Multimedia Đọc Báo in

Sẵn sàng cho dạy và học trực tuyến

07:03, 06/09/2021

Để đáp ứng được nhu cầu dạy, học trực tuyến trên địa bàn tỉnh và chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới 2021 - 2022, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp đã trực tiếp vào cuộc nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn.

Ông Trần Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay hệ thống hạ tầng viễn thông đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy, học trực tuyến của giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh. Mạng 3G, 4G phủ sóng đến 100% khu dân cư và phủ sóng hơn 95% diện tích toàn tỉnh. 100% các phường, xã của tỉnh đã có tuyến cáp quang tốc độ cao.

Hiện nay, các trường học đều được cung cấp đường truyền Internet tốc độ cao từ 60 Mb/s trở lên, đặc biệt đối với các trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đã được hưởng chính sách theo Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích của Chính phủ.

Viettel Đắk Lắk tổ chức tập huấn về Hệ thống quản lý học và thi trực tuyến K12Online bằng hình thức trực tuyến.

Bên cạnh đó, các nhà mạng đã đáp ứng 100% yêu cầu lắp đặt đường truyền, yêu cầu truy cập 3G, 4G của người dân trên địa bàn tỉnh; đồng thời quan tâm đầu tư, mở rộng và nâng cao năng lực các hệ thống, giải pháp công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu dạy, học trực tuyến tăng cao khi năm học mới bắt đầu trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo các nhà mạng xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ cho nhà trường, người dân, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa còn khó khăn về điều điện cơ sở vật chất để người dân và các trường học có thể tiếp cận được dịch vụ học trực tuyến.

 

“Bên cạnh các phần mềm do hai nhà mạng Viettel và VNPT cung cấp, các trường cũng có thể khai thác, sử dụng các dịch vụ khác của các nhà cung cấp trong nước và quốc tế như: Azota, OLM, Zoom, Google Meet, Microsoft Team... để phục vụ dạy và học trực tuyến".

 
Ông Trần Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thôn

Là một trong những nhà mạng lớn của cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Viettel Đắk Lắk đã triển khai 954 đường truyền Internet cho trường học, trong đó có 400 đường truyền theo Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích của Chính phủ và 554 đường truyền theo diện tài trợ cho ngành giáo dục.

 

Theo Phó Giám đốc Viettel Đắk Lắk Nguyễn Đình Chính, đơn vị còn cung cấp Hệ thống quản lý học và thi trực tuyến K12Online - hệ thống hỗ trợ tổ chức và quản lý hoạt động dạy học, thi và đánh giá trực tuyến với nhiều tính năng ưu việt, dành riêng cho các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên và Hệ thống SMAS của Viettel là hệ sinh thái toàn diện trong giáo dục hướng tới “Trường học không giấy tờ”…

Ông Nguyễn Văn Thản, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin - VNPT Đắk Lắk cho biết, VNPT Đắk Lắk đã xây dựng chính sách cung cấp Internet tốc độ cao từ 60 Mb/s trở lên cho các nhà trường theo Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích của Chính phủ. Đến tháng 9-2021, VNPT đã cung cấp 321 đường truyền Internet tốc độ cao cho ngành giáo dục.

Bên cạnh đó, VNPT đã thực hiện nâng cấp băng thông gấp đôi cho đường truyền của các trường, thiết lập những chính sách ưu tiên cho ngành giáo dục đảm bảo chất lượng kết nối với các dịch vụ trong nước và quốc tế như: Zoom, Google Meet, Microsoft Team. Đồng thời cung cấp các gói cước linh động phù hợp với tình hình sử dụng thực tế của từng trường.

Hiện nay, VNPT đang hỗ trợ các trường dạy học trực tuyến trên phần mềm LMS nằm trong hệ sinh thái giáo dục VNEDU của VNPT và phần mềm học, thi, kiểm tra trực tuyến E-Learning. Ngoài ra, VNPT cũng đang tích cực hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn sử dụng các phần mềm miễn phí cho 877 trường, 21.700 giáo viên và 205.215 học sinh trên địa bàn toàn tỉnh để chuẩn bị cho năm học mới 2021 - 2022.

VNPT Đắk Lắk tổ chức tập huấn trực tuyến về Hệ thống dạy và học trực tuyến VNPT-LMS.

Sở GD-ĐT cũng đã triển khai đến các địa phương chủ động thực hiện các phương án dạy học để vừa đối phó với dịch COVID-19 vừa bảo đảm việc dạy và học trong năm học mới. Điển hình như ở huyện vùng sâu Krông Bông, Phòng GD-ĐT huyện đã ban hành hướng dẫn cụ thể đến các trường học trên địa bàn về việc quản lý và dạy học trực tuyến, trong đó yêu cầu các trường tùy vào điều kiện thực tế tại địa phương để xây dựng kế hoạch dạy học và lựa chọn hình thức phù hợp. Huyện cũng đã tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn về dạy, học trực tuyến. Hiện nay các trường đang tiến hành điều tra, khảo sát thông tin về điều kiện học tập của học sinh để phân loại đối tượng và xây dựng hình thức dạy học phù hợp.

Không chỉ ngành giáo dục, các địa phương và nhà trường nỗ lực chuẩn bị những điều kiện cho việc dạy, học trực tuyến mà các phụ huynh trên địa bàn tỉnh cũng chuẩn bị tinh thần lẫn cơ sở vật chất để sát cánh cùng con em mình. Chị B.T.T.T (xã Ea Hu, huyện Cư Kuin) chia sẻ, con trai chị năm nay bước vào lớp 2, nhận được thông báo và hướng dẫn của nhà trường về việc dạy, học trực tuyến, chị đã đầu tư một chiếc laptop để con thuận tiện trong việc học. Ngoài ra, chị cũng thường xuyên tìm hiểu và học cách sử dụng các phần mềm mà nhà trường sử dụng dạy học để hướng dẫn cho con mình.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.