Multimedia Đọc Báo in

“Tấm khiên” bảo vệ học sinh trước đại dịch COVID-19

13:54, 29/08/2021

Không lâu nữa, hàng chục nghìn học sinh trên địa bàn tỉnh bước vào năm học mới. Để học sinh đến trường an toàn giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, các nhà trường và phụ huynh đã chủ động lên phương án bảo vệ con trẻ trước sự tấn công vô hình mang tên COVID-19.

Theo kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 do UBND tỉnh ban hành ngày 12-8 thì giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên sẽ tựu trường vào ngày 1-9. Riêng lớp 1 đến trường sớm hơn vào ngày 23-8. Sau khi kế hoạch trên được ban hành, các thầy cô giáo trên địa bàn tỉnh đã bắt tay vào việc dọn dẹp, vệ sinh phòng học, chuẩn bị cho năm học mới. Công việc này cũng đã được lãnh đạo các trường thực hiện đều đặn, nghiêm túc trong ba đợt dịch trước.

Tuy nhiên, đợt dịch thứ tư này phức tạp hơn bởi biến chủng vi rút "siêu lây nhiễm". Do đó, để đảm bảo an toàn cho năm học 2021 - 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có nhiều công văn yêu cầu tất cả các Phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường và thủ trưởng các đơn vị giáo dục trực thuộc tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, Sở GD-ĐT yêu cầu lãnh đạo các Phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường phải nghiêm túc chấp hành những quy định phòng, chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế và UBND tỉnh. Các trường rà soát cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên từ nơi khác về/đến Đắk Lắk để khai báo y tế, thực hiện cách ly theo quy định. Ngoài ra, Sở đề nghị nhà trường chủ động xây dựng phương án, kịch bản nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra, đặc biệt là công tác chuẩn bị cho năm học mới 2021 - 2022.

Học sinh được yêu cầu rửa tay thường xuyên trong thời gian học ở trường. (Ảnh minh họa, chụp từ năm học 2020 - 2021).

Trong các bậc học, trẻ mầm non và tiểu học là nhóm có nguy cơ cao bị SARS-CoV-2 tấn công, bởi sức đề kháng, kỹ năng tự phòng, chống dịch bệnh của các em còn hạn chế. Vậy nên, bên cạnh sự chủ động của nhà trường, phụ huynh cũng là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng “lá chắn” ngăn COVID-19 xâm nhập vào trường học.

Chị Nguyễn Thị Lan (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) có con sắp vào lớp 1 cho biết, chị đã chuẩn bị đầy đủ sách vở, dụng cụ học tập cho năm học mới. Dẫu vậy, chị vẫn lo lắng cho ngày tựu trường sắp tới vì dịch còn phức tạp, các ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh còn gia tăng. Bản thân chị đã xác định tư tưởng dịch bệnh sẽ kéo dài, cần phương án “sống chung”.

Trong 3 tháng nghỉ hè, cả gia đình chị Lan không đi đâu xa để đảm bảo sức khỏe cho cả nhà. Đặc biệt, chị lên kế hoạch tăng sức đề kháng cho các con bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, giữ ấm cơ thể, hạn chế tiếp xúc với các vật nuôi, tập cho con thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Những kinh nghiệm trên được rút ra từ các đợt dịch COVID-19 trước. Không chỉ ngăn COVID-19, nhờ cách chăm sóc bài bản trên, con chị Lan còn tránh được một số bệnh thường gặp ở trẻ em như: cảm sốt, bệnh tay chân miệng, viêm tai…

Theo khuyến cáo của ngành y tế, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại trường học, nhà trường cần bố trí người đón và giao học sinh tại cổng trường, cha mẹ học sinh không vào trong trường; bố trí và đảm bảo nơi rửa tay có xà phòng và nước sạch; mở cửa sổ lớp học cho thông thoáng, hạn chế sử dụng điều hòa; không tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tập trung đông học sinh.

Hằng ngày, trước khi vào giờ học, giáo viên cũng tự kiểm tra sức khỏe bản thân; điểm danh, hỏi thăm sức khỏe học sinh, nếu phát hiện trường hợp sốt hoặc ho, khó thở hoặc nghi ngờ mắc COVID-19, nhà trường phải thực hiện khử khuẩn theo khuyến cáo và hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương.

Sau giờ học nhà trường cần tổ chức lau khử khuẩn nền nhà, bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập và các đồ vật trong phòng học, phòng chức năng; phương tiện đưa đón học sinh mỗi ngày cũng cần khử khuẩn thường xuyên các vị trí cửa xe, tay vịn, ghế ngồi…

Thanh Trúc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.