Băn khoăn về một ngữ liệu dạy học trong Ngữ văn 6
Trong sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống), Nhà xuất bản giáo dục năm 2021, bài thơ “Bắt nạt” trên trang 27 - 28 đang khiến nhiều giáo viên băn khoăn.
Theo một số giáo viên tham gia tập huấn sách giáo khoa môn Ngữ văn THCS hồi tháng 6-2021, việc đưa bài thơ “Bắt nạt” làm ngữ liệu dạy học trong chương trình Ngữ văn 6 là chưa thỏa mãn các tiêu chí đặc trưng của một văn bản văn học. Tham khảo ý kiến của một số nhà chuyên môn, tất cả đều chung nhận xét: Văn bản “Bắt nạt” tuy được xếp vào thể loại thơ nhưng ít chất thơ. Điều này trái với chủ ý của các nhà biên soạn Ngữ văn 6 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống).
Trong “Lời nói đầu” của tập sách, nhóm biên soạn đề cao mục tiêu của Ngữ văn 6 là “phát triển hiệu quả năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học” cho học sinh. Theo đó, “Với các bài học trong Ngữ văn 6, các em sẽ có những trải nghiệm khó quên trên hành trình khám phá vẻ đẹp của ngôn ngữ và văn học, qua đó hiểu hơn về con người và cuộc sống”.
Trong yêu cầu đọc hiểu văn bản của chương trình môn Ngữ văn THCS nói chung, có nội dung: “Nhận biết và bước đầu nhận xét được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ”. Mục đích của chương trình cũng nêu rõ: “giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ, văn học thông qua hệ thống kiến thức phổ thông cơ bản về văn học, tiếng Việt và các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe”.
Đối với ngữ liệu văn học, đọc – hiểu giúp học sinh rèn kỹ năng đọc, nắm được nội dung, ý nghĩa, giá trị nghệ thuật của tác phẩm, thực hành kỹ năng viết, nói. Do đó, ngữ liệu dạy học là tác phẩm văn học không chỉ chuẩn về nội dung, ý nghĩa mà còn phải hay về nghệ thuật. Chọn được văn bản thơ - văn hay đưa vào sách giáo khoa không chỉ có tác dụng tích cực trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm cho học sinh mà còn giúp các em “khám phá vẻ đẹp của ngôn ngữ và văn học” như mục đích mà nhóm biên soạn đã đặt ra trong “Lời nói đầu” của sách Ngữ văn 6 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống).
Tuy nhiên, thiết nghĩ, với bài thơ “Bắt nạt”, thật khó để giáo viên chỉ ra được “nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ” để từ đó “giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ, văn học”.
Nhìn vào hệ thống câu hỏi cuối bài đọc, không khó để nhận ra người soạn sách muốn hướng việc đọc hiểu văn bản vào yêu cầu giáo dục đạo đức cho học sinh là chính, gắn nội dung bài dạy học về ngữ văn với vấn đề có tính thời sự: vấn nạn bạo lực học đường. Một sự gò ép khiên cưỡng, nếu giáo viên chỉ biết vận dụng một cách rập khuôn, máy móc thì sẽ có nguy cơ biến giờ ngữ văn thành giờ giáo dục công dân.
Nguyễn Duy
Ý kiến bạn đọc