Multimedia Đọc Báo in

Đến tận nhà dạy học trong mùa dịch

08:43, 28/09/2021

Trường Tiểu học Trần Phú (xã Bông Krang, huyện Lắk) có 1 điểm trường chính và 3 điểm trường lẻ. Đa phần kinh tế gia đình các học sinh ở đây khó khăn, không đủ điều kiện để cho các em học trực tuyến trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, nên các thầy cô giáo đã đến tận nhà giảng dạy, giao phiếu bài tập.

Qua khảo sát đầu năm học 2021 - 2022 của nhà trường, trong số 814 học sinh (học sinh dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%) chỉ có 75 em đủ điều kiện học trực tuyến (chiếm 9,2%); còn lại gia đình không có kết nối Internet, laptop, điện thoại thông minh, ti vi, bàn ghế học. Đặc biệt có 230 học sinh thiếu sách vở, đồ dùng học tập, phần nhiều là ở khối lớp 1 và lớp 2.

Em H’Heng Liêng Hót (ở buôn Yang Kring) năm nay vào lớp 1. Hiện em đang sống cùng bà nội và hai anh chị là con của dì ruột. Dẫu năm học mới đã chính thức được trên 10 ngày nhưng chỉ anh trai học lớp 4 là có một vài cuốn sách cũ để học, còn H’Heng và chị gái học lớp 2 vẫn chưa có sách vở, dụng cụ học tập. Nhà bà nội của em H’Heng có một chiếc tivi cũ, không xem được kênh VTV7 nên cả ba anh em H’Heng không thể học qua truyền hình.

H’Heng Liêng Hót (buôn Yang Kring) mượn sách của cô giáo H'Xuân Buôn để học bài.

Trường hợp của em H’Hương Liêng (cũng buôn Yang Kring) càng đặc biệt hơn. Do phải đi chữa bệnh nên năm nay em phải học lại lớp 1. Tuy học lại lớp 1 nhưng hiện nay em chỉ có 2 quyển sách Tiếng Việt và 1 quyển sách Toán. Nhà có hai chị em đến tuổi đi học, nhưng mấy tháng nay bố em không có việc làm do dịch bệnh, vì vậy chỉ đủ tiền mua sách cho một mình H’Hương học.

Xác định rõ khó khăn, thách thức của giáo dục vùng sâu, vùng đặc thù trong bối cảnh dịch bệnh, ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Trần Phú xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học qua phiếu bài tập, trong đó mỗi thầy cô giáo phát huy tính chủ động, sáng tạo, hết lòng vì học sinh. Các giáo viên đã trích tiền lương mua sách vở, đồ dùng học tập tặng một số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Trước đó là chuẩn bị kỹ giáo án, photocopy phiếu học tập… để dù thiếu sách, vở viết các em vẫn có thể học tập.

Cô Lê Thị Nga dạy học tại nhà cho em H’Hương Liêng (buôn Krang Kring).
 

Trường có 48 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Nhiều giáo viên nhà cách trường 50 – 70 km, trước đây đi về trong ngày, nhưng nay ở nội trú, thuê nhà trọ gần trường để hỗ trợ học trò học tập tốt trong mùa dịch bệnh".

 
 Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú Trần Thị Phương

Cứ hai ngày một lần, giáo viên chủ nhiệm các lớp lại đến từng nhà học sinh để giảng dạy và giao phiếu bài tập. Mỗi lần giao bài, cô Lê Thị Nga, giáo viên tại điểm trường chính phải đi từ  tờ mờ sáng cho đến hơn 19 giờ mới về đến nhà; mất gần hai ngày như vậy mới giao bài xong cho tất cả 28 học sinh lớp 1 do mình chủ nhiệm. Nhà các em ở khá xa trường, đường sá lầy lội, trơn trợt. Đến nhà thấy các em thiếu thốn sách vở, đồ dùng học tập, có em không có nổi bàn ghế để học tập... rất thương. Cô trò lấy gạch, ván kê lên làm bàn để dạy học.

Nhiều khi giáo viên tới nhà học sinh nhưng không có ai ở nhà, không có điện thoại đành nhờ hàng xóm nhắn giúp, để hôm sau trở lại dạy học cho học sinh.  "Do học sinh thiếu sách vở quá nhiều, ngoài phát phiếu bài tập thì dạy đến phần nào tôi đều photocopy phần sách giáo khoa đó phát cho các em để ghi nhớ kỹ hơn", cô Nga trò chuyện.

Tương tự Cô H’Xuân Buôn (chủ nhiệm lớp 1, điểm trường buôn Hang Ya) lớp 33 em học sinh, mỗi ngày đi tới giảng bài được 15 – 20 em, số còn lại phải để ngày hôm sau. Nhiều trường hợp học sinh tiếp thu chậm cô H’Xuân phải ở lại lâu hơn. Khó khăn nhất là học sinh không có sách vở, phải mượn sách cô giáo để đọc. Nhiều gia đình đông con, thấy cô giáo tới nhà dạy học tất cả xúm lại để cùng nghe cô giảng bài khiến, cô H' Xuân rất vui, có thêm động lực "gieo chữ" nơi vùng khó.

Dẫu còn nhiều khó khăn trong công tác dạy, học hiện nay, nhưng sự nỗ lực của các thầy giáo, cô giáo Trường Tiểu học Trần Phú trong thời gian dịch này sẽ giúp các em học sinh không "quên" mặt chữ, thuận lợi hơn khi trở lại trường học.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.