Multimedia Đọc Báo in

Ngành giáo dục thích ứng trong "siêu bão COVID"

07:27, 29/08/2021

Năm học 2020 - 2021 đi qua với nhiều cung bậc cảm xúc: háo hức,  băn khoăn, lo lắng, thấp thỏm. Một năm học với những ứng phó trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp...

*Thầy Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT

Nhiều kịch bản cho năm học mới

Đã có thể thở phào về năm học 2020 - 2021 khi tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (đợt 2) trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Như vậy, cả hai đợt thi tốt nghiệp THPT, tỉnh Đắk Lắk đều hoàn thành tốt “mục tiêu kép” vừa đảm bảo an toàn sức khỏe, vừa an toàn, nghiêm túc, chặt chẽ, không để xảy ra bất cứ một sai sót nào đáng kể.

Đặc biệt, nhiều huyện còn khó khăn nhưng đã tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ thí sinh về chỗ ăn, chỗ ở, góp phần tạo tâm thế thoải mái, yên tâm cho thí sinh và người nhà trong những ngày diễn ra kỳ thi, góp phần vào thành công chung, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2021 (đợt 1) đạt 97,01% (tăng 0,6% so với năm 2020).

Ảnh: Nguyên Hoa

Năm học 2021 - 2022 sắp bắt đầu, ưu tiên của tỉnh là đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên, do đó Sở GD-ĐT đang xây dựng nhiều phương án cho năm học mới để tùy vào tình hình dịch bệnh để triển khai phù hợp. Nếu trước ngày 5-9, dịch bệnh được kiểm soát, học sinh sẽ tựu trường như khung kế hoạch thời gian năm học đã ban hành. Nếu dịch bệnh tại địa phương vẫn kéo dài, các trường sẽ khai giảng trực tuyến hoặc có thể đẩy lùi thời gian bắt đầu năm học.

*Thầy Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Lắk: 

Chủ động, linh hoạt với chương trình, SGK lớp 1

Là năm học đầu tiên thực hiện chương trình, SGK mới đối với lớp 1 - chương trình được kỳ vọng sẽ tạo nên hiệu quả rõ rệt trong mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT. Tuy nhiên, ngay khi triển khai đã có không ít tranh cãi về chương trình, nhất là lượng kiến thức đưa vào bài học quá sức với học sinh lớp 1. Đặc biệt, sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có nhiều bất cập. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 rà soát, tiếp thu các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn.

Ảnh: Thùy Dung

Tại huyện Lắk, để triển khai chương trình, SGK lớp 1 mới hiệu quả, Ban Giám hiệu các trường tiểu học và giáo viên đã thảo luận, thống nhất điều chỉnh nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện, năng lực nhận thức, khả năng học tập của học sinh.

Nhờ sự chủ động, linh hoạt, việc dạy học chương trình, SGK lớp 1 nhanh chóng đi vào nền nếp, học sinh hứng thú học tập, tiếp cận được phương pháp giáo dục mới, nhiều em tiến bộ nhanh; phụ huynh yên tâm. Kết thúc năm học 2020 – 2021, tỷ lệ học sinh lớp 1 hoàn thành tốt chương trình đạt 41,4% (tăng 10,86% so với năm học 2019 - 2020).

*Cô Phạm Lê Tây Nguyên, giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ea H’leo): 

Sẵn sàng "chuyển trạng thái" học tập

Nhà trường tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT tại trường cho học sinh lớp 12 được hai tuần thì phải chuyển sang ôn tập trực tuyến vì một học sinh lớp 12A3 thuộc diện F1 phải cách ly tập trung.

Nếu như khi dịch COVID-19 mới xuất hiện, giáo viên có phần lúng túng, chưa sẵn sàng dạy online thì đợt này cả giáo viên và học sinh đã chủ động ôn tập trực tuyến.

Từ kinh nghiệm của những lần tổ chức dạy học trực tuyến ứng phó với dịch COVID-19 trước đây, tôi đưa bài giảng soạn sẵn trên power point chia sẻ lên màn hình và dạy học.

Ảnh: T.Dung

Đối với một vài học sinh vì lý do nhà không có mạng, không có điện thoại thông minh…, tôi chụp lại bài giảng trên màn hình rồi gửi riêng cho từng em, gọi điện, nhắn tin đốc thúc các em học tập. Riêng học sinh là trường hợp F1, khi đi cách ly tập trung cũng đã mang theo sách vở, laptop để học online cùng các bạn.

Niềm vui vỡ òa, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của trường khá cao. Điểm trung bình môn Địa lý toàn trường đạt 7,5 điểm, riêng học sinh là trường hợp F1 đạt 8,75 điểm.

*Thầy Nguyễn Đức Huy, Hiệu trưởng Trường THCS Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột): 

Kết thúc năm học sớm

Chuẩn bị thi học kỳ II đúng lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước. Thời điểm đó, một học sinh khối lớp 7 của trường thuộc diện F3 phải cách ly tại nơi cư trú.

Ảnh: Hoàng Ân

Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh và giáo viên, Ban Giám hiệu nhà trường đã "đẩy" lịch thi học kỳ II sớm hơn so với dự kiến.

Dù việc kiểm tra kết thúc học kỳ bị điều chỉnh nhưng nội dung thi không vượt quá tiến độ chương trình tại thời điểm kiểm tra. Đối với học sinh thuộc diện F3, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thường xuyên thăm hỏi, động viên. Đồng thời bố trí cho học sinh này làm bài kiểm tra cuối kỳ ngay sau khi kết thúc thời gian cách ly tại nhà.

Nhờ sự linh hoạt, chủ động, nhà trường đã hoàn thành "mục tiêu kép", vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh, vừa hoàn thành chương trình năm học 2020 – 2021, bảo đảm chất lượng giáo dục.

*Em Huỳnh Ngọc Lan, học sinh lớp 12, Trường THPT Buôn Đôn: 

Lễ bế giảng mùa COVID

Với các em học sinh khối 12 trường THPT Buôn Đôn năm học 2020 - 2021 kết thúc trong sự bâng khuâng, có chút luyến tiếc vì bất ngờ chia tay để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Vì là năm học cuối cấp, kết thúc 12 năm đèn sách bậc phổ thông, nên từ đầu năm học ban cán sự các lớp của khối 12 đã bàn bạc, thống nhất chương trình bế giảng, tri ân, trưởng thành "hoành tráng'' để lưu mãi kỷ niệm tuổi học trò. Dịch bệnh ập đến bất ngờ, mọi dự định, kế hoạch đành gác lại.

Ảnh: Hoàng Ân

Các lớp tổ chức lễ bế giảng tại phòng học trong thời gian 1 giờ. Mọi niềm vui, nỗi buồn và kể cả những điều chưa kịp nói trước khi rời xa các bạn, rời xa mái trường THPT thân yêu đều "gói gém" lại dưới lớp khẩu trang kín mít, tạm biệt nhau bằng ánh mắt, bằng những cái vẫy tay thật dài.

*Chị Trần Thị Hồng Phương, thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar): 

Vui hè tại nhà

Kế hoạch hè năm nay của các con đã bị “phá sản”. Tất cả hoạt động giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, vui chơi trong dịp hè phải dừng lại để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Các con có chút buồn, hụt hẫng nhưng rồi cả nhà nhanh chóng thích nghi với trạng thái mới. Một chương trình hè tại nhà nhanh chóng được “thiết kế”.

Các môn văn hóa học online; tập Earobic, trượt patin trong sân nhà thay vì đến hồ bơi rèn luyện thể lực, kỹ năng để chinh phục bản thân tại các cuộc thi bơi do ngành giáo dục, các trung tâm tổ chức; luyện vẽ; đàn, hát; thực hiện các clip tuyên truyền thực hiện "5K"…

Các hoạt động hè diễn ra trong phạm vi gia đình không kém phần sôi nổi, bổ ích, trọn vẹn với sự tham gia của bố mẹ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Duy nhất chỉ tiếc một điều là việc gặp gỡ, giao lưu của các con với thế giới bên ngoài bị hạn chế.

Các con của chị Phương vui chơi hè tại nhà. Ảnh: Gia Anh

Đây quả là mùa hè đặc biệt. Song hy vọng sự đặc biệt không ai mong muốn này trở lại để các con có khoảng thời gian, không gian tự do dành cho việc tận hưởng những trò chơi, sở thích cá nhân của mình sau 9 tháng học tập vất vả.

Như Hoàng - Dung Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.