Multimedia Đọc Báo in

Linh hoạt, chủ động các phương án cho năm học mới

06:51, 01/09/2021

Năm học 2021 – 2022 đã cận kề. Với tinh thần chủ động, sáng tạo và linh hoạt, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành GD-ĐT tỉnh đã xây dựng các phương án chủ động, linh hoạt sẵn sàng cho năm học mới.

Gấp rút chuẩn bị  cho năm học mới

Hơn 10 ngày nay, các giáo viên của Trường Mầm non Sơn Ca (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) tất bật dọn dẹp lại khuôn viên trường, phòng học, phòng chức năng để chuẩn bị vào năm học mới. Toàn trường tiến hành tổng dọn vệ sinh, trong đó phòng học, bàn ghế được lau chùi, trang trí lại; đồ chơi được rửa sạch, sát khuẩn; khu vui chơi ngoài trời được sơn sửa, chỉnh trang lại; vườn hoa, cây cảnh được cắt tỉa, chăm sóc...

Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên nhà trường đã xây dựng thêm máng rửa tay ngay tại cổng trường để học sinh thuận tiện rửa tay, sát khuẩn trước khi vào lớp.

Cùng với đó, các bảng, biểu hướng dẫn cách phòng, chống dịch COVID-19 được nhà trường ưu tiên lắp đặt ở những nơi trung tâm để thu hút sự chú ý của học sinh cũng như phụ huynh.

“Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhà trường đã chuẩn bị phương án tiếp nhận và chăm sóc đảm bảo an toàn cho học sinh. Cụ thể, nhà trường sẽ đo thân nhiệt cho tất cả học sinh khi vào trường, bố trí giáo viên phụ trách các lớp ra nhận trẻ ngay từ cổng, không để phụ huynh vào khuôn viên trường để phòng, chống dịch bệnh”, cô Bùi Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca cho biết.

Giáo viên Trường Mầm non Sơn Ca (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) trang trí lại khuôn viên trường trước năm học mới. Ảnh: Bảo Ngọc

Nằm ở khu vực còn khó khăn, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) cũng đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới 2021 - 2022. Nhà trường tổ chức vệ sinh khuôn viên trường, lớp học; tiến hành sửa chữa một số hạng mục hư hỏng, trang bị thêm 48 bộ bàn ghế mới, 4 ti vi. Cùng với đó là tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 31/31 giáo viên; tuyển sinh 121 học sinh vào lớp 1, đạt 100% kế hoạch đề ra. Đồng thời, nhà trường cũng đã xây dựng cùng lúc nhiều phương án để việc dạy và học đảm bảo các quy định phòng, chống dịch bệnh; trang bị các máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn, các bảng biểu tuyên truyền phòng, chống dịch; thông qua kênh liên lạc với phụ huynh để tuyên truyền, hướng dẫn học sinh kiến thức về phòng, chống dịch khi đến trường.

Năm học 2021 - 2022, huyện Buôn Đôn có 35 trường học; trong đó có 12 trường mầm non, 14 trường tiểu học, 1 trường tiểu học và trung học cơ sở, 8 trường trung học cơ sở và Trường Phổ thông dân tộc nội trú với 535 lớp, 15.256 học sinh.

Chuẩn bị cho năm học mới, UBND huyện đã cấp 1,29 tỷ đồng cho các trường học để trang bị thêm 129 bộ bàn ghế cho học sinh; mua sắm 40 màn hình phục vụ Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới năm 2018; mua sắm bộ đồ dùng dạy học môn Toán, Tiếng Việt lớp 1, 2 và môn Toán lớp 6. Cùng với đó, chỉ đạo các trường học chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhằm bảo đảm sức khỏe cho học sinh đến trường.

Năm học 2021 - 2022, huyện Ea Kar có 75 trường từ bậc mầm non, THCS, THPT và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện với 37.840 học sinh, trong đó có 10.797 học sinh đầu cấp. Toàn huyện có trên 2.400 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, huyện Ea Kar đã và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện, phương án cho năm học mới.

Phòng GD-ĐT huyện đã tham mưu UBND huyện ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 và công tác phòng, chống dịch; tham mưu tổ chức tiêm vắc xin và test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên các đơn vị trường học. Đồng thời, chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm quy định 5K và xây dựng kịch bản ứng phó theo từng tình huống khi có dịch bệnh bùng phát, học sinh không thể đến trường; tận dụng “thời gian vàng” khi dịch bệnh lắng xuống để tổ chức các hình thức dạy học phù hợp nhằm bảo đảm nội dung chương trình và khung thời gian năm học. Huyện Ea Kar cũng đã huy động, phân bổ kinh phí tu sửa 49 phòng học, xây dựng mới 19 phòng học kiên cố, 6 khu vui chơi giải trí cho trẻ em, 7 công trình vệ sinh, mua sắm thêm 153 bộ bàn ghế, 140 màn hình ti vi... với tổng kinh phí gần 21 tỷ đồng.

Song song với đó, Phòng GD-ĐT huyện Ea Kar đã phối hợp với Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị trường học cung ứng sách giáo khoa lớp 1, 2 và 6 kịp thời cho học sinh và giáo viên các trường trên địa bàn; cử cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn bồi dưỡng thường xuyên và tập huấn chuyên môn theo Chương trình GDPT mới. Ông Nguyễn Thanh Dương, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện cho biết: Đây là năm học thứ hai thực hiện Chương trình GDPT mới. Trong thời gian hè, ngành giáo dục huyện đã tham mưu UBND huyện bố trí kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nâng cấp phòng học, phòng chức năng, tổ chức tập huấn trực tuyến, nghiên cứu các bộ sách giáo khoa, tổ chức dạy thử; xây dựng các phương án, hình thức dạy học phù hợp với diễn biến dịch bệnh nhằm đạt mục tiêu năm học đề ra.

Linh hoạt, chủ động các phương án dạy học

Năm học 2021 – 2022, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 1.020 trường học, hơn 15.700 lớp học với khoảng 450.000 học sinh từ bậc mầm non đến THPT. Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa cho biết, để chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, sửa chữa, mua sắm bổ sung, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ cho năm học mới. Ðối với các trường tiểu học, đảm bảo bố trí mỗi lớp 1 và lớp 2 có phòng học riêng để đảm bảo học 2 buổi/ngày, nhằm đáp ứng việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới.

Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà (bìa phải) cùng đoàn công tác kiểm tra cơ sở vật chất năm học mới tại Trường THCS Phạm Hồng Thái (xã Cư Elang). Ảnh: Xuân Thủy

Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh được trưng dụng làm khu cách ly tập trung nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các địa phương khẩn trương bàn giao lại cho các trường để đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, bảo đảm an toàn để đón học sinh đi học trở lại trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát.

 
“Trong điều kiện học sinh không thể đến trường do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các đơn vị chủ động tổ chức dạy học bằng các hình thức phù hợp cho học sinh một cách khoa học, hợp lý như: dạy học trực tuyến; phối hợp cùng phụ huynh triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình; tổ chức giao bài cho học sinh bằng hình thức phiếu học tập… nhằm đảm bảo đầy đủ nội dung, chương trình theo quy định”.
 
 Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa

Về đội ngũ nhà giáo, Sở đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT rà soát, thực hiện luân chuyển đội ngũ giáo viên để tránh tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ, đảm bảo chất lượng và số lượng, nhất là giáo viên các môn Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục; đồng thời tổ chức tập huấn thường xuyên, Sở cũng đã triển khai công tác bồi dưỡng chuyên đề cho đội ngũ giáo viên dự kiến dạy lớp 1, 2, 6 đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT mới. Nhìn chung, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên toàn ngành đáp ứng tốt yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học mới.

Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch năm học trên cơ sở tính toán kỹ khung thời gian do Bộ GD-ĐT quy định, kết hợp theo dõi tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tùy tình hình thực tế công tác phòng, chống dịch, các địa phương, cơ sở giáo dục sẽ có sự linh hoạt, chủ động xây dựng kịch bản triển khai các phương án tổ chức dạy học phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh và điều kiện của địa phương, đơn vị để đảm bảo kế hoạch thời gian năm học và an toàn phòng chống dịch.

Sở GD-ĐT cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức khảo sát tình hình thực tế để nắm thông tin đầy đủ về điều kiện học tập của tất cả học sinh trong nhà trường làm cơ sở phân nhóm và lựa chọn các hình thức tổ chức dạy học phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhóm, lớp; chủ động báo cáo với các cấp quản lý về kế hoạch, phương án dạy học cụ thể của đơn vị; tranh thủ sự giúp đỡ, phối hợp kịp thời của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể; quan tâm đặc biệt đến học sinh dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tuyệt đối không để bất cứ học sinh nào không được học. Chủ động xây dựng phương án dạy – học bù khi học sinh đi học trở lại; tuyệt đối không áp đặt, không gây áp lực và quá tải trong dạy học đối với học sinh; phân công trách nhiệm cụ thể cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và phối hợp với phụ huynh học sinh trong tổ chức các hình thức dạy học…

Bảo Ngọc - Xuân Thủy - Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.