Multimedia Đọc Báo in

Kỳ học nghề quý giá

07:44, 31/08/2021

Dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Đáp lời kêu gọi của ngành y tế, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Buôn Ma Thuột đã tình nguyện "lên đường" đem nhiệt huyết và kiến thức chuyên môn được trang bị ở giảng đường tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh.

Những bác sĩ, kỹ thuật viên tương lai đã có một kỳ học nghề quý giá khó quên!

1. Đúng 9 giờ ngày 3-8-2021, chuyến xe “tình nguyện yêu thương" rời sân trường Trường Đại học Buôn Ma Thuột chở 66 giảng viên, sinh viên khoa Y, Dược  đầy nhiệt huyết đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên (sau đây gọi tắt là Viện) và Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột để tăng cường lực lượng hỗ trợ công tác điều tra dịch tễ, nhập liệu, quản lý dữ liệu ca bệnh, xét nghiệm COVID-19...

Sinh viên Trường Đại học Buôn Ma Thuột hỗ trợ tiếp nhận, phân loại mẫu bệnh phẩm COVID-19 tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên. Ảnh: H.Sơn

2.  28 giảng viên, sinh viên về Viện chia làm hai đội. Sinh viên khoa Y và giảng viên đảm nhiệm công việc ở phòng lab. Sinh viên khoa Dược đảm nhận mẫu bệnh phẩm, phân loại, nhập liệu mẫu.

Ở đây, làm việc, nghỉ ngơi không theo giờ giấc nhất định vì mẫu bệnh phẩm đến rất bất ngờ; đa phần đến vào buổi chiều và tối nên mọi người làm việc đến tận khuya hoặc gần sáng mới xong.

Sau khi ổn định đội hình, phân chia ca trực cùng cán bộ, nhân viên của Viện, sinh viên tình nguyện mới hiểu được sự vất vả của các các y, bác sĩ, kỹ thuật viên ở đây thế nào.

3.  Bắt đầu một ngày mới ở Viện luôn là câu hỏi thăm của bác bảo vệ và những nụ cười thân thương của mọi người. Có mẫu bệnh phẩm không ai bảo ai, tất cả bắt tay vào công việc cho dù đang giữa bữa ăn cũng gác lại làm việc để nhanh chóng cho kết quả.

Công việc thường bận rộn khoảng sau 17 giờ, mẫu bệnh về rất nhiều; có hôm tới 21 - 22 giờ mới là lúc bắt đầu làm việc cho một chuỗi mẫu từ nhiều nơi. Đèn điện bật sáng khắp các khu nhà làm việc ở Viện, phòng nào, phòng nấy tất bật với công việc.

Dù là 1 giờ hay 3 giờ sáng, mọi người vẫn cần mẫn, cặm cụi. Cả gian phòng yên lặng, bởi một sự mất tập trung sợ sẽ gõ nhầm tên, sợ sẽ nhầm giới tính nữ thành nam, hay gõ nhầm địa chỉ sẽ gây khó khăn cho đơn vị trả mẫu.

Chỉ khi “trở thành” nhân viên của Viện mới cảm nhận được sự tận tâm, trách nhiệm tất cả vì mục tiêu phòng, chống dịch bệnh. Những “chiến binh” thầm lặng!

Lãnh đạo Trường Đại học Buôn Ma Thuột thăm, động viên sinh viên tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở.

4.  Mấy ngày gần đây, TP. Buôn Ma Thuột liên tục ghi nhận nhiều ca dương tính trong cộng đồng.

Áp lực, sự hiểm nguy của đội ngũ y, bác sĩ tuyến cơ sở và của 38 giảng viên, sinh viên tình nguyện tăng cường cho các trạm y tế, xã phường càng tăng.

Dẫu đã được học, được trang bị các kỹ năng đảm bảo an toàn với quần áo bảo hộ, thực hiện tốt 5K của Bộ Y tế nhưng khó tránh khỏi sự hồi hộp, lo lắng.

Song, mang trong mình trọng trách sinh viên ngành y, dược, những chiến sĩ tình nguyện vẫn nỗ lực đi lấy mẫu test nhanh định kỳ cho những người có liên quan và đang cách ly tại nhà; hướng dẫn người dân đến khai báo y tế; chuẩn bị cho buổi tiêm vắc xin như: đo huyết áp, ghi chép danh sách tiêm…

Ngày phát hiện có F0, công việc của sinh viên tình nguyện cũng tất bật hơn khi cùng với cán bộ, nhân viên các ngành chức năng lập chốt truy vết, test nhanh đến hàng trăm mẫu.

Dù công việc vất vả, áp lực nhưng các sinh viên đều xác định đây là cơ hội học nghề quý giá trong môi trường thực tế để hoàn thiện hơn về kỹ năng, nhận thức về trách nhiệm với cộng đồng, tích lũy thêm kinh nghiệm cho công việc sắp tới.

Ân Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.