Multimedia Đọc Báo in

Đi học khi không thể đến trường

08:59, 21/08/2021

Năm học mới sắp khai giảng mà đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Nếu bệnh dịch vẫn căng thẳng lâu hơn nữa, thì việc học hành sẽ tiếp tục ra sao?

Bộ GD-ĐT vừa ban hành khung thời gian năm học 2021 - 2022 phù hợp với tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, mỗi địa phương một diễn biến riêng và vẫn chưa thể dự báo sắp tới ra sao. Nhưng ngay sau khi Bộ ban hành khung thời gian rất linh động như thế, vẫn không ai xác định có thể thực hiện được không. Chỉ có một điều chắc chắn rằng dù cho dịch bệnh có phức tạp đến mức nào thì việc học hành vẫn phải tiếp tục thực hiện, dù học sinh không thể đến trường.

Giải pháp như thế nào, xin để các chuyên gia bàn thảo. Ở đây, tôi chỉ xin bàn đến câu chuyện tự học, từ tình huống ngặt nghèo “đi học mà không thể đến trường”.

Lâu nay, chỉ thấy học hành là phải đến trường, ngồi trong lớp, nghe thầy cô giảng bài, thầy dạy bài gì thì học bài ấy. Dù đã có cả bộ sách giáo khoa trong tay nhưng nếu không có thầy cô giảng thì cũng không thể hiểu được bài. Việc học ở trường phổ thông chủ yếu là như vậy, và ngay cả trường đại học cũng gần như thế. Vậy, nếu không đến trường thì không thể học được hay sao?

Đại dịch COVID-19 đã buộc cả nhân loại phải nghĩ khác đi, làm khác đi, dạy khác đi và học khác đi, nếu chúng ta muốn tiếp tục sống, tiếp tục học hành. Trong khi chờ các chuyên gia tìm ra giải pháp hữu hiệu, nó cũng gian nan như tìm thuốc đặc trị vi rút SARS-CoV-2 vậy đó, thì ngay lúc này cách “học khác đi” ấy bao hàm cách thức tự học.

Lâu nay ở Việt Nam, chúng ta đã nghe nói đến khái niệm tự học đối với cấp đại học. Sinh viên là chủ thể của việc học hành, và giảng viên chỉ là người hướng dẫn. Hầu như chưa hề nghe nói đến tự học ở bậc trung học, và nhất là tiểu học. Vâng, học sinh tiểu học, nhất là những đứa trẻ bắt đầu bước vào lớp 1, sẽ tự học như thế nào?

 Tự học là cách mà thế giới đã thực hiện từ lâu, tiếng Anh là “self-learning” (rộng hơn là “self-education”), được định nghĩa là: việc học mà người học có ít hoặc không có sự dạy dỗ chính thống nào. Sự dạy dỗ chính thống ấy, tức là thầy cô và trường lớp. Học sinh tiểu học nhất thiết phải có sự dạy dỗ chính thống.

Theo định nghĩa này, học sinh tiểu học là phải có, nhưng “có ít” thôi, sự dạy dỗ chính thống. Nếu không thể đến trường, phải ở nhà và học trực tuyến (online) qua màn hình thì học sinh tiểu học phải có thầy cô giáo hướng dẫn từ xa, cùng với sự hỗ trợ của cha mẹ, anh chị hoặc gia sư ở nhà. Nhưng học sinh THCS và THPT thì có thể học online mà không cần đến sự hỗ trợ ở nhà. Học online là một cách học đòi hỏi sự tự chủ của người học. Hay có thể nói, học online chính là một bước để đi đến tự học.

Học sinh Trường Tiểu học -THCS - THPT Victory học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Vân Anh

Đánh giá về việc học online trong thời gian qua, nhiều giáo viên cho rằng chỉ là giải pháp bất đắc dĩ, hiệu quả thấp, vì rất nhiều lý do: học qua mạng nên học sinh không tập trung, không kích thích được sự chủ động và sáng tạo của học sinh, không thể trao đổi với bạn bè; không người giám sát nên không tự giác; nếu đường truyền yếu, hoặc thiết bị kém, âm thanh, hình ảnh không rõ thì không học được...

Nếu nghĩ khác đi, đã nhìn thấy nhược điểm và nguyên nhân thì ắt sẽ tìm ra biện pháp khắc phục. Bởi vì cách học online, hay là tự học với sự hướng dẫn từ xa, lại có ưu điểm là phát huy tính chủ động, tự giác của học sinh; phải tự nỗ lực hơn bình thường, phải sáng tạo để hoàn thành bài học, vì chẳng còn ai có thể giúp ngay cho họ... Cách học nào cũng có ưu điểm song hành cùng nhược điểm, vấn đề là khả năng thích ứng của người dạy và người học. Vả lại, tình hình lúc này không còn lựa chọn nào khác hơn.

Giáo dục, suy cho cùng vẫn là quá trình tự học. Ban đầu, đứa trẻ lớp 1 phải tự học bằng sự hướng dẫn từng chút một của thầy cô giáo. Thầy cô bày cho cách phát âm từng tiếng, cách viết từng chữ, cách tính từng con số, và cách đi, cách đứng, cách nói, cách cười... Nhưng người thực hiện những việc học đó chính là đứa trẻ sáu tuổi. Thầy cô và cả cha mẹ không thể làm thay việc đó. Càng lên lớp cao hơn thì việc tự học của học sinh càng nhiều hơn, và sự hướng dẫn của người thầy cũng thay đổi khác hơn. Đại học là tự học với sự hướng dẫn của giảng viên. Ở cấp cao hơn, với học viên cao học, nghiên cứu sinh tiến sĩ thì người hướng dẫn chỉ là người định hướng, hỗ trợ. 

Chuyện tự học xưa nay của thế giới là một căn cứ để chúng ta tin, dù không thể đến trường vì bệnh dịch, việc học hành của con em chúng ta vẫn tiếp tục. Và có khi, sự thay đổi đó lại là một sáng tạo để rời bỏ lối học đã trở nên quá cũ.

Minh Tự


Ý kiến bạn đọc