bàu Đá gốc An Nhơn, hỏi thử có ai mà không tức cảnh sinh tình?
Hùng Phiên
Ý kiến bạn đọc